Loay hoay bảo tồn giống cây, con bản địa xứ Nghệ

Mỹ Hà Thứ ba, ngày 11/02/2020 16:35 PM (GMT+7)
Nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An có giống cây con bản địa chất lượng cao, nổi tiếng như: Vịt bầu Quỳ Châu, chè hoa vàng, lợn đen Sao Va, cây nứa lùng Quế Phong, cam bù sen Anh Sơn… Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy các giống cây con bản địa này tại Nghệ An đang gặp không ít khó khăn.
Bình luận 0

Bỏ dở dự án vì không tiêu thụ được

Vịt bầu Quỳ Châu nức tiếng thơm ngon, giàu giá trị dinh dưỡng, được coi là đặc sản của vùng đất Quỳ Châu: “Nhất vịt bầu Quỳ, nhì gà chín cựa”. Tuy nhiên, do hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu quy mô nông hộ, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên giống vịt bầu Quỳ sụt giảm mạnh.

Năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt đề án “Đầu tư hỗ trợ phát triển đàn vịt bầu Quỳ Châu giai đoạn 2015 - 2017”, triển khai tại các xã Châu Tiến, Châu Bính, Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Phong, Châu Bình và thị trấn Tân Lạc, với mục tiêu mỗi năm xây dựng 10 mô hình chăn nuôi vịt bầu Quỳ tập trung, quy mô 1.000 con/lứa/năm, với tổng đàn vịt thương phẩm 60.000 con; mỗi năm xây dựng 10 lò ấp trứng với công suất 2.000 – 2.500 con vịt giống/lứa.

Tổng kinh phí thực hiện dự án 9 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 4 tỷ đồng.

img

Trang trại vịt bầu Quỳ tại xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.  Ảnh:  Xuân Hoàng

Là một trong 10 hộ đầu tiên hưởng lợi từ dự án, anh Nguyễn Bá Quyền ở bản Minh Tiến, xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) nuôi 1.000 con vịt bầu. Được tập huấn kỹ thuật nuôi, được hỗ trợ con giống, thức ăn, chính quyền tạo điều kiện về quỹ đất… nên việc chăn nuôi vịt của gia đình anh rất thuận lợi, vịt sinh trưởng phát triển tốt, đạt các phẩm chất của vịt bầu Quỳ. Thế nhưng, cái khó nhất vẫn là đầu ra.

“Trước đó, nuôi vài chục con đến trăm con thì chuyện tiêu thụ không khó, bán lẻ cho các hộ, bán sỉ cho các nhà hàng, hoặc bán về xuôi. Nhưng khi nuôi 1.000 con/lứa thì chuyện đầu ra khá nan giải. Do giá bán cao (nuôi trong 5 tháng, trọng lượng 1,8k - 2,2kg) nên người chọn mua ăn khá e ngại, nhà hàng thì cũng chỉ mua vài chục con nên tôi vẫn không thể xuất chuồng hết đàn vịt dù đã đạt trọng lượng. Trong khi càng nuôi lâu càng tốn kém thức ăn, vịt già cũng khó bán”.

Mặc dù có 10 hộ thực hiện dự án nuôi vịt, nhưng sau khi hết kinh phí hỗ trợ (năm 2017) thì chỉ còn lại vài hộ bám trụ.

Chè hoa vàng Quế Phong cũng là loại dược liệu quý, giá bán trên thị trường dao động từ 1,5 – 5 triệu đồng/kg (tùy loại); hoa chè khô có giá từ 5 – 8 triệu/kg, loại đã qua chế biến có thể lên đến 12 triệu/kg. Do số lượng có hạn, hoa chè có giá trị kinh tế cao nên trong một thời gian dài, việc khai thác bừa bãi theo kiểu tận diệt khiến cây chè hoa vàng ngày càng cạn kiệt. Năm 2016, UBND huyện Quế Phong ban hành đề án xây dựng đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016-2020, trong đó có chè hoa vàng. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 trồng được 5ha cây chè hoa vàng.

