Lo sốt vó khi đất bị kê biên
Trong khi những vườn mai bắt đầu bén rễ thì việc một số chủ dự án khu công nghiệp, khu dân cư tại các xã phía Bắc huyện Bến Lức chuẩn bị tiến hành kê biên thu hồi đất khiến nhiều nông dân thuê đất dự án trồng mai lo sốt vó.
Theo tìm hiểu của PV NTNN, có nhiều nông dân từ các nơi đến thuê trồng mai vàng trong dự án này. Bên cạnh những người "đón đầu" quy hoạch, một số nông dân trồng mai chủ đích để buôn bán.
Anh Lưu Be đau đáu với mấy ha mai vàng vừa trồng trong khi dự án quy hoạch đã tiến hành thu hồi đất. Ảnh: T.C.L
"Nông dân trồng mai phải dọn sạch để nhường đất cho dự án khu công nghiệp. Đổi lại, nông dân sẽ được đền bù 200 triệu đồng/công đất và mỗi cây mai vàng từ 280.000 - 550.000 đồng”.
Ông Ngô Tấn Thời - Chủ tịch UBND xã Lương Hòa
|
Tờ mờ sáng, anh Dương Ngọc Khánh (quê Chợ Gạo, Tiền Giang) đã ôm bình thuốc trừ sâu ra đồng làm việc. Tại xã Lương Hòa (huyện Bến Lức), anh Khánh thuê 2 mảnh đất tổng cộng 2ha để trồng mai vàng. “Một miếng đất tôi thuê 3 năm, miếng kia thuê 7 năm với giá 20 triệu đồng/ha/năm. Nếu biết đất đã quy hoạch tôi đã không thuê. Giờ tôi đã trả tiền thuê đất hết rồi” - anh Khánh cho biết.
Khoảng 5 tháng trước, anh Khánh đã thuê công thợ xuống giống mai. Cứ mỗi ha, anh trồng khoảng 8.000 gốc. Hiện, mai vàng anh trồng đã lên ngang đầu gối. Vấn đề là, nếu chủ dự án thu hồi đất thì với khoảng 20.000 cây mai anh Khánh chẳng biết xoay xở ra sao. “Nếu không thuê được đất tôi sẽ vỡ nợ” - anh Khánh thổ lộ.
Theo anh Khánh, chi phí chăm sóc mai tốn khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. “Số tiền trồng mai vàng chủ yếu là vay ngân hàng, vì vậy, tôi chỉ cần thời gian kéo dài thêm được 3 năm nữa thì số mai này có thể bán được để thu hồi vốn” - anh chia sẻ.
Được biết, anh Khánh vừa mua thêm hơn 3.000 gốc mai với giá hơn 2 tỷ đồng về trồng. Cũng như anh Khánh, hơn chục nông dân khác từ Tiền Giang đến Bến Lức thuê đất trồng mai cũng đang nóng ruột “ngồi trên lửa”.
Thấy người từ nhiều nơi kéo đến thuê đất trồng mai vàng, anh Lưu Be (xã Lương Hòa) cùng 4 anh em trong gia đình cũng dọn đất trồng mai, mỗi người trồng từ 3 - 5ha mai vàng. Hiện 3ha mai vàng của anh Lưu Be đã được 5 tháng tuổi. “Sau khoảng 3 năm trồng, mỗi ha mai vàng bán được hơn 1 tỷ đồng” - anh Be cho biết.
Tuy nhiên, việc chủ dự án tiến hành kê biên thu hồi đất khiến mấy anh em trồng mai trong gia đình anh như “tăng xông”. “Bỏ mía giá bèo trồng mai vàng là đúng rồi. Nhưng chưa kịp ăn thì nguy cơ đất bị thu hồi sớm để làm dự án. Thiệt khổ! Không biết hàng chục nghìn gốc mai này và số vốn đầu tư tiền tỷ sẽ đi về đâu” - anh Be trần tình.
Trồng thật hay đón đầu quy hoạch?
Theo ông Ngô Tấn Thời - Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, lý do trồng mai làm kinh tế chỉ là thứ yếu, thực chất nông dân trồng mai để "đón đầu" đền bù từ dự án quy hoạch.
“Các xã phía Bắc Bến Lức thời gian tới sẽ cho thu hồi đất để làm khu công nghiệp, khu dân cư, biết vậy nên nông dân trồng mai để đón đầu đền bù của dự án quy hoạch” - ông Thời chia sẻ.
Theo ông Thời, diện tích mai vàng của xã Lương Hòa thời gian qua tăng lên mỗi ngày. Hiện có hơn 100ha mai vàng ở địa phương.
Vừa qua, nông dân trồng mai phải dọn sạch để nhường