Lời kể của những nhân viên trực tiếp cứu người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử

Nguyễn Qúy Thứ tư, ngày 04/05/2022 13:23 PM (GMT+7)
Có nhiều yếu tố may mắn đã cứu sống bà Nguyễn Thị Bích Liên, như buổi sáng 3/5 lặng gió, tiếng kêu cứu yếu ớt từ dưới vực thẳm vọng lên đã lọt tới tai của nhân viên Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh).
Bình luận 0

Người phụ nữ được cứu sau 7 ngày rơi xuống vực ở Yên Tử.

Một ngày sau khi diễn ra sự việc hy hữu, cứu sống được người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử sau 7 ngày, PV Dân Việt đã tiếp cận những người trực tiếp cứu sống bà Nguyễn Thị Bích Liên (Hà Nội).

Anh Nguyễn Minh Thuận, nhân viên phòng Quản lý di tích - Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, vẫn còn chưa hết sửng sốt: “Sáng hôm qua (3/5), tôi cùng anh em đi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tại khu vực chùa Đồng, Yên Tử. Mấy hôm trước gió to, mưa rét, nhưng hôm qua chùa Đồng lặng gió và nắng ấm. Đến gần chùa thì tôi nghe thấy tiếng người đâu đó vọng lại: "Cứu… Cứu tôi…" cùng với đó là tiếng lanh canh của đồ vật gì đó gõ vào nhau vọng lên từ dưới vực…”.

Anh Thuận cùng anh em liền lắng nghe, xác định vị trí rồi đến mép vực phía Tây Nam chùa Đồng. 

Lời kể của những nhân viên trực tiếp cứu người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử  - Ảnh 2.

Các cán bộ Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử cứu hộ bà Liên Ảnh: NVCC

Tại đây, mọi người đều khẳng định có tiếng người phụ nữ đang kêu cứu bên dưới. Ngay lập tức, anh Thuận gọi điện cho lãnh đạo báo cáo sự việc. Lực lượng cứu hộ được huy động, phương án cứu người cũng được lập ngay trên đỉnh thiêng Yên Tử.

Theo đó, 2 người tìm đường đi bộ xuống khu vực phát ra tiếng kêu (được xác định cách mép vực khoảng 30m), 1 người đu dây từ trên mép vực thả xuống.

Anh Mạnh, nhân viên chấp tác chùa Đồng, người đi bộ trực tiếp xuống vực cứu bà Liên kể lại: "Việc đi bộ xuống vị trí cô Liên khá khó khăn. Chúng tôi men theo các vách đá, tìm điểm bám từ các thân cây để đi xuống. Nhiều đoạn bụi rậm không thể đi qua, chúng tôi đành vòng lại để tìm lối khác. Mất khoảng 20 phút, chúng tôi đã xuống được vị trí của cô".

Lời kể của những nhân viên trực tiếp cứu người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử  - Ảnh 3.

Vé cáp treo và vé tham quan bà Liên sử dụng để lên chùa Đồng, Yên Tử. Ảnh: NVCC

“Khi nhìn thấy cô Liên, tôi thấy cô đang ngồi trên một tảng đá, đầu đội một cái túi nilon, trên người mặc đến 4-5 tấm áo mưa rách rưới, chân tay run lẩy bẩy, nhưng tinh thần thì khá vui vì gặp được người xuống cứu mình” – anh Đinh Văn Châu, người đi bộ cùng anh Mạnh xuống vực cứu bà Liên kể lại.

“Vị trí cô Liên mắc lại khá dốc, có nhiều bụi cây le, khóm trúc xung quanh. Tôi cho rằng chính những bụi cây này đã giữ được cô Liên lại, để cô ấy không bị lăn xuống vực sâu nữa” – anh Mạnh cho biết thêm.

Lời kể của những nhân viên trực tiếp cứu người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử  - Ảnh 4.

Vị trí bà N.T.B.L bị ngã xuống vực ở Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Quý

Trước đó, ngày 27/4, bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, trú tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) đi Quảng Ninh và một mình lên lễ phật tại chùa Đồng, Yên Tử. 

Khi đi xuống một đoạn thì thấy người hơi mệt nên ngồi nghỉ gần lan can chùa Đồng. Do bị tụt huyết áp nên bà đã dựa vào lan can, khi đứng lên đi tiếp thì bị choáng, ngã xuống khu vực phía dưới khoảng 30m. 

Sau đấy bà lả đi, khi tỉnh dậy đã kêu cứu nhưng do khu vực vắng, sâu và do nhiều ngày gió to, có mưa nên không ai nghe thấy. 

Đến 9 giờ15 ngày 3/5, sau 7 ngày cầm cự với túi bánh gạo, lá cây dương xỉ cùng chai nước mang theo, bà tiếp tục kêu cứu và may mắn được lực lượng chức năng nghe thấy, tổ chức tìm kiếm và cứu hộ.

Vào sáng 3/5, khi đi tuần, các nhân viên của Ban Quản lý Yên Tử phát hiện tiếng kêu cứu ở dưới vực sâu gần khu vực chùa Đồng, Yên Tử. Đơn vị và nhà chùa cùng Công ty CP Tùng Lâm, các nhân viên bán hàng đã phối hợp tìm kiếm và cứu được bà Liên.

Thời điểm được cứu, sức khỏe của bà Liên vẫn ổn định; trên người bà vẫn có vé tham quan Yên Tử và 2 vé đi 2 tuyến cáp treo lên Yên Tử. 

Sau khi được chăm sóc ban đầu, bà Liên đã được Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã cử nhân viên đưa về nhà ở Hà Nội.

Theo ông Lê Tiến Dũng – Trưởng Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử, trước vụ bà N.T.B.L (SN 1963, trú tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội) rơi xuống vực sâu trên Yên Tử và được cứu hộ thành công sau 7 ngày, đã có 4 trường hợp tương tự.

Trong đó đáng chú ý là 2 trường hợp rơi xuống vực sâu vào ngày 14/12/2011 và 3/9/2016. Tất cả các trường hợp này đều được cứu sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem