Lính già nuôi chữ

Thứ ba, ngày 23/11/2010 19:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong căn nhà trống hoác, hai cựu binh già thì thầm với nhau: “Đời mình đã khổ, khổ thêm chút nữa cũng chả sao. Nhưng các con tương lai còn dài, phải có chữ để thắp sáng nhân cách, thắp sáng niềm khát vọng”.
Bình luận 0

Khổ mà hạnh phúc

img
Trong căn nhà trống hoác, vợ chồng ông Hiều chia sẻ với phóng viên NTNN (phải).

Bước vào căn nhà mà trước đó tôi không hề nghĩ là... nhà. Hai tấm tôn, một che bếp, một che chỗ ngủ; ba tấm bạt che gió lạnh hướng Bắc, cái nắng gắt hướng Tây và bụi hướng Nam; hai tấm ván kê làm chỗ ngủ, một chiếc chõng tre làm bàn, đấy là nhà của họ.

Ông Lê Chí Hiều bắt đầu câu chuyện bằng một tràng cười giòn: “Hồi mới lên chỉ có cái bếp thôi. Tấm tôn che chỗ ngủ là của anh mua phế liệu cho đấy. Hy sinh đời bố củng cố đời con!”.

Câu chuyện của ông Hiều bắt đầu từ những năm 60. Thời ấy ông là một học sinh xuất sắc. Nhưng chiến tranh đã cướp mất giấc mơ được làm thầy của ông. Giải phóng, cuộc sống khó khăn, giấc mơ ấy đã thực sự tắt lịm. Rồi ông gặp bà Võ Thị Siêu, một đồng đội đã cùng ông vào sinh ra tử, hai người rời Quảng Bình vào Bình Thuận lập nghiệp.

Khi những đứa con ra đời cũng là lúc giấc mơ xưa lại đốt cháy lòng ông. Quần quật suốt ngày trên rẫy nhưng ông không cho con làm gì ngoài việc học. Nhà ở vùng sâu, nên cứ đứa nào học đến cấp 2, ông phải “cơm nắm gạo đùm” cho chúng xuống huyện.

Cuối cùng những nỗ lực của ông cũng được đền đáp, ba đứa con gái giờ đã là giáo viên, ba đứa con trai cũng đang ngồi trên ghế giảng đường. Nhưng khi ba đứa con trai vào đại học thì sức ông đã như trâu già cày ruộng ban trưa. Bán rẫy, bán nhà là giải pháp cuối cùng của ông.

Trời không thương người khó

300 triệu đồng tiền bán rẫy, bán nhà, ông Hiều dành 100 triệu để nuôi chữ và tái canh. 200 triệu còn lại ông ôm lên Đăk Nông, mua 2ha rẫy ở thôn Phú Xuân, xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa và dựng “nhà” ở luôn trong rẫy.

Dọn rẫy nuôi, cắm mấy trăm cây cao su, rồi trồng luôn mì vào đó. Nhưng mỗi tháng, 6 triệu đồng cứng gửi xuống thành phố, chưa kể các khoản khác cho việc học của ba đứa con, ông Hiều không thể cứ vay tiền nóng được nên đã… quyết một phen.

img Mình nghèo nhưng thấy nhiều người còn nghèo hơn nên mỗi lần bình xét hộ nghèo, gia đình tôi đều nhường phần cho họ. img

Ông Lê Chí Hiều

Dạo ông lên Đăk Nông, nhiều người dân trúng chanh dây dữ lắm. Nhưng kẹt cái vốn, thiếu chỗ quen nên ông chịu. Ba đứa con gái giờ có chồng con, công việc cũng chưa yên bề nên chẳng giúp được gì. Đầu năm nay, ông may mắn được người “tài trợ”, vậy là căng dây làm giàn trồng chanh dây.

Hơn trăm triệu vay mượn cùng mồ hôi của hai vợ chồng già đổ xuống đất để hy vọng có tiền nuôi ba đứa con. Nhưng than ôi!... Tôi đến nhà ông Hiều khi vườn chanh của ông đã thu được ba lứa. Vợ ông còn mải dưới vườn, còn ông vẫn đang tất tả chạy cái giấy chứng nhận để được vay tiền theo chương trình học sinh sinh viên.

“Không được bà à, mình không phải hộ nghèo nên họ không cho vay”- ông Hiều nói với vợ rồi quay sang phân bua với tôi: “Mình nghèo nhưng thấy nhiều người còn nghèo hơn nên mỗi lần bình xét hộ nghèo, gia đình tôi đều nhường phần cho họ”.

Còn câu chuyện chanh dây thì bà Siêu kể: “Lúc mình trồng thì giá hơn 8.000 đồng/kg, đến lúc bán giá còn 2.000 đồng/kg. Bán được đồng nào chủ đại lý phân bón lấy hết đồng ấy…”, bà Siêu vẫn cười nhưng trong khóe mắt hai giọt nước đã lăn ra.

Mối “họa” chanh dây đã thực sự đẩy vợ chồng ông Hiều đến bước đường cùng. Tuy nhiên, cái mà ông Hiều đang lo nhất vẫn là ba đứa con…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem