Lo cho nông dân trồng lúa từ A đến Z

Thứ sáu, ngày 24/08/2012 07:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mấy vụ lúa gần đây, hàng ngàn nông dân trồng lúa ở An Giang không phải lo chuyện gieo giống gì, kỹ thuật canh tác ra sao, thu hoạch xong bán cho ai…
Bình luận 0

Đơn giản vì nông dân làm lúa theo hợp đồng với AGPPS thì được công ty này lo từ A đến Z.

Tháng 10.2010, nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty TNHH một thành viên Lương thực Vĩnh Bình (xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, trực thuộc AGPPS) đi vào hoạt động, phát động mô hình liên kết với nông dân.

Nông dân ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với công ty, không ai được phép “bẻ kèo” nửa chừng. Công ty đề nghị “đối tác” đọc kỹ hợp đồng trước khi ký tên, nếu có gì chưa rõ phải hỏi ngay để các chuyên viên của công ty giải thích rõ ràng.

img
Ông Lê Vĩnh Tân – Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp (trái) và ông Huỳnh Văn Thòn – Tổng Giám đốc AGPPS đi thăm nhà máy Vĩnh Bình.

Cụ thể: Lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… công ty cung cấp đến khi thu hoạch mà không tính lãi. Nhưng hạt lúa khi thu hoạch phải theo chuẩn của công ty về độ thuần, độ ẩm, độ xanh non, rạn gãy, tạp chất… Để lúa không xanh non, ít rạn gãy, các kỹ sư của công ty sẽ bàn bạc với nông dân về ngày thu hoạch lúa.

Đặc biệt, các kỹ sư sẽ lo cho nông dân mượn bao đựng lúa, đưa ghe chở lúa về kho sấy. Tại vùng nguyên liệu, công ty xây lò sấy công suất 1.000 tấn/ngày. “Nếu nông dân thấy giá lúa thị trường thấp, không bán thì công ty cho gửi kho miễn phí trong vòng 30 ngày để chờ giá. Nếu tiếp tục gửi lúa từ tháng thứ hai thì nông dân chịu tiền lưu kho 5.000 đồng/tấn/ngày.

Ông Lê Minh Phương – Phó Giám đốc ngành lương thực thuộc AGPPS cho biết: “Vụ đông xuân đầu tiên (2010) vận động trầy trật chỉ thu hút được một số nông dân tham gia miễn cưỡng với diện tích 1.073ha. Sang vụ hè thu, diện tích tăng lên 1.600ha, vụ thu đông năm nay tăng vọt lên 9.300ha. Dự kiến, vụ đông xuân sắp tới, diện tích lúa làm theo hợp đồng sẽ lên đến 16.000ha” (vùng nguyên liệu cho 4 nhà máy).

Hiện công ty có gần 800 kỹ sư nông nghiệp đang thực hiện Chương trình “Cùng nông dân ra đồng” (FF). Lực lượng này sẽ hướng dẫn kỹ thuật làm lúa theo kiểu cầm tay chỉ việc, cùng ăn cùng ở với nông dân. Vùng nguyên liệu hoàn toàn sử dụng lúa chất lượng cao theo định hướng của công ty nên hạt lúa đồng đều, giá xuất khẩu cao hơn 20-30USD mỗi tấn so với những nơi khác. Hiện công ty có 3 nhà máy ở 3 huyện Châu Thành, Thoại Sơn (An Giang) và Tân Hồng (Đồng Tháp). Công ty chuẩn bị mở rộng sang các tỉnh Long An, Hậu Giang và Bạc Liêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem