13 tiết mục chèo sẽ lần lượt được trải qua các đêm diễn từ ngày 26.11 đến ngày 4.12 để chọn ra một vở diễn xuất sắc nhất. Nội dung được đề cập trong liên hoan chèo này không chỉ đáp ứng được các tiêu chí do Ban tổ chức đặt ra mà còn phản ánh diện mạo cuộc sống một cách góc cạnh, gay gắt đang hiện hữu từng ngày từng giờ.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2011/images/2011-11-30/1434704076-286_8_cheo.jpg) |
Những cảnh diễn trong vở “Thương nhớ trầu cau” của Nhà hát Chèo Quân đội. |
Hai ông, 8 vở
Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật - Biểu diễn (Bộ VHTTDL), việc làm mới sân khấu cũng khiến những người làm nghệ thuật đau đầu suốt nhiều năm, đó là làm sao để chèo hiện đại mà vẫn là chèo, hấp dẫn khán giả. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, nếu điểm mặt chỉ tên thì chỉ thấy xuất hiện tác giả và đạo diễn chèo quanh đi quẩn lại chỉ có Trần Đình Ngôn và Bùi Đắc Sừ. Không có đội ngũ kế cận. Việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả nghệ thuật chèo trong thời kỳ mới là hết sức khó khăn” – ông Nguyễn Đăng Chương bộc bạch.
Trong 16 vở diễn của 13 đoàn đăng ký tham dự liên hoan, có tới 4 vở ghi tên đạo diễn Bùi Đắc Sừ, 3 vở ghi tên tác giả Trần Đình Ngôn, thêm một vở khác ông Ngôn đứng chung vai trò tác giả với nghệ sĩ Chu Thơm, tổng cộng là 8 vở. Trong khi đó, dự thảo quy chế đưa ra, mỗi tác giả chỉ được tham gia không quá 3 tác phẩm trong liên hoan. Quy chế này đưa ra nhằm tạo điều kiện tìm kiếm tác giả và phát huy tài năng trẻ, nhưng thực tế thì vở diễn chèo hết sức hiếm hoi. Cả nước hiện có 18 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, nhưng có tới 5 đơn vị không tham gia được vì trong 5 năm qua không thể dàn dựng vở mới.
Bảo tồn hay cách tân
Khai mạc đêm diễn, đoàn chủ nhà Thái Bình đã mở màn khá ấn tượng với tác phẩm “Đất làng”. “Đất làng” là một vở chèo hiện đại đề cập trực tiếp tới vấn đề chuyển đổi, quy hoạch đất đai ở nhiều vùng nông thôn ven đô thị. Mỗi đoàn nghệ thuật sẽ có một đêm diễn để trình làng tác phẩm chèo của mình. Khác với những lần trước, Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc 2011 tập trung vào đề tài hiện đại, đòi hỏi sự tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật và hình thức thể hiện, nhưng vẫn phải giữ được đặc trưng và nguyên tắc cơ bản của loại hình nghệ thuật truyền thống. Cục Nghệ thuật - Biểu diễn và giới chuyên môn cũng rất mong liên hoan này sẽ giúp họ trả lời câu hỏi: Nên bảo tồn hay cách tân chèo?
"Để dàn dựng một vở chèo theo đúng với tính chất hiện đại là vô cùng khó khăn. Đó cũng chính là vấn đề khiến những người làm nghệ thuật như chúng tôi đau đầu trong nhiều năm qua."
Ông Nguyễn Đăng Chương
Những vở diễn cổ truyền ngày càng mai một, những vở diễn hiện đại đang gặp khó khăn trong phương pháp xây dựng. Nếu giữ nguyên đặc điểm chèo cổ là kỹ thuật tự sự, biểu hiện tính cách nhân vật, tính chất ước lệ và cách điệu thì chèo hiện đại sẽ có nhịp rất chậm không hợp với nội dung và khán giả trẻ. Nếu phá cách để hấp dẫn thì không còn là chèo nữa. Điều này làm nổ ra cuộc tranh luận giữa hai trường phái “bảo thủ” và “cải cách” và kết quả là sân khấu chèo vẫn đang chấp chới bay “giữa hai làn gió” như dải lụa điều mà các nữ diễn viên hay dùng làm đạo cụ cho mình.
Ban tổ chức hy vọng, liên hoan lần này chính là dịp để cùng nhau đánh giá, bàn bạc và tìm ra hướng đi mới cho chèo. Còn khán giả ở đất chèo Thái Bình, họ chẳng cần biết giới chuyên môn đang “đau đầu” ra sao, chỉ cần có một dịp vui để được nghe lại tiếng hát chèo lâu rồi đang thưa vắng.
Hồ Phương Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.