Tuy nhiên, theo ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Quế Phong, năm 2016, huyện trồng mới được 0,51ha chè hoa vàng; còn từ năm 2017-2019 không thực hiện trồng mới. Nguyên nhân do chè hoa vàng là loại cây rất khó nhân giống, giâm cành một thời gian cũng bị chết; thí nghiệm nhân giống bằng hạt thì không có nguồn hạt để làm giống; mua giống ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) về trồng thì không phù hợp, tỷ lệ sống ít. Trong 0,5ha trồng mới với số lượng 1.000 cây, tỷ lệ sống chỉ chiếm chưa đầy 40%”.

Gỡ “nút thắt” đầu ra

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An và các địa phương đã có nhiều chính sách cũng như vượt qua các trở ngại để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen quý từ các giống cây con bản địa. Tuy nhiên, để phát huy nguồn gen, đưa vào sản xuất và giúp nông dân làm giàu từ cây con bản địa thì vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Vi Thế Long - Trưởng ban Phát triển nông thôn miền núi huyện Quỳ Châu chia sẻ: Mục tiêu của đề án là bảo tồn, phát huy vịt bầu Quỳ nhằm từng bước phát triển tổng đàn với quy mô lớn, thâm canh cao, chăn nuôi sạch, bảo tồn được quỹ gen của giống vịt bầu Quỳ quý hiếm, qua đó tạo sinh kế bền vững cho người dân. Song quá trình triển khai lại gặp khó khăn về đầu ra, có lứa vịt không tiêu thụ được, người dân phải bán tháo vịt bầu Quỳ ngang với giá vịt lai nên thua lỗ, dự án bỏ dở…

Đơn cử như giống vịt bầu Quỳ, mới chỉ nuôi với quy mô 10.000 con song đã gặp khó khăn trong tiêu thụ, nếu nhân rộng lên cả trăm nghìn con thì vấn đề đầu ra rất đáng lo ngại. Nguyên nhân do việc quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; các cấp, ngành liên quan chưa kết nối với các doanh nghiệp, nhà hàng, siêu thị để tìm kiếm đầu ra ổn định mà chủ yếu vẫn để nông dân tự “bơi”.

Thực hiện đề án bảo tồn cây quế Quỳ, năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2937/QĐ-UBND phê duyệt đề án trồng cây quế Quỳ tại huyện Quế Phong giai đoạn 2017-2020. Dự kiến, dự án khi kết thúc có 350.000ha sản xuất cây quế Quỳ. Mặc dù việc mở rộng diện tích cây quế không khó, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm vẫn do người dân tự xoay xở, dựa vào thương lái nên giá cả bấp bênh. Thậm chí, nhiều vụ cây quế không có nơi tiêu thụ nên bị chặt bỏ.

Ngoài vịt bầu Quỳ, chè hoa vàng Quế Phong, tỉnh Nghệ An còn rất nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao như: Khoai sọ; Xoài Tương Dương; Quế Quỳ; cây lùng, gừng, dong riềng, một số giống lúa nương có giá trị như lúa Khâu đạt ở Tương Dương; nếp hương Cổ phản, nếp cẩm ở Kỳ Sơn, Quế Phong; cải mẹo, cà chua múi; Dưa mạc tảnh (Dưa rẫy); bí xanh; bí đỏ…; bò Mông, ngựa Mông, trâu Na Hỷ, Lợn Sao Va, lợn Mẹo (lợn Mông), gà ác (gà Mông) ở một số huyện khác.

Do đó, theo nhiều nông dân, nếu chỉ dừng lại ở việc thực hiện mô hình, phục tráng nguồn gen mà không kết hợp nhiều giải pháp song hành khác, nhất là tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu thì hiệu quả của công tác bảo tồn cây con đặc sản khó phát huy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem