Trao đổi với NTNN ngày 22.5, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh - Hải Phòng (ảnh) cho rằng: “Chúng ta cần tránh chạy theo năng suất, tập trung nâng cao chất lượng nông sản, hàng hóa”.
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chỉ rõ, tăng trưởng nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm đáng kể, mặc dù sản lượng nông nghiệp trong những năm gần đây không ngừng tăng lên. Theo cá nhân ông, tại sao có nghịch lý này?
- Phải nói rằng, trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã có rất nhiều giải pháp để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Song so với nhu cầu hiện nay, vẫn chưa đáp ứng được. Điều đó thể hiện ở chỗ, khi thấy năng suất, sản lượng nông nghiệp thấp, thì chúng ta mới chỉ chú ý về các giải pháp gia tăng năng suất. Đến khi năng suất đạt được rồi, thì chất lượng vẫn rất kém. Do vậy, đầu tư vào nông nghiệp không có lãi nhiều mặc dù có sản lượng lớn như gạo, bởi nông sản của chúng ta so với Thái Lan và các nước trong khu vực, sức cạnh tranh còn yếu.
Trong khi đó, giá đầu vào như vật tư, giống thì cao, hệ thống canh tác kém, dẫn tới tình trạng người nông dân bỏ ruộng đồng. Chưa kể, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm các loại nông sản của chúng ta quản lý chưa chặt chẽ như thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân khi sử dụng. Đồng thời, cũng ảnh hưởng đến sức mua hàng hóa.
Đúng như ông nói, nông dân dù làm ra nhiều sản phẩm nhưng lại không có lãi nhiều. Đây có phải là một bi kịch không, nhất là ở ĐBSCL, nông dân có rất nhiều ruộng, nhưng càng làm càng lỗ?
Rất nhiều nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn được xuất thô.
- Ở ĐBSCL hoặc một số khu vực khác, có khi càng tăng gia sản xuất, càng lỗ do đầu vào như một số vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, kể cả nhân công giá lại rất cao, ngược lại giá đầu ra lại rất thấp. Mặt khác, sự phân bố giữa trồng trọt và chăn nuôi không đồng đều, nên vẫn còn tâm lý đám đông khi nhiều người nông dân thấy đang trồng cây này thu nhập được, thì ào ạt chặt hết cây cũ đi để trồng các giống mới, đến lúc sản lượng cao, không tiêu thụ được lại chặt đi. Chúng ta đã biết điều này, nhưng không khắc phục được.
Nông nghiệp đóng góp rất lớn cho nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu lên tới 27 tỷ USD/năm, nhưng đầu tư cho nông nghiệp lại quá thấp. Theo ông cần phải tái cơ cấu nông nghiệp ra sao để có sự phát triển bền vững?- Chúng ta cứ nói liên kết “4 nhà”, nhưng thực sự đã lôi kéo các nhà khoa học vào cuộc được chưa, rồi đã khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa. Một vấn đề nữa là chúng ta đang xây dựng nông thôn mới, đây là chủ trương đúng, nhưng thực tế chúng ta đang chú trọng đến cơ sở hạ tầng, còn việc tìm ra mô hình “trồng cây gì, nuôi con gì?” với chất lượng, sản phẩm bán ra thị trường với giá cao, chúng ta chưa làm được.
Theo tôi, muốn tái cơ cấu triệt để chúng ta phải có các giải pháp đồng bộ như rà soát lại theo từng khu vực xem sản xuất gì ở khu vực đó, tiếp đến là khảo sát thị trường để tiêu thụ sản phẩm đó. Đặc biệt là phải đưa thiết bị máy móc, khoa học công nghệ vào để tăng năng suất và giảm một số giá thành vật tư nông nghiệp.
Thực tế, trong những năm qua Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân. Song dường như những chính sách đó không mấy khi đến được tay họ hoặc sự hưởng lợi của họ cũng chưa tương xứng với những gì Nhà nước hỗ trợ?- Đây đúng là một vấn đề, đáng lẽ chúng ta có thể giao thẳng tiền hoặc vật tư cho nông dân được hưởng, song hiện chúng ta đang giao cho một số đơn vị trung gian. Chẳng hạn như chính sách trợ giá, chúng ta trợ giá cho bên tiêu thụ qua chính sách bình ổn giá hay thu mua tạm trữ gạo thì lại hỗ trợ lãi suất cho bên doanh nghiệp, còn nông dân đâu có được hưởng… Do đó, cần phải có chính sách ưu đãi trực tiếp để nông dân yên tâm sản xuất trên mảnh ruộng của mình.
Xin cảm ơn ông!
“Đầu tư vào nông nghiệp đang suy giảm rất mạnh. Nếu Nhà nước không đầu tư được thì phải có những chính sách rất lớn để khuyến khích các thành phần khác đầu tư chẳng hạn như chính sách cho vay ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp. Riêng về nông dân, đây là đối tượng gần như không có khả năng tái đầu tư bởi thu nhập của họ quá thấp. Về tái cơ cấu nông nghiệp, tôi có cảm giác như chúng ta vẫn nặng về nên trồng cây này, giảm cây kia chứ chưa có một tính toán đầy đủ, căn cơ. Vì thế, theo tôi việc áp dụng KHCN vào sản xuất hiện nay là rất cần thiết để nâng cấp chất lượng nông sản”. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan “Chúng ta không dự báo được thị trường, liên tục trúng mùa giá giảm, mất mùa thì trắng tay, người nông dân lúc nào cũng ở thế thiệt thòi. Vì thế phải tái cơ cấu nền nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nhỏ sang lớn, tái cơ cấu giống cây trồng, từ lao động thủ công sang máy móc. Nhưng nên nhớ, phải tính tới rủi ro trong quá trình chuyển đổi này: Nếu có rủi ro, đương nhiên người nông dân là đối tượng chịu đầu tiên, vì thế Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ họ, cần có nghị quyết cho nông nghiệp để dành kinh phí giúp nông dân đề phòng rủi ro. Ngoài ra, chúng ta phải đánh giá lại việc phân bổ ngân sách đầu tư cho nông nghiệp sao cho hợp lý”. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) Ngọc Lê - Hải Phong (ghi)
|
Lê Hân (thực hiện) (Lê Hân (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.