VnIndex vượt ngưỡng 1.010 điểm, xuất hiện thêm tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Hoàng Nhật Thứ hai, ngày 24/09/2018 19:02 PM (GMT+7)
Lực cầu tăng mạnh trong những phút cuối phiên giao dịch ngày 24.9 trên TTCK Việt Nam đã kéo chỉ số VnIndex tăng 8,32 điểm (0,83%) lên 1.011,29 điểm. Cùng với đà tăng, cổ phiếu MSN cũng tăng 3,5 điểm, giúp khối tài sản của gia đình Chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang tăng hơn 2 tỷ USD và trở thành tỷ phú thứ 3 trên thị trường chứng khoán.
Bình luận 0

Hai tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo thu về hơn 1.100 tỷ đồng

Khởi đầu phiên giao dịch ngày 24.9, TTCK Việt Nam tiếp tục chứng kiến dòng hoạt động sôi nổi với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechips đã giúp VnIndex tăng điểm mạnh mẽ.

Song áp lực điều chỉnh ở nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến đà tăng chững lại, TTCK Việt Nam chứng kiến rung lắc quanh ngưỡng kháng cự 1.010 điểm. Tuy nhiên, lực cầu tăng mạnh trong phiên ATC giúp nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp đà tăng điểm, đã kéo VnIndex vượt ngưỡng 1.010 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24.9, VnIndex tăng 8,32 điểm (0,83%) lên 1.011,29 điểm. Còn trong khi HNX-Index giảm 0,28 điểm (0,24%) xuống 115,52 điểm. Thanh khoản thị trường vẫn ở mức khá với giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt 4.600 tỷ đồng.

img

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24.9, VnIndex tăng 8,32 điểm (0,83%) lên 1.011,29 điểm (Ảnh: I.T)

Phiên giao dịch ngày 24.9 không ghi nhận giao dịch đột biến của khối ngoại trên TTCK Việt Nam do các quỹ ETF đã cơ cấu xong danh mục đầu tư quý III.2018.  

Khối ngoại thực hiện mua vào 10,2 triệu cổ phiếu, trị giá 550,3 tỷ đồng, trong khi bán ra 12,3 triệu cổ phiếu, trị giá 514,8 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại trên sàn HOSE giao dịch khá ảm đạm nhưng đã mua ròng trở lại 67,2 tỷ đồng. So với phiên chốt sổ ETF, đã giảm 38,26% về khối lượng giao dịch và 52,23% về giá trị giao dịch.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoại trừ cổ phiếu VCB vẫn duy trì sắc xanh với mức tăng 0,9% lên 65.200 đồng/cổ phiếu, hầu hết cổ phiếu ngân hàng đều giảm giá trị giao dịch như TCB giảm 0,7% xuống 28.100 đồng, BID giảm 1,1% xuống 34.900 đồn, CTG giảm 0,4% xuống 28.000 đồng, VPB giảm 1,3% xuống 25.950 đồng.

img

Ước tính, hai tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo thu về hơn 1.100 tỷ đồng sau phiên giao dịch ngày 24.9 (Ảnh: I.T)

Trong số các cổ phiếu vốn hóa lớn đang nằm trong tay các tỷ phú USD Việt Nam, bộ ba “cổ phiếu họ Vin” đã ghi nhận những tín hiệu tích cực khi VIC tăng 1% lên 99.600 đồng, VRE tăng 4,4% lên 39.500 đồng, VHM tăng 1,4% lên 102.900 đồng. Điều này đã giúp tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup tăng thêm 723.97 tỷ đồng (1,01%) lên 72.107,3 tỷ đồng.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng hưởng niềm vui trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi cổ phiếu HDB được khối ngoại mua ròng phiên thứ 8 liên tiếp, giá trị giao dịch tăng lên 39.000 đồng/cổ phiếu, còn cổ phiếu VJC cũng tăng lên 152.100 đồng/cổ phiếu giúp tài sản của bà Thảo tăng thêm 460,4 tỷ đồng lên 27.032,8 tỷ đồng.

Trên sàn HNX, giá trị cổ phiếu ACB giảm 0,3% xuống 34.300 đồng/cổ phiếu khiến tài sản chứng khoán của vợ chồng bầu Kiên: ông Nguyễn Đức Kiên và bà Đặng Thị Ngọc Lan lần lượt giảm tổng cộng hơn 7 tỷ đồng.

Được SK Group đầu tư 470 triệu USD, ông Nguyễn Đăng Quang sẽ trở thành tỷ phú USD?

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group), mã chứng khoán: MSN, đã công bố thông tin về việc tập đoàn SK Group của Hàn Quốc sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Masan.

SK Group sẽ đầu tư 470 triệu USD để mua lại toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ mà Masan thông báo bán, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Masan. Với điều kiện hợp tác này, SK Group còn có quyền cử đại diện trong HĐQT của Masan Group. Hiện công ty đang hoàn tất các thủ tục liên quan theo quy định.

img

Thông qua công ty liên quan và người thân, ông Nguyễn Đăng Quang đang nắm giữ 40,06% vốn điều lệ tại Masan Group (Ảnh: I.T)

Theo số liệu trên sàn chứng khoán, mặc dù là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Masan Group nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu của tập đoàn này.

Tuy nhiên, thông qua Công ty Cổ phần Masan (Masan Corp), ông Quang sở hữu 377,596 triệu cổ phiếu MSN, tương đương với 35,85% vốn điều lệ Masan Group.

Ngoài ra, phu nhân của ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ 42,4 triệu cổ phiếu MSN, tương đương với 4,03% vốn điều lệ Masan Group. Mẹ ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Thị Định đang nắm giữ 1,99 triệu phiếu MSN, tương ứng 0,18% vốn điều lệ Masan.

Như vậy, thông qua công ty liên quan và người thân, ông Nguyễn Đăng Quang đang nắm giữ 40,06% vốn điều lệ tại Masan Group.

Nếu tham chiếu theo thương vụ đầu tư của nhà đầu tư Hàn Quốc nói trên, 470 triệu USD cho 9,5% vốn điều lệ, ông Quang đang sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Trước đó, ông Nguyễn Đăng Quang từng được Bloomberg nêu tên với tư cách tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam với khối tài sản được định giá khoảng 1,2 tỷ USD, chỉ đứng sau ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air.

Ông Quang khởi nghiệp từ những năm 90 sau thời gian dài học tập và công tác tại Nga với lĩnh vực sản xuất mỳ gói. Sau này, công việc kinh doanh mở rộng sang cả ngành sản xuất đậu nành, cá và tương ớt. Năm 2001, ông Nguyễn Đăng Quang chuyển toàn bộ nhà máy về Việt Nam.

Song trong danh sách giàu những người nhất thế giới năm 2018 được Tạp chí Forbes công bố ngày 6.3.2018, Việt Nam chỉ có thêm 2 tỷ phú USD là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát với khối tài sản 1,3 tỷ USD và ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco ước tính tài sản khoảng 1,8 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem