Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã MSN - HoSE) của đại gia mỳ gói Nguyễn Đăng Quang vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV.2018. Theo đó, trong quý IV vừa qua, MSN đạt hơn 11.557,9 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu tài chính giảm mạnh từ 1.045 tỷ đồng xuống còn 142,8 tỷ đồng, đồng thời chi phí tài chính cũng giảm 36%.
Các khoản chi phí khác gồm bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ từ 11-15%, ghi nhận tương ứng 1.404,7 tỷ đồng và 632 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Masan trong kỳ đạt 1.439,5 tỷ đồng và sau thuế 1.285,4 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ.
Báo cáo tài chính hợp nhất của MSN
Theo giải trình từ Masan, lợi nhuận giảm mạnh do trong quý IV.2017, Masan ghi nhận lãi tài chính 933 tỷ đồng từ việc bán trái phiếu chuyển đổi của Techcombank. Nếu loại bỏ khoản thu nhập một lần này thì lợi nhuận sau thuế quý IV.2018 tăng 6% so với cùng kỳ do doanh thu thuần tăng trưởng 14% nhờ tốc độ tăng doanh thu của Masan Consumer (MCH) và CTCP Tài nguyên Masan (MSR). Đồng thời, tập đoàn đã trả 12.500 tỷ đồng nợ vay trước hạn để giảm chi phí lãi vay.
Lũy kế trong năm 2018, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang ghi nhận hơn 38.187,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với năm trước.Trong đó, doanh thu thuần trong nước đạt 31.872,8 tỷ đồng, giảm 2,1% so với năm 2017 trong khi đó doanh thu thuần nước ngoài tăng trưởng 25%.
Lợi nhuận trước thuế của Masan đạt 6243,8 tỷ, tăng gần 51% so với năm liền trước, lãi ròng 5.622 tỷ đồng. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 4.916,5 tỷ đồng, tăng trưởng 58% so với năm trước và vượt kế hoạch gần 23%. Lãi cơ bản trên một cổ phiếu (EPS) lên mức 4.561 đồng.
Biên lợi nhuận vượt 322 điểm, tương đương 9,1%. Trong đó, Masan Consumer Holdings (MCH) dẫn đầu tăng trưởng của Tập đoàn, với doanh thu tăng 28,2%.
Tại thời điểm 31.12, tổng tài sản của Masan đạt hơn 64.578,6 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu 34.079,7 tỷ đồng, tăng 68,5% so với đầu năm. Nợ phải trả tăng nhẹ từ 15.533 tỷ lên 15.795,5 tỷ đồng
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu khoảng 0,89 lần. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng hơn 3.843 tỷ đồng lên 16.193 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của Masan cũng cho thấy, tiền và các khoản tương đương của tập đoàn này giảm từ 7.417 tỷ xuống còn 4.585,9 tỷ đồng; Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của Masan trên vốn điều lệ tại Techcombank của ông Hồ Hùng Anh vẫn tiếp tục duy trì tại con số 20%, không thay đổi so với đầu năm.
Với giá trị công ty đạt hơn 90.000 tỷ đồng, Masan Group hiện là một trong 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Xét trong số các doanh nghiệp tư nhân, giá trị của Masan chỉ kém Vingroup, VinHomes, Techcombank và lớn hơn nhiều so với Vietjet, Hòa Phát hay Novaland... Chủ tịch tập đoàn là ông Nguyễn Đăng Quang, một đại gia khởi nghiệp từ mỳ gói.
Hiện tại, ông Quang gián tiếp nắm quyền kiểm soát Masan Group thông qua 2 pháp nhân là CTCP Masan (Masan Corp) và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương - công ty do Masan Corp sở hữu 100% vốn. Masan Corp và Hoa Hướng Dương đang nắm giữ gần 45% cổ phần của Masan Group, trị giá hơn 40.400 tỷ đồng theo thị giá hiện tại (giá MSN chốt phiên giao dịch ngày 31.1 tại 77.700 đồng/cp)
Diễn biến giá cổ phiếu MSN trong vòng 3 tháng
Ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu 26.449 cổ phiếu MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, gián tiếp sở hữu 177.129.697 cổ phiếu MSN thông qua 48,5% cổ phần tại CTCP Masan và 75.057.002 cổ phiếu MSN thông qua 48,5% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương. Ngoài ra, ông Quang còn sở hữu 9.403.176 cổ phiếu TCB và 112.920 cổ phiếu tại công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng - CONINCO (CNN)
Khối lượng các loại cổ phiếu nêu trên đã đưa ông Nguyễn Đăng Quang trở thành người giàu có thứ 4 trên thị trường chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 19.850 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.