Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 1, tháng 2 có Tết cổ truyền của dân tộc (cộng hưởng với mùa cưới hỏi, dịp liên hoan tổng kết năm, mùa lễ hội...), nhu cầu tiêu dùng thường cao hơn nhiều so với các tháng khác trong năm, nên giá cả nhiều loại hàng hoá, dịch vụ (như lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ uống thuốc lá, may mặc, giao thông...) đều tăng cao, trong đó giá thực phẩm thường tăng cao nhất.
Hệ số giữa tốc độ tăng giá thực phẩm trong tháng 1, tháng 2 so với tốc độ tăng giá thực phẩm trong cả năm cũng khá cao, có năm còn cao gấp mấy lần như năm 2012 (mặc dù năm 2011 đã giảm liên tục trong 3 tháng 9, 10, 11 và tăng thấp trong tháng 12, nhưng sáng tháng 1, tháng 2, tính chung hai tháng này đã tăng 4,2%, cao gấp 4,4 lần tốc độ tăng trong cả năm).
Năm ngoái giá thực phẩm cả năm tăng thấp chủ yếu do từ tháng 3 đến cuối năm đã giảm trong nhiều tháng liền. Giá thực phẩm tăng thấp do hai nguyên nhân chủ yếu. Nguyên nhân quan trọng là có một khối lượng thực phẩm khá lớn được nhập lậu vào Việt Nam với giá cả thấp hơn nhiều so với giá cả ở trong nước, thậm chí có loại, có thời điểm giá chỉ bằng một nửa, vừa tạo áp lực giảm giá thực phẩm sản xuất ở trong nước, vừa cạnh tranh làm giảm sản xuất ở trong nước.
Đó là chưa nói sản xuất trong nước còn gặp khó khăn ở đầu vào, nhất là việc tiếp cận vốn, lãi suất cao, gia súc, gia cầm chăn nuôi lại không được thế chấp như các loại tài sản khác và dịch bệnh rình rập. Từ cuối năm trước đến nay, việc nhập lậu thực phẩm đã được ngăn chặn quyết liệt; trong khi đó chăn nuôi gia súc, gia cầm theo kết quả điều tra lại bị giảm so với cùng thời điểm năm trước (trâu giảm 3,1%, đàn bò giảm 4,5%, đàn lợn giảm 2,1%, đàn gia cầm giảm 4,4%.)...
Các yếu tố trên đã làm cho giá thực phẩm năm nay tăng sớm, tăng cao khi Tết Nguyên đán chưa đến và khả năng sẽ còn tăng cao hơn nữa khi Tết đến cũng như trong thời gian dài sau đó. Đây là một cảnh báo quan trọng, cần có giải pháp để ứng phó kịp thời. Người nông dân, các trang trại chăn nuôi cần khắc phục tình trạng trống chuồng kéo dài và tăng lên hoặc thu hẹp sản xuất vừa qua để tăng tổng đàn gia súc, gia cầm, vừa để có phân bón hữu cơ cho trồng trọt, vừa đón cơ hội giá thực phẩm có thể tăng cao, tăng liên tục, tăng trong thời gian tương đối dài (dự đoán có thể tới 2 năm).
Nhà nước, các cấp, các ngành, các ngân hàng thương mại, các cơ sở thú y... cần hỗ trợ các hộ nông dân, trang trại tiếp cận được vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ giá thức ăn, giá dịch vụ thú y, hỗ trợ khi gia súc, gia cầm bị thiệt hại vì dịch bệnh, thời tiết. Người tiêu dùng điều chỉnh nhu cầu tiêu dùng để không lao vào các cơn sốt giá. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các hoạt động đầu cơ "té nước theo giá". Ngành thương mại cần khắc phục những sai sót để dự trữ và bán hàng hỗ trợ đối với những nơi, những thời điểm có dấu hiệu sốt giá...
Đào Ngọc Lâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.