Lộ diện người không được phân công ở dự án ở Gang thép Thái Nguyên nhưng vẫn là bị cáo
Lộ diện người không được phân công ở dự án Gang thép Thái Nguyên nhưng vẫn là bị cáo
Phạm Hiệp
Thứ sáu, ngày 16/04/2021 17:44 PM (GMT+7)
Trong vụ án xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), có những bị cáo không được phân công tham gia vào dự án nhưng vẫn vi phạm và bị đưa ra xét xử.
Chiều 16/4, phiên tòa sơ thẩm, xét xử 19 bị cáo trong đại án xảy ra ở TISCO tiếp tục phần tranh luận.
Bào chữa cho bị cáo Lê Phú Hưng, luật sư Lê Trung Sơn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ, ông đồng tình với ý kiến các cơ quan tiến hành tố tụng, đại diện Viện Kiểm sát khi đánh giá, ghi nhận mức độ vai trò không đáng kể của thân chủ trong tổng thể của vụ án.
Theo cáo trạng, Lê Phú Hưng là thành viên HĐQT Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS), khi nhận được email kèm theo tờ tình số 835 ngày 23/6/2009 và ý kiến của Ban kiểm soát VNS đề nghị báo cáo Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương:
Chọn Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC số 01#; cho phép chủ đầu tư được điều chỉnh chi phí thực hiện phần C và nhà thầu phụ VINAINCON được thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá.
Ông Lê Phú Hưng bị cáo buộc không yêu cầu những người có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan để nghiên cứu và cho ý kiến để giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật, mà cho ý kiến nhất trí với tờ trình này không có căn cứ.
Căn cứ vào ý kiến nhất trí của ông Hưng và các thành viên HĐQT, bị cáo Mai Văn Tinh – cựu Tổng Giám đốc TISCO đã ký văn bản đề nghị Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương nêu tại Tờ trình số 835.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Hưng, cáo buộc này là sự bất ngờ với thân chủ.
Luật sư Lê Trung Sơn cho rằng, bị cáo Hưng không tư lợi, không cố ý; việc cho ý kiến là để VNS làm căn cứ báo cáo Chính phủ xin chủ trương…; tin tưởng vào sự thẩm định, đánh giá của các bộ phận chuyên môn…
Trình bày quan điểm bào chữa, luật sư Sơn trình bày, dự án được phê duyệt từ năm 2005, đến năm 2007 ông Lê Phú Hưng mới được bổ nhiệm làm Ủy viên HĐQT VNS.
Ông Hưng sau đó được phân công đảm nhiệm nhiệm vụ phụ trách các công tác sản xuất, kinh doanh của công ty ở miền Nam. Từ đó ông Hưng đã cư trú ở miền Nam, sinh sống ở TP.HCM.
"Trong suốt thời gian này, bị cáo Hưng không được phân công, hoặc đồng phụ trách bất cứ nội dung nào của dự án. Bản thân ông Hưng cũng không biết được nội dung của hợp đồng EPC" – luật sư Lê Trung Sơn dẫn chứng.
Vị luật sư bào chữa cho cựu thành viên HĐQT VNS Lê Phú Hưng cũng cho biết, thời điểm bị cáo Hưng tiếp nhận, cho ý kiến với Tờ trình 835 là khi ông này đang phụ trách sản xuất ở phía Nam.
Bị cáo Hưng nhận được email kèm theo Tờ trình 835 vào 4h chiều ngày 23/6/2009, được yêu cầu phải trả lời trước 9h sáng ngày hôm sau.
Luật sư Sơn phân tích, sau khi nghiên cứu các văn bản kèm theo trong email, ông Hưng thấy rằng nội dung tờ trình có ghi "Do hợp đồng EPC đã ký là hợp đồng trọn gói, vì vậy việc thay đổi phần C phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt…", chính vì vậy, sau khi xem xét văn bản thẩm định của Ban kiểm soát, ông Hưng tin tưởng vào nội dung thẩm định của các phòng ban, chức năng có ghi trong tờ trình.
Đặc biệt văn bản này đã được Ban kiểm soát đồng ý, Tổng Giám đốc là người có ý kiến rất rõ ràng ở Tờ trình 835… nên đã không yêu cầu các đơn vị liên quan cung cấp các hồ sơ, tài liệu khác.
"Việc đồng ý này không có động cơ, mục đích, vụ lợi nào. Chỉ muốn tháo gỡ khó khăn cho dự án, đổi mới hoạt động dự án hiện đang trì trệ" - luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Phú Hưng nêu quan điểm.
Mặt khác, luật sư Lê Trung Sơn đề nghị HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt của Nghị quyết số 03, ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa Tối cao để miễn hình phạt cho bị cáo Hưng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.