Lợi ích lớn từ tổ tiết kiệm và vay vốn

Thứ tư, ngày 09/03/2011 15:11 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 11.3.2011, Ngân hàng CSXH kỷ niệm tròn 8 năm Ngày thành lập và 8 năm Hội NDVN thực hiện ủy thác với ngân hàng này thực hiện các chương trình cho ND nghèo và hộ chính sách khác vay vốn ưu đãi.
Bình luận 0

NTNN trao đổi với bà Nguyễn Thị Má -Trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân (T.Ư Hội NDVN) về chương trình này.

Bà Má cho biết, tính đến 31.12.2010, dư nợ vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) do Hội NDVN quản lý đạt hơn 30.520 tỷ đồng với 2,6 triệu hộ đang hưởng lợi.

img

Phó Chủ tịch Thường trực Hội NDVN Bùi Thị Minh Hoài và bà Nguyễn Thị Má (thứ ba và thứ tư từ trái qua) gặp gỡ các hộ vay vốn ở Vĩnh Long cuối năm 2009.

Bà cho biết cụ thể hơn việc thực hiện chương trình ủy thác với Ngân hàng CSXH?

- Ngay sau khi Ngân hàng CSXH được thành lập, tháng 4.2003, Hội ND và Ngân hàng CSXH đã ký Văn bản liên tịch 235. Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN giao Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân tham mưu, giúp Ban Thường vụ chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc tổ chức thực hiện văn bản liên tịch về việc uỷ thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn.

Năm 2004, Ban điều hành Quỹ tham mưu với Thường trực T.Ư Hội ký với Ngân hàng CSXH văn bản thoả thuận để cụ thể hoá văn bản liên tịch. Theo đó, Hội NDVN đảm nhận 6 khâu công việc. Để thực hiện, T.Ư Hội chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thành lập tổ TKVV. Tổ TKVV là một mắt xích quan trọng của quy trình vay vốn; bởi đây là nơi bình xét đối tượng cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiết kiệm, giám sát hộ vay.

Vì vậy, Hội NDVN phối hợp với Ngân hàng CSXH thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tín dụng ngân hàng cho cán bộ hội; kỹ năng quản lý, điều hành tổ TKVV cho ban quản lý tổ. Hàng năm, tổ chức kiểm tra, giám sát các địa phương trong quá trình cho vay vốn...

Việc uỷ thác vay vốn có tác động thế nào đến công tác Hội và phong trào ND, thưa bà?

- Thông qua hoạt động uỷ thác của Hội ND với Ngân hàng CSXH, hội viên, ND tiếp cận kịp thời, đầy đủ với các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Với việc đặt điểm giao dịch tại xã, mọi thủ tục, giấy tờ đều do tổ TKVV hướng dẫn, nên hội viên, ND vay vốn rất thuận lợi. Cùng với giải ngân, ND còn được hướng dẫn cách làm ăn. Nhờ đó, cuộc sống của các hộ vay vốn được cải thiện; góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Hoạt động cho vay uỷ thác còn tạo điều kiện để Hội tập hợp, vận động ND tốt hơn, cán bộ hội sâu sát cơ sở, hội viên, ND gắn bó với Hội; đồng thời Hội cũng có thêm kinh phí để hoạt động; năng lực, kiến thức của cán bộ hội về nghiệp vụ tín dụng, ngân hàng, quản lý tổ, nhóm ND được nâng lên...

Để nâng cao số lượng, chất lượng tín dụng, thời gian tới Hội và ngân hàng có giải pháp gì?

- Hội cùng với Ngân hàng CSXH tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TKVV, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực của thành viên ban quan lý tổ; tập trung vào việc tuyên truyền, vận động hội viên, ND gửi tiền tiết kiệm, tạo thói quen tiết kiệm trong cộng đồng nông thôn, nhất là đối với hộ nghèo.

Về phía mình, các cấp Hội cần đẩy mạnh hơn nữa việc lồng ghép vay vốn ưu đãi với các các hoạt động tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT; dạy nghề và xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến. Nguồn vốn là một trong những khó khăn lớn trong việc tăng trưởng tín dụng ưu đãi, nâng mức cho vay bình quân/hộ.

Tuy nhiên, ở chương trình cho vay hộ nghèo, mặc dù “khung” cho phép mức vay tối đa là 30 triệu đồng/hộ, nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên hiện mức vay của chương trình này bình quân chỉ hơn 11,5 triệu đồng/hộ. Chính phủ và các bộ, ngành cần quan tâm, bố trí đủ nguồn lực để Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay với mức vay lớn hơn để hộ nghèo, hộ chính sách đủ lực vượt khó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem