Lối ra mới cho nông dân

Thứ hai, ngày 09/05/2011 00:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sự cộng hưởng trong 30 năm qua đã đưa Việt Nam lên ngôi vị thứ hai trong hàng các nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, một vinh quang cho ngành nông nghiệp nước ta. Nhưng oái oăm thay, những người làm ra hạt lúa vẫn chưa giàu được...
Bình luận 0

Hiện tại nông dân chúng ta phải chịu nhiều rủi ro. Rủi ro lớn nhất là hậu quả của tính tự do quá trớn của bà con nông dân: Muốn trồng gì thì trồng, nuôi con gì thì nuôi, ít được liên kết với nơi tiêu thụ. Người trồng lúa không biết chắc chắn sẽ bán cho ai? Trung gian, hàng xáo thì có cả ngàn người, không biết trước người nào muốn mua lúa giống nào, chỉ đến khi thu hoạch thì họ mới kiếm giống này, giống kia thì quá trễ.

Người nuôi cá thì cứ nuôi, không biết công ty thủy sản nào sẽ mua sản phẩm của mình. Người trồng mía thì thấy mía không có lời, bèn bỏ mía để trồng khoai mì, cao su, mãng cầu bán cho thương lái.

Với một thị trường do thương lái hoạt động như thế này Nhà nước khó có thể kiểm soát được doanh thu, và do đó dễ bị thất thu thuế rất lớn. Chất lượng sản phẩm do đó khó có thể bảo đảm vì mạnh ai nấy sản xuất theo ý mình và hàng trăm thương lái mua gom nhiều chủng loại khác nhau.

Rủi ro thứ hai, là nạn phân bón giả và thuốc giả tràn lan nhưng quản lý thị trường chưa làm hết nhiệm vụ để bảo vệ quyền lợi của nông dân. Thỉnh thoảng bị phát hiện, đại lý phân, thuốc chỉ bị phạt qua loa, không đạt tính răn đe, nên người ta vẫn tiếp tục làm giả.

Đáng lẽ Nhà nước phải có biện pháp phạt nặng, bắt nhà đại lý bồi thường thiệt hại cho nông dân vì đã xài thuốc giả, trị không hết sâu bệnh, làm hoa màu bị hại thay vì được cứu. Nhưng cũng khó bắt buộc được, vì ít có nông dân nào mua phân, thuốc chịu lấy hóa đơn để sau này làm bằng chứng đã mua đồ giả. Một lần nữa, Nhà nước không kiểm soát được doanh thu, thất thoát thuế.

Rủi ro thứ ba là dịch bệnh xảy đến bất ngờ, nhiều người không trở tay kịp nếu không thăm đồng thường xuyên. Khi có dịch bệnh một bộ phận nông dân của chúng ta vẫn chưa lão luyện về sâu bệnh cây trồng, phải lệ thuộc vào đại lý, đưa thứ nào xài thứ nấy, và khả năng là xài đồ dởm.

Rủi ro thứ tư là ảnh hưởng biến đổi khí hậu đưa đến thiên tai bất ngờ, nơi này đang bị hạn hán thì nơi khác bị ngập úng, bão tố. Gần đây nước sông đầu nguồn bị giới hạn, nước mặn xâm nhập xa hơn vào đất liền làm hại một số diện tích nông dân làm trái vụ. Mưa dầm trong giai đoạn mới gieo cấy cũng đã làm mất trắng hàng chục ngàn hecta lúa, hoặc mưa to trong mùa gặt cũng đã làm hàng ngàn tấn lúa bị lên mộng.

Để tránh những rủi ro đó, Nghị quyết 26/TW (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chỉ ra nhiều biện pháp, trong đó có tổ chức lại “bốn nhà” liên kết. Thực tế, hiện nay một vài công ty vật tư nông nghiệp tổng hợp và công ty lương thực đang cố gắng đưa ra sáng kiến như hướng dẫn nông dân sản xuất đúng kỹ thuật, sớm phát hiện sự tấn công của sâu bệnh, cung cấp phân thuốc thiệt và kịp thời, vừa bao tiêu sản phẩm chất lượng cao của nông dân.

Trong ngành thủy sản sự liên kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến và người nuôi thủy sản, như cách tổ chức của Công ty CP Thủy sản Bình An của Cần Thơ và Công ty CP Hùng Vương và AGIFISH của An Giang đã bảo đảm nguyên liệu chất lượng cao và ổn định cho nhà máy đồng thời bảo đảm bao tiêu toàn diện cho người nuôi thủy sản.

Một thí dụ rất đáng biểu dương trong ngành mía đường như Công ty CP Bourbon Tây Ninh đã và đang hợp đồng với nông dân trong vùng nguyên liệu mía của công ty, cung cấp vật tư và vốn vay cày bừa chuẩn bị đất và bao tiêu sản phẩm mía.

là những cố gắng rất đáng trân trọng, nhưng xét cho cùng vấn đề phân phối lợi nhuận giữa công ty và người sản xuất nguyên liệu cho công ty vẫn chưa thỏa đáng, vì các công ty chưa thông cảm hoàn cảnh của nông dân lúc rớt giá phải bán cho doanh nghiệp giá rẻ, lúc hết hàng, giá tăng cao doanh nghiệp bán được giá cao, nông dân không còn gì để bán hưởng giá cao.

Một hướng đi mới hơn để thực hiện NQ26, một số nhà đầu tư khác đang xây dựng Công ty cổ phần Nông nghiệp (CPNN) Đồng bằng sông Cửu Long trụ sở đặt tại An Giang.

Hạt nhân của công ty là cụm công nghiệp sẽ được xây dựng tại huyện Phú Tân gồm hệ thống kho chứa lúa gạo, máy sấy lúa, nhà máy xay xát, đánh bóng gạo, đóng gói theo đơn đặt hàng, máy phát điện bằng gas trấu, nhà máy thức ăn gia súc.

Bộ phận nông nghiệp của công ty sẽ tổ chức nông dân sản xuất thành các hợp tác xã, được huấn luyện tay nghề trồng lúa theo tiêu chuẩn ViệtGAP, được ứng trước vốn chuẩn bị đất, hạt giống, phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh. Lúa ướt mới gặt được đưa về cụm nhà máy để chế biến theo chuỗi giá trị gia tăng. Xã viên không lo bị rớt giá nữa. Tiến tới, các xã viên sẽ được quyền mua cổ phần của công ty (dùng lúa đổi lấy cổ phiếu) để cuối năm được chia lời.

Ngành mía đường đã cổ phần hóa các nhà máy đường để nông dân có thể mua cổ phiếu, cuối năm chia lời. Nếu nhân rộng chính sách công ty CPNN này để áp dụng đều khắp các vùng nông nghiệp, thủy sản, thì người nông dân – nhất là nông dân trồng lúa – sẽ thực sự đổi đời, sẽ không còn làm tôi mọi cho các công ty khác làm giàu, mà sẽ làm chủ công ty, nhà máy cùng họ làm giàu. Sức bật của nông dân bấy giờ sẽ thật sự được giải phóng.n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem