Ăn nguyên cá mát nướng thì quá tuyệt vời, ăn gỏi cá mát cực kỳ ngon, và nếu dùng cá mát làm cheo thì không còn gì phải bàn vì sự hòa trộn diệu kỳ giữa vị ngọt của cá, vị đắng nhân nhẫn của những mụt măng rừng mới đào, vị ngon của thịt sẽ làm thực khách nhớ mãi không thôi.
Mâm cơm mời khách của đồng bào vùng cao Quảng Trị
Đối với nhiều người thường xuyên tới với vùng cao Quảng Trị thì cái tên cá mát không xa lạ gì, nhưng chắc hẳn nhiều người trong chúng ta cũng ít khi biết tới loại cá này, một phần bởi cá mát là 1 loại cá “sạch”, chỉ có thể sống ở những vùng nước trong hoặc vùng nước có thác trên những vùng cao của Quảng Trị như Hướng Hóa hay Đakrong.
Và cũng bởi mùa cá mát chỉ kéo dài từ khoảng tháng 2 đến tháng 5 âm lịch, số lượng cá mát cũng không nhiều và phải thưởng thức lúc cá còn tươi mới nếm thử được trọn vẹn hương vị. Vì vậy, cá mát tươi ít được bán ra thị trường.
Và cũng bởi vì cái vị tươi ngon, đậm đà, đặc trưng của núi rừng, nên cá mát là nguyên liệu chính của món cheo cá mát – 1 loại thức chấm đặc biệt, tôn lên cái vị đậm đà, mộc mạc nguyên sơ của những món ăn nơi miền núi Quảng Trị.
Cá mát – nguyên liệu chính để làm món cheo cá thơm ngon.
Tập tục của đồng bào vùng cao là ít khi ăn hết, ăn sạch những thứ mình có, mình làm được mà thường để dành, chờ đến mùa giáp hạt đói kém hoặc mùa mưa lạnh mới lấy ra ăn.
Cheo cá mát có lẽ cũng vì chính vì lý do đó mà được hình thành, dù rằng việc chế biến loại cheo này khá công phu.
Cá mát tươi, sau khi bắt từ suối về sẽ được mổ bụng, làm sạch ruột, đánh hết vẩy rồi treo thành từng hàng trên giàn bếp lửa của người Vân Kiều, Pako.
Những ngày nắng to mang cá mát ra phơi. Một thời gian sau, khi con cá mát khô quắt lại thì bắt đầu dùng được. Mỗi lần làm cheo, người Pa Kô, Vân Kiều sẽ lấy một ít cá mát khô từ trên dàn bếp, bỏ hết xương, đầu rồi cho vào cối giã cùng muối sống, ớt, tiêu và quả cả nướng. Giã cho đến khi thịt cá tơi ra và gia vị quyện vào cá là vừa.
Một mẻ cá mát nướng “đạt tiêu chuẩn” để làm cheo.
Ở Quảng Trị, người Vân Kiều, Pa Kô thường ăn cheo cá mát với xôi. Cứ một vắt xôi lại được chấm với một ít cheo cá mát, vị ngọt của thịt cá, vị cay của ớt bản, tiêu bản trộn đều với vị xôi làm thực khách cứ “ngất ngây” không thôi.
Thế nên mới nói lên tới vùng cao Quảng Trị, được người bản địa mời ăn món xôi chấm cheo cá mát thì phải chuẩn bị tinh thần, bởi vì nếu không sẽ choáng với vị cay của tiêu bản, ớt bản và cũng choáng vì tự lúc nào mình đã ăn hết phần xôi chấm cá mát mà không hay, đến “tròn căng cả bụng".
Các món ăn đặc trưng núi rừng Quảng Trị.
Không chỉ dùng để ăn với xôi, cá mát còn là món chấm được “chọn mặt gửi vàng” ăn kèm với nhiều loại đặc sản núi rừng khác như “măng luộc” chấm cheo cá mát, thịt heo bản nướng chấm cheo cá mát, hay gà bản luộc chấm cheo.
Quý vị biết không? Cheo cá mát khi được dùng với những đặc sản núi rừng như thế hợp đến lạ kỳ, khi vị ngọt của cheo hòa trộn vào những loại thực phẩm khác, làm món ăn là 1 sự tổng hòa của vị ngon, vị cay, vi đắng, khiến thực khách ăn 1 miếng, lại phải ăn thêm 1 miếng, cứ thể thưởng thức hết đĩa mà vẫn thòm thèm.
Ẩm thực núi rừng Quảng Trị cứ đơn giản và nhẹ nhàng như thế, măng trên rừng, cá dưới suối, gà trên đồi với cách chế biến mộc mạc, đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại lưu giữ trọn vẹn nhất, nguyên sơ nhất hương vị ban đầu của từng món ăn, có lẽ chính điều đó khiến du khách nhớ mãi không quên mỗi khi có dịp thưởng thức các món ăn tại vùng đất này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.