Lỗ hổng đầu tư BT đang giúp nhà đầu tư trục lợi?

Hoàng Thắng Thứ năm, ngày 19/10/2017 13:29 PM (GMT+7)
“Toàn những mảnh đất đẹp, vị trí đắc địa mà định giá rất thấp, nhà đầu tư hưởng lợi rất nhiều. Chưa nói tới lợi ích nhóm trong đó. Riêng dự án Bảo tàng Hà Nội do Vinaconex thực hiện, thử hỏi dự án đó có xuất phát từ nhu cầu người dân hay không, xin ý kiến nhân dân hay chưa? KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 38 tỷ đồng trên tổng số 114 tỷ đồng” - PGS. TS. Lê Huy Trọng nói.
Bình luận 0

img

Nhiều dự án đầu tư theo hình thức BT đang tồn tại lỗ hổng (Ảnh: Zing.vn)

Bên lề hội thảo “Cơ chế đầu tư BT – Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”, PGS. TS. Lê Huy Trọng – Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Chuyên ngành V đã chia sẻ một số lỗ hổng trong cơ chế đầu tư BT mà từ đó, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng để tham nhũng, trục lợi.

Qua quá trình thực hiện kiểm toán những dự án BT của KTNN, cho đến thời điểm này chưa có tổng kết chính thức. Nhưng nhìn từ kết quả kiểm toán và thông tin thu về của các kiểm toán viên, BT là hình thức đối tác công tư đã được quy định trong Nghị định số 109/2008/NĐ-CP và nay là Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, còn có Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao. Thêm vào đó, là Thông tư 55 của Bộ Tài chính, Thông tư 06 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhằm hướng dẫn thực hiện. Nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế.

img

PGS. TS. Lê Huy Trọng – Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chia sẻ bên lề hội thảo

Ông Trọng cho biết: “Đầu tiên, Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg đã quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án. Song trên thực tế, nhiều dự án thanh toán bằng tiền. Thậm chí, có tiền lấy từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn vay trong khi nguồn vốn của nhà đầu tư rất nhỏ. Hiện nay, chúng ta chưa quy định tỉ lệ góp vốn của chủ đầu tư nên vốn góp của chủ đầu tư rất hạn chế. Nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện hiện dự án vẫn được cấp phép đầu tư.

Thứ hai, vấn đề chỉ định thầu. Điều 29, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chỉ định thầu. Nhưng phần lớn trường hợp là chỉ định thầu, đã chỉ định thầu sẽ không có cạnh tranh, không rõ giá là bao nhiêu. Thị trường mà người bán không có sản phẩm, người mua không có cái so sánh thì làm sao xác định đúng giá trị thực tế của những miếng đất được giao cho nhà đầu tư được.

Toàn những mảnh đất đẹp, vị trí đắc địa mà định giá rất thấp, nhà đầu tư hưởng lợi rất nhiều. Chưa nói tới lợi ích nhóm trong đó. Riêng dự án Bảo tàng Hà Nội do Vinaconex thực hiện, thử hỏi dự án đó có xuất phát từ nhu cầu người dân hay không, xin ý kiến nhân dân hay chưa? KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 38 tỷ đồng trên tổng số 114 tỷ đồng”.  

img

Bảo tàng Hà Nội là một trong số các dự án được PGS. TS. Lê Huy Trọng – Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhắc tên

Còn bà Trương Hải Yến, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, hiện vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư. Cụ thể, việc xác định yếu tố này chủ yếu được thông qua thương thảo hợp đồng nên vẫn có tình trạng chênh lệch lớn giữa các hợp đồng: cao nhất 12%, thấp nhất 9% so với phần vốn chủ sở hữu.

Theo bà Yến, nếu lợi nhuận nhà đầu tư trong trường hợp chỉ định thầu thì sẽ được xác định trên cơ sở tham khảo mức lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tương ứng. Tuy nhiên, việc thực hiện là rất khó do phạm vi tham khảo rộng và sau khi tham khảo thì vận dụng các thông tin tham khảo như thế nào cho phù hợp với đặc thù cụ thể của từng dự án chưa được quy định rõ ràng.

Một bật cập khác nữa của BT cũng cần được làm rõ đó là vấn đề về tổng mức đầu tư. Bà Yến cho biết, qua kiểm toán một dự án cho thấy tổng mức đầu tư được lập và phê duyệt chưa đảm bảo theo quy định làm tăng vốn cho dự án.

“Một số chi phí trong tổng mức đầu tư lập cao so với thực tế và quy định, thiếu căn cứ, chưa chú trọng cắt giảm chi phí những hạng mục không cần thiết làm tăng tổng mức đầu tư không hợp lý nhằm chiếm dụng tiền của ngân sách nhà nước”, bà Yến nói.

Bà Yến cũng cho biết, việc ký kết hợp đồng BT còn chưa phù hợp, không chặt chẽ, thiếu ràng buộc chế tài khi nhà đầu tư vi phạm về tiến độ, thời gian thực hiện dự án, chất lượng công trình… Cụ thể, trong trường hợp dự án BT đã được thanh toán bằng dự án giao đất khác trước khi hoàn thành dự án BT, nhà đầu tư sẽ không bị áp lực phải thực hiện dự án đúng theo tiến độ cam kết.

Ngoài ra, việc quản lý, thực hiện dự án được giao cho nhà đầu tư thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán, nhà đầu tư tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến không đảm bảo tính khách quan.

Thêm vào đó, việc thực hiện công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao nên dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án, chất lượng dự án kém.

Theo số liệu từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỷ đồng trên tổng số 30.425 tỷ đồng đối với 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem