Loại quả "bổ đông bổ tây" đón hội lớn nhưng vẫn lo... vỡ quy hoạch

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 27/06/2018 07:34 AM (GMT+7)
Sau rất nhiều lễ hội trái cây được tổ chức hoành tráng ở nhiều địa phương, cuối cùng trái bơ Đăk Nông cũng sẽ có một lễ hội của riêng mình vào tháng 7.2018. Sự kiện Đăk Nông – mùa bơ chín 2018 có thể sẽ giúp nhiều người biết đến thương hiệu bơ Đăk Nông nhưng để phát triển bài bản, mang tính bền vững thì Đăk Nông còn nhiều việc phải làm.
Bình luận 0

Bơ trên miền đất hứa  

Theo thống kê của Sở NNPTNT Đăk Nông, toàn tỉnh có khoảng 2.600ha bơ, chiếm 20% tổng sản lượng cây ăn quả trên địa bàn, năng suất bình quân 10 – 15 tấn/ha. Cây bơ đang được phát triển mạnh ở Đăk Mil, Đăk Song, Đăk R’lấp, Tuy Đức, Đăk Glong, Gia Nghĩa...

Phát biểu tại buổi họp báo ra mắt chương trình Đăk Nông – Mùa bơ chín tổ chức tại Hà Nội mới đây, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết: Đăk Nông có thế mạnh về phát triển nông nghiệp khi diện tích đất nông nghiệp lớn chiếm khoảng 90% đất tự nhiên. 

img

Bơ Booth mang lại thu nhập cao. (Ảnh: vuacaygiong.com).

Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của Đăk Nông rất tuyệt vời cho cây bơ phát triển, vớ nhiều loại giống cho trái quanh năm, Bơ Đăk Nông được ưa chuộng vì trái to, dẻo, màu vàng sậm, có mẫu mã đẹp. Bơ cũng được đánh giá là “nữ hoàng của các loại trái cây” vì giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe.

Đây chính là động lực để lần đầu tiên Đăk Nông tổ chức một ngày hội riêng cho loại quả này, thời gian dự kiến từ 18- 23.7 tại thị xã Gia Nghĩa với các hoạt động phong phú như: Lễ mừng mùa bơ chín, Hội chợ thương mại kết nối cung cầu bơ và các sản phẩm nông nghiệp, Hội thảo Phát triển cây bơ bền vững, Hội thi trái bơ ngon… 

Chương trình quảng bá sản phẩm bơ Đắc Nông đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị, khẳng định vị thế bơ Đăk Nông nói riêng và vị trí quan trọng của mặt hàng bơ Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp thu mua, chế biến và các kênh tiêu thụ sản phẩm bơ trong và ngoài nước…

Tất nhiên, những người trồng bơ ở Đăk Nông sẽ rất vui khi chương trình này được tổ chức, chính vì vậy,  các địa phương đều lên phương án sẵn sàng tham gia. Đơn cử như tại Đăk Mil, huyện đã tổ chức hẳn một hội thi trái bơ ngon để lựa chọn “anh tài” tham gia chương trình. Theo đó, huyện đã lựa chọn và giới thiệu 7 tổ chức, cá nhân tham gia các gian hàng triển lãm, xây dựng các mô hình sản xuất bơ theo tiêu chuẩn VietGAP và lựa chọn 50 hộ trồng bơ tham gia Hội thảo kết nối cung cầu tại chương trình Đắk Nông mùa bơ chín 2018...

Cho đến thời điểm này, huyện Đắk Mil có gần 300ha đất trồng bơ theo hình thức trồng thuần, trồng xen, sản lượng khoảng 3.424 tấn/năm với các giống bơ: booth, hass, bơ 034, sáp vàng, bơ tứ quý và các giống bơ địa phương…

Nguy cơ vỡ quy hoạch

Tiềm năng phát triển cây bơ trên đất Đăk Nông đã rất rõ ràng nhưng thực tế, theo đánh giá của ngành chức năng, cây bơ và sản phẩm bơ của tỉnh chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, đầu ra sản phẩm chưa ổn định, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

img

Cây bơ giống đang được tiêu thụ rất thuận lợi. Ảnh: fica. 

Tại nhiều địa phương, việc phát triển cây bơ trên địa bàn thời gian qua vẫn chủ yếu mang tính tự phát, chạy theo thị trường dẫn đến nguy cơ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, gây thiệt hại cho người sản xuất. Rõ ràng, những điều này không thể giải quyết ngay được chỉ qua một ngày hội.

Đó là chưa kể, tình trạng nguy cơ phá vỡ quy hoạch đang hiện hữu khi cây bơ đang trở nên có giá, trong bối cảnh nhiều cây công nghiệp, cây ăn quả khác ở Tây Nguyên đang bị “thất sủng” do giá cả bấp bênh như tiêu, cà phê,…

Hiện, bơ Booth đang được nhiều nông dân Đăk Nông lựa chọn, thay thế nhiều cây trồng khác khi giá bơ luôn ổn định ở mức 40.000 – 60.000 đồng/kg, người trồng có thể thu hàng tỷ đồng bởi 1ha bơ Booth trưởng thành có thể cho 20 tấn quả.

Đây chính là lý do khiến nhiều người phá vườn cà phê già cỗi, vườn hồ tiêu để chuyển sang trồng cây ăn trái, trong đó có bơ. Chủ một đại lý giống bơ Booth ở huyện Đắk Mil, cho biết, 4 năm qua gia đình ông đã cung cấp ra thị trường khoảng 300.000 cây bơ, nhờ đó mà vườn cây giống này cũng mang lại nguồn thu lớn. Cao điểm nhất có ngày ông bán được 2.000 cây. Nông dân rủ nhau trồng bơ Booth rất nhiều.

Nhiều nông dân xã Thuận An (Đắk Mil) cũng cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn phát triển cây bơ khá ồ ạt, mong sao chính quyền sớm có quy hoạch vùng, diện tích phù hợp để người dân phát triển hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu như một số cây trồng khác.

Trên thực tế, do trồng ồ ạt, không theo quy trình kỹ thuật mà chủ yếu sản xuất bằng kinh nghiệm là chính nên 2 năm nay, nhiều người trồng bơ Booth ở Đăk Nông bị mất mùa do biến đổi khí hậu và mưa trúng vào thời điểm cây ra hoa.

Nông dân Đăk Nông đang phải “trả giá” cho việc phát triển quá “nóng” cây hồ tiêu vì chỉ sau một thời gian ngắn, diện tích hồ tiêu của tỉnh đã đạt gần 30.000ha (gấp 4 lần so với quy hoạch năm 2020). Hiện, giá hồ tiêu đang rớt xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua. Vì vậy, hãy tỉnh táo trước khi quyết định xuống giống một cách ồ ạt.

Và để phát triển thương hiệu bơ Đăk Nông, chính quyền, ngành chức năng của tỉnh phải có chiến lược phát triển diện tích bơ một cách bền vững, hạn chế tình trạng trồng ồ ạt, không theo quy hoạch để tránh “khủng hoảng thừa”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem