Công khai sao kê tiền từ thiện và giá trị của sự minh bạch

Phạm Trần Oánh Chủ nhật, ngày 15/09/2024 08:15 AM (GMT+7)
Công khai sao kê tiền từ thiện không chỉ chứng minh sự minh bạch, nghiêm túc trong công tác hỗ trợ từ thiện của Mặt trận Tổ quốc VIệt Nam, nó còn làm sáng tỏ chân tướng một bộ phận đối tượng chuyên lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi cá nhân. Đó chính là giá trị của sự minh bạch.
Bình luận 0

Cơn bão số 3 Yagi đi qua, kéo theo lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét kinh hoàng ở nhiều tỉnh trên khắp miền Bắc. Số thiệt hại về nhân mạng đã tính bằng hàng trăm, thiệt hại về vật chất thì chưa thể thống kê được, và các con số đó chưa dừng lại. Rất nhiều bà con trong khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt đang cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng, không chỉ ở việc khôi phục cuộc sống sau thiên tai, mà hiện tại, để sinh tồn, họ cần sự giúp đỡ ngay trước mắt.

Trong bối cảnh đó, người dân và các tổ chức xã hội cả nước chung tay, đồng lòng hướng về người dân vùng bão lũ, nói theo cách hay dùng, đó là cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đã có rất nhiều hội nhóm tự phát trên cả nước vận động quyên góp tiền, nhu yếu phẩm... thiết yếu. 

Có nhiều cá nhân, doanh nghiệp vận tải sẵn sàng vận chuyển miễn phí hàng hóa cứu trợ, góp phần giảm bớt khó khăn cho bà con vùng lũ. Trong những lúc thiên tai địch họa, tình người, tình đồng bào, tinh thần lá lành đùm lá rách, vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta càng được thể hiện rõ nét.

Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức chính trị có chức năng thực hiện, tổ chức và điều phối các hoạt động cứu trợ trên quy mô quốc gia. Tổ chức này luôn là đầu tàu trong các hoạt động kêu gọi sự chung tay góp sức của đồng bào cả nước trong các hoạt động cứu trợ, là đầu mối tiếp nhận các sự đóng góp đó thông qua tài khoản của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN).

Lần này cũng vậy, chỉ trong thời gian ngắn, đã có hàng trăm tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của bão lũ được người dân cả nước gửi vào tài khoản này. Nhưng khác mọi năm, năm nay, MTTQVN đã công khai sao kê ngân hàng tài khoản nhận tiền cứu trợ.

Hơn 12.000 trang sao kê đã được công khai trên mạng xã hội và vẫn chưa dừng ở đó. Động thái này chứng minh sự minh bạch của MTTQVN trong việc tiếp nhận và sử dụng tiền cứu trợ của người dân cả nước gửi về. Đây là việc làm sáng tạo, rất trách nhiệm, giúp tăng cường lòng tin của nhân dân vào các hoạt động của MTTQVN.

Sao kê tiền từ thiện hay giá trị của sự minh bạch - Ảnh 1.

Một sao kê từ thiện đã được sửa, con số đóng góp cao gấp 10.000 lần so với số tiền thực tế đã ủng hộ. Chủ tài khoản vội đóng trang cá nhân sau khi dân mạng phát hiện số tiền 100 triệu đồng ủng hộ chỉ là sản phẩm của phần mềm chỉnh sửa, còn thực tế chuyển 10.000 đồng. Ảnh chụp màn hình

Nhưng có những "tác dụng phụ" mà có lẽ những người chủ trương công khai sao kê tiền từ thiện của MTTQVN không thể lường đến.

Đầu tiên, đó là bằng việc công khai thông tin chuyển khoản ủng hộ bão lụt, dân mạng đã phát hiện ra nhiều "người của công chúng" chuyển tiền ủng hộ ít hơn bản sao kê mà họ tự post lên mạng xã hội rất nhiều. Người ta cho rằng các bản sao kê của những "người của công chúng" đó đã được chủ sở hữu chỉnh sửa con số cho to hơn bằng photoshop. Hẳn họ cho rằng việc sửa cho các con số to hơn của sẽ giúp hình ảnh của họ đẹp hơn và ấn tượng hơn. Không biết qua việc MTTQVN công khai sao kê, họ sẽ giải thích thế nào với công chúng việc làm gian dối của họ?

Một câu chuyện nữa được bộc lộ qua sự minh bạch này, đó là dân mạng cảm thấy sự không hợp lý khi 1 vài nhóm, 1 tổ chức đông người, nhưng số tiền quyên góp được để chuyển khoản cho MTTQVN lại ít đến mức vô lý. Người ta dễ suy luận bản sao kê được người đại diện nhận tiền, tập hợp rồi chuyển khoản cho MTTQVN của nhóm, tổ chức nói trên công khai cho nhóm, tổ chức của mình cũng đã được chỉnh sửa.

Các thông tin và con số được công khai trên mạng còn nói lên nhiều điều khác. Trong mục lý do chuyển tiền, ta đọc được những dòng nhắn gửi đầy cảm động, chứa chan tình cảm của những người chuyển khoản ủng hộ, nhưng cũng phảng phất trong đó sự rụt rè khi cảm thấy khả năng đóng góp của mình là không đủ lớn như mong muốn.

Lại nói về sự ít nhiều trong đóng góp cứu trợ, trên mạng xã hội, bên cạnh nhiều khoản đóng góp rất lớn, rất hào phóng của nhiều người, người ta chia sẻ trang sao kê mà chủ yếu có các khoản tiền chuyển khoản chỉ từ 3000 – 5.000 đồng. Nếu so sánh và nhìn từ góc độ giá trị kinh tế, có thể ta sẽ thấy hỗ trợ như vậy chẳng bõ bèn gì, số tiền đó có thể bị cho là bôi bác.

Nhưng nếu ta nhìn từ góc độ tình người, chúng ta có thể thấy 3.000 đồng đó thật quý giá. Chủ những tài khoản đã ủng hộ 3.000 đồng đó hẳn cũng đang khó khăn lắm, hẳn họ trân trọng từng ngàn đồng của mình lắm.

Ở đây, câu chuyện công khai sao kê không chỉ chứng minh sự minh bạch, nghiêm túc trong công tác hỗ trợ từ thiện của MTTQVN, nó còn làm sáng tỏ những việc nhập nhèm của một bộ phận đối tượng chuyên lợi dụng chuyện từ thiện để đánh bóng tên tuổi cá nhân. Và nếu nhìn kỹ, ta thấy cả tình người chứa chan trong những khoản tiền mà hàng ngày ta vẫn cho là không đáng kể.

Có ý kiến cho rằng việc công khai số tiền từ thiện của tất cả tổ chức cá nhân là không nên và vi phạm và quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, việc công khai sao kê là minh chứng rõ ràng về trách nhiệm giải trình, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước về quản lý và sử dụng các nguồn tài chính. 

Không những thế, Luật Tiếp cận Thông tin quy định các thông tin không thuộc diện bảo mật có thể được công khai. Và như vậy, việc MTTQVN công bố các đóng góp từ thiện không hề vi phạm quy định nào, và càng khẳng định sự minh bạch, công bằng trong công tác từ thiện.

Nghị định 93 cũng quy định rõ "Các tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện có trách nhiệm công khai đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động có liên quan đến việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện". Nội dung công khai bao gồm kết quả vận động (tổng số tiền, hiện vật tiếp nhận), phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân.

Sao kê tiền từ thiện hay giá trị của sự minh bạch - Ảnh 2.

Tác giả bài viết, nhà báo Phạm Trần Oánh. Ảnh: DV

Như vậy, công khai, minh bạch trong từ thiện hoàn toàn là việc nên làm và cần phải làm. Và chính câu chuyện ở trên đã chứng minh cho chúng ta thấy giá trị của sự minh bạch khi mà ngay sau khi MTTQVN công khai hơn 12.000 trang sao kê, số tiền ủng hộ cho đồng bào vùng bị thiên tai lại tăng lên nhanh chóng. Cụ thể, tính đến 17h chiều 14/9 đã có hơn 1.001 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của MTTQVN. Trong khi đó, trước thời điểm MTTQVN công bố toàn bộ sao kê ủng hộ, tính đến 17h ngày 12/9, số tiền quyên góp mới là gần 530 tỷ đồng.

Trong đời sống, nếu 1 tổ chức, đơn vị nào đó luôn nỗ lực giữ được sự minh bạch trong các hoạt động của mình, chắc chắn tổ chức, đơn vị đó sẽ hạn chế được tối đa sự dối trá, gian lận hay lười biếng. Những thành viên trong tổ chức, đơn vị đó sẽ tin tưởng, tôn trọng nhau hơn, công việc của họ cũng sẽ hiệu quả hơn.

Hoặc ngay như trong mỗi gia đình, tế bào của xã hội, sự minh bạch cũng rất quan trọng. Việc người chồng và người vợ luôn minh bạch với nhau mọi vấn đề, từ tài chính đến quan hệ xã hội là yếu tố quan trọng để bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ sự tôn trọng lẫn nhau của các thành viên trong gia đình.

Ở mức độ cao hơn, sự minh bạch là thể hiện giá trị nhân cách của mỗi cá nhân. Một người đàng hoàng thì luôn minh bạch trong mọi chuyện.

Chỉ khi mỗi tổ chức, mỗi gia đình, mỗi con người tôn trọng, bảo vệ sự minh bạch, khi đó chúng ta mới có thể tiệm cận tới một Nhà nước, một xã hội phát triển, nơi mà các thiết chế luôn đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong mọi phương diện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem