Lo ngại nhãn chồng nhãn

Thứ sáu, ngày 18/01/2013 10:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ NNPTNT đang tiến hành triển khai dán nhãn xanh cho các sản phẩm VietGAP. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương đang triển khai dán tem cho các sản phẩm nông sản an toàn.
Bình luận 0

Do đó, đã có lo ngại về việc phân biệt các loại nhãn cũng như việc dán chồng chéo nhiều nhãn chứng nhận trên một sản phẩm...

Tuân thủ cả tiêu chuẩn nội và ngoại

Với mục đích giúp Việt Nam kiểm soát tốt hơn vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), từ năm 2008, Cơ quan Quản lý quốc tế Canada - CIDA đã hỗ trợ cho phía Việt Nam thực hiện Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC) với 12 mô hình được triển khai.

Đại diện cho gần 300 hộ sản xuất vải thiều Lục Ngạn tại tỉnh Bắc Giang theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất tốt), ông Trần Đức Định - Chủ nhiệm HTX Trại Mới, xã Giáp Sơn đánh giá: “Sau khi có dự án, chúng tôi thành lập 5 tổ sản xuất và cử các tổ trưởng kiểm tra chéo quy trình chăm sóc vải thiều. Sau đó, tổ gắn mã số cho từng hộ gia đình. Khi có mã số rồi, vải xuất khẩu có vấn đề gì tự gia đình đó chịu trách nhiệm”.

img
Dán tem cho sản phẩm rau an toàn ở HTX Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội).

Được dự án hỗ trợ cho mô hình sản xuất rau, ông Trần Đức Vinh - Chủ nhiệm HTX Yên Mỹ, huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết: “Từ tháng 10.2010, Yên Mỹ được dự án tài trợ giúp các xã viên sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, từ đó đã làm thay đổi cách làm truyền thống. Nông dân được tập huấn kiến thức nâng cao kỹ thuật sản xuất, ghi chép cập nhật thông tin hàng ngày, sản phẩm rau đảm bảo ATTP”.

Sau 4 năm triển khai, đến nay dự án sản xuất VietGAP xanh đã có 12 mô hình chuỗi sản xuất - phân phối ngành hàng rau, trái cây an toàn ở Hà Nội, Thanh Hoá, Lâm Đồng, TP. HCM, Đồng Nai, Bắc Giang và Tiền Giang...

Hiện tại, các xã viên trong HTX Yên Mỹ đang sản xuất các loại sản phẩm như rau bí, súp lơ, su hào, cải bắp, cà chua..., bước đầu đã đáp ứng được theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ chỗ chỉ có 3ha rau an toàn, đến nay toàn HTX đã phát triển được 13ha và có đầu ra khá thuận lợi. “Người nông dân bước đầu cũng có lợi nhuận tăng hơn trước khi làm dự án này” - ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng chất lượng 2, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NNPTNT) cho biết: “VietGAP nhãn xanh là tên của dự án. Điểm khác biệt của sản phẩm này là các hộ dân tham gia mô hình sản xuất, đồng thời phải vừa tuân thủ quy chuẩn VietGAP của Việt Nam, vừa tuân thủ quy định về ATTP của quốc tế, cụ thể ở đây là Canada”. Ông Thuận cũng nói rõ thêm, khi các mô hình này đảm bảo quy định của dự án thì được chứng nhận, còn người dân tự đăng ký logo, thương hiệu và được dán nhãn VietGAP xanh. VietGAP nhãn xanh được hiểu là một sản phẩm đảm bảo được cả tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế.

Không thể làm GAP theo dự án

Nói về việc làm GAP hiện nay, PGS- TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam cho rằng: “Quan điểm của tôi là Bộ NNPTNT phải làm GAP mạnh hơn nữa và phải có chứng nhận. Bởi thực tế, chỉ có chứng nhận thì mới chứng minh được sản phẩm mà người nông dân bán ra đảm bảo ATTP. Nếu không có chứng nhận, thì người dân không thể bán sản phẩm được với giá cao”.

Về Dự án FAPQDC, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho hay: “Bộ NNPTNT hy vọng những kết quả của dự án là tiền đề để nhân rộng ra nhiều địa phương, sản phẩm khác trong thời gian tới. Đây là bước khởi đầu cho việc kết nối sản xuất và tiêu thụ, cùng nhau chia sẻ lợi ích kinh tế”.

Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng, trên thực tế hiện có nhiều đơn vị mới chỉ làm GAP theo dự án, đơn đặt hàng của Nhà nước. Có nghĩa là chỉ khi nào Nhà nước đặt hàng, cấp tiền thì mới làm, chứ chúng ta chưa thực sự làm GAP vì nhu cầu thị trường, vì người nông dân. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều hộ nông dân trong thời gian qua đã bỏ làm GAP vì chi phí chứng nhận và tái chứng nhận đạt các bộ tiêu chuẩn quá cao, trong khi giá bán ra lại không cao hơn các sản phẩm thông thường.

Trong khi đó, Hà Nội đang là địa phương đầu tiên tiến hành thí điểm dán tem cho sản phẩm rau an toàn. Vậy tem của Hà Nội có khác gì với nhãn xanh VietGAP do Bộ NNPTNT triển khai?

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Hồng Anh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết: “Việc triển khai dán nhãn cho rau sạch ở Hà Nội là đi theo lộ trình quản lý chất lượng để nhận diện rau an toàn theo chuỗi. Trong quá trình triển khai quản lý theo chuỗi, những sản phẩm rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ vẫn được chứng nhận thêm tiêu chuẩn này. Còn VietGAP nhãn xanh là một dự án khác, chúng tôi không tham gia dự án nên không biết”.

Một vấn đề khác là khi kết thúc dự án, sản phẩm VietGAP nhãn xanh sẽ được quản lý ra sao? Về việc này, ông Nguyễn Văn Thuận chỉ nói: “Thời gian thực hiện của dự án là từ 2008 - 2013. Khi kết thúc, chắc chắn các hộ tham gia vào mô hình sản xuất này cũng mong muốn gắn với một tổ chức nào đó để giữ thương hiệu VietGAP nhãn xanh”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem