Trước mắt phải lo tiền lương
Ở nhiều khu công nghiệp, vào thời điểm này nhiều công nhân đã rỉ tai nhau: Không biết năm nay tiền thưởng tết của công ty mình thế nào?
“Dù tôi có 5 năm thâm niên mà tết năm ngoái cũng chỉ được tháng lương 13 và hơn những người mới vào một túi bánh kẹo trị giá khoảng 200 nghìn đồng. Năm nay, nghe nói doanh nghiệp làm ăn kém đi, chẳng biết có được thưởng tết không?” - chị Nguyễn Thị Hạnh làm việc doanh nghiệp tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) tâm sự.
|
Nhiều công nhân trông ngóng thưởng tết để lo cho gia đình (ảnh chụp tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội). |
Trao đổi với NTNN, bà Trương Thị Phương – Phó Tổng Giám đốc Công ty Dệt 19-5 Hà Nội cho biết: “Hiện tại công ty còn đang phải nỗ lực tìm cách lo trả tháng lương thứ 9 và 10 cho công nhân. Năm nay, nhiều khó khăn đổ dồn vào doanh nghiệp, sản phẩm làm ra không bán được trong khi lãi suất ngân hàng vẫn còn rất cao. Năm 2010, công ty cũng thưởng cho hơn 1.000 công nhân 1,5 tháng lương/công nhân nên dự kiến năm nay cũng phải cố gắng chăm lo tết cho công nhân để giữ chân họ. Ngành dệt may lương đã thấp, nếu công nhân bỏ đi rất khó tuyển” - bà Phương nói.
Cùng chung quan điểm trên, ông Lê Quang Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bảo Việt cho biết: “Hiện tại vẫn còn quá sớm để nói tới thưởng tết. Từ khi công ty cổ phần hoá, lợi nhuận sau thuế sẽ do Đại hội cổ đông quyết định, nếu hoàn thành kế hoạch mới có tháng lương thứ 13” - ông Bình cho biết.
Thưởng để giữ lao động
Trao đổi với NTNN, TS Đặng Quang Điều - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, thống kê cho thấy có hơn 80% các cuộc đình công liên quan tới tiền lương, thưởng, riêng năm 2011 là 90%. Vào dịp cuối năm cũng là thời điểm các cuộc đình công tăng cao hơn, xu hướng nhảy việc, chuyển việc nhiều hơn nên doanh nghiệp nào thực hiện đầy đủ các chế độ phúc lợi về lương, thưởng cho người lao động sẽ giữ được chân lao động có tay nghề và ngược lại.
Nhìn lại một năm có rất nhiều biến động đối với doanh nghiệp thì so với năm 2011, chắc chắn thưởng tết sẽ giảm.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân
“Thông thường, vào dịp đầu năm các doanh nghiệp thường phải “đau đầu” với việc lao động bỏ việc và cuối năm là thưởng tết. Theo quy định hiện hành thì không thể bắt doanh nghiệp phải thưởng tết nhưng thực tế, tiền thưởng có ý nghĩa rất quan trọng nhất là với người lao động của nước ta, như các cụ đã từng nói “một trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” - ông Điều nói.
Dự báo về xu hướng thưởng tết năm 2011, ông Nguyễn Văn Thuỷ - Phó Ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, chắc chắn sẽ khó khăn hơn năm 2010. Qua khảo sát cho thấy, nhiều yếu tố làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp như lãi suất cao, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và mới nhất là tăng lương cơ bản khu vực doanh nghiệp trước thời hạn vào tháng 10 vừa qua. Mặt khác, năm nay nghỉ tết có thể tới 9 ngày, cộng thêm Tết Nguyên đán đến “gấp” hơn, (vừa kết thúc lịch dương đã đến Tết âm lịch) nên có nhiều doanh nghiệp vin vào việc chưa đánh giá được kế hoạch năm có hoàn thành hay không để tính đến thưởng…
Ông Nguyễn Văn Xê - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho hay, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo tình hình thưởng tết. Dự kiến ngày 14.12 sẽ có thông tin chính thức kết quả tổng hợp. Ông Xê khá lạc quan khi nhận định thưởng tết TP.HCM có thể sẽ cao hơn năm 2011. Cũng theo ông Xê, mức thưởng tết trên địa bàn TP.HCM năm 2011 cao nhất là 532 triệu đồng, thấp nhất là 900.000 đồng. Thanh Tàu
Phương Vy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.