Dưa lưới VietGAP hấp dẫn người tiêu dùng

Thứ năm, ngày 03/01/2013 08:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương hiện chỉ có khoảng 3 - 4 đơn vị đầu tư trồng dưa lưới trong nhà kính. Đây là giống mới, khó trồng nhưng mới đưa bán trên thị trường trong nước đã “cung không đủ cầu”.
Bình luận 0

Đầu tư 40 tỷ đồng để trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn GAP, từ đó khai thác thị trường rộng lớn trong nước - đó là cách làm khá tốn kém nhưng mang tính chiến lược lâu dài của Công ty TNHH Rau sạch Việt Thụy Phát (Khu Nông nghiệp công nghệ cao, huyện Củ Chi, TP.HCM).

img
Dưa lưới, dưa lê của Công ty Việt Thụy Phát giới thiệu tại Hội chợ quốc tế nông nghiệp 2012. Ảnh Ngọc Minh.

Hơn 20.000m2 diện tích nhà kính mà Công ty Việt Thụy Phát đầu tư chỉ để trồng một sản phẩm duy nhất là dưa lưới theo quy trình đảm bảo chặt chẽ các yếu tố về thời tiết, hạn chế sâu bệnh, rủi ro, tăng năng suất... Chính vì vậy mà sản phẩm dưa lưới của công ty đã được tái chứng nhận VietGAP lần 2 (năm 2012).

Loại dưa này được trồng trên giá thể sợi thủy tinh và đang thử nghiệm trồng trên giá thể xơ dừa theo phương pháp thủy canh trong nhà kính. Đây là loại giống mới và yêu cầu kỹ thuật trồng khó hơn. Một cây sẽ cho nhiều hoa, nhưng người trồng phải ngắt hết hoa và chỉ nuôi 1 hoa duy nhất để các chất dinh dưỡng chỉ tập trung vào một trái. Có như vậy, trái mới to và có chất lượng. Sau khoảng 75 - 90 ngày thì thu hoạch.

Trung bình 1.000m2, người trồng sẽ thu được 2 - 3 tấn trái (bán được khoảng 40 - 60 triệu đồng). Do sản phẩm được xếp vào loại cây trồng mới tại nước ta nên Công ty Việt Thụy Phát đang thử nghiệm hạt giống của cả trong nước và nhập khẩu giống của Thái Lan, Đài Loan để chọn ra được loại giống thích hợp.

Hiện sản phẩm dưa lưới của công ty đang được tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. HCM với giá bán cho đại lý cấp 1 là 20.000 - 25.000 đồng/kg. Và công ty luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Kỹ sư Phạm Thanh Phương - Giám đốc Công ty Việt Thụy Phát cho biết, nhiều đơn vị tới đặt hàng để xuất khẩu nhưng công ty không dám nhận vì sản xuất chưa đủ. Để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu cho một khách hàng, cần phải trồng ít nhất 5ha dưa lưới.

“Tuy nhiên, mô hình này không phải cứ đầu tư là có lãi mà phải làm diện tích lớn trên 10.000m2 trở lên thì mới có hiệu quả kinh tế. Còn diện tích quá ít thì không nên đầu tư vì vốn đầu tư ban đầu của mô hình này còn cao”- anh Phương chia sẻ.

Sau 4 năm hình thành thì cho đến nay công ty vẫn đang điều chỉnh mô hình để chuẩn hóa và tiến hành chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu vào năm 2013.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem