Long An mạnh tay mua 7 máy thông minh giết heo để phòng dịch tả

Trần Cửu Long Thứ năm, ngày 23/05/2019 14:30 PM (GMT+7)
Sở NN&PTNT tỉnh Long An vừa cho biết tỉnh đã bố trí vốn mua 7 chiếc máy thông minh tự động bắt giết động vật (máy chích điện) nhằm phục vụ công tác chống dịch tả heo châu Phi (DTHCP).
Bình luận 0

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tình hình DTHCP đang diễn biến rất phức tạp, mức độ lây lan nhanh. Đến nay dịch bệnh này đã xảy ra tại các tỉnh Nam Bộ như: Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang.

Trước tình hình trên, Long An là tỉnh có nguy cơ xảy ra dịch rất cao do tỉnh là cửa ngõ nối Đông Nam Bộ với Đồng bằng sông Cửu Long và có các tuyến biên giới giáp Campuchia (tỉnh Tatanakiri đã xảy ra dịch). Vì thế, mới đây Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết tỉnh đã bố trí vốn mua 7 chiếc máy thông minh tự động bắt giết động vật (máy chích điện) nhằm phục vụ công tác chống dịch tả heo châu Phi (DTHCP) được thuận lợi.

img

Long An đã tổ chức nhiều chốt kiểm soát động vật trên địa bàn nhằm phòng chống dịch tả heo châu Phi.

Long An cũng là tỉnh có lưu lượng phương tiện vận chuyển heo sống, sản phẩm từ heo, các phương tiện vận chuyển khác đi từ vùng dịch vận chuyển qua địa bàn tỉnh. Tỉnh có lượng heo giết mổ tập trung nhiều, đa số là nguồn heo ngoài tỉnh nhập vào để giết mổ. Lượng thịt này cung cấp chủ yếu cho thị trường TP.HCM, với 2.500 con/đêm.

Từ ngày 12/3 - 8/5, có 36 tỉnh nhập heo vào địa bàn tỉnh Long An. Cụ thể, số heo ngoài tỉnh nhập vào các cơ sở giết mổ, cơ sở thu gom trên địa bàn tỉnh hơn 184.000 con. Trong đó, số heo nhập từ 14 tỉnh có dịch với tổng số con hơn 87.400, gồm: Quảng Trị là 198 con, Bắc Giang hơn 4.000 con, Nghệ An là hơn 4.700 con, Thái Nguyên hơn 900 con, Hà Nội hơn 900 con, Thừa Thiên Huế gần 400 con, Nam Định hơn 1.100 con, Bắc Ninh hơn 2.100 con, Hòa Bình hơn 4.000 con, Quảng Ninh là 340 con, Thanh Hóa hơn 4.400 con, Đồng Nai hơn 63.600 con, Hậu Giang là 70 con và Khánh Hòa là 360 con.

img

Nhân viên thú y kiểm soát thịt heo trong lò mổ.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, hiện công tác phòng chống dịch của tỉnh đang gặp một số khó khăn, như: Lực lượng thú y cơ sở không còn, do thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy nên khó kêu gọi tham gia hỗ trợ các chốt kiểm dịch tạm thời.

Trong khi đó, một số sản phẩm chế biến từ thịt heo như chả lụa, nem chua,… hoặc thịt heo đông lạnh không dừng tại chốt để kiểm dịch. Đây là một trong những nguồn lây lan dịch bệnh rất lớn.

Tỉnh chưa quản lý, kiểm soát được các điểm giết mổ heo không được cấp phép tại địa phương. Heo từ ngoại tỉnh nhập về các điểm thu gom rất phức tạp và khó kiểm soát.

Chưa có giải pháp kiểm soát sản phẩm chế biến từ thịt heo (chả lụa, nem chua,…), hoặc thịt heo đông lạnh nhập tỉnh.

img

Một bộ phận người chăn nuôi vẫn chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi.

Người chăn nuôi chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, thực hiện chưa đảm bảo các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh.

Các hộ chăn nuôi khi phát hiện heo có bệnh, nghi mắc bệnh không thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để xác minh dịch bệnh, mà tự ý điều trị đồng thời bán chạy. Thậm chí, heo mắc bệnh chết không xử lý tiêu hủy mà vứt xác ra ngoài môi trường.

Thời gian qua, tỉnh Long An đã triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả heo châu Phi tình huống 1 (khi không có dịch xảy ra) với tổng kinh phí 359,5 triệu đồng; tổ chức thực hiện hiệu quả Tháng Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, cấp 42.450 chai thuốc sát trùng gốc Iodine 10% (loại 100ml = 1 chai); mua sắm 400 kit test nhanh dịch tả heo châu Phi.

Ngoài ra, tỉnh còn bố trí vốn mua dự trữ 30 tấn vôi bột và 7 chiếc máy thông minh tự động bắt giết động vật (máy chích điện) nhằm phục vụ công tác chống dịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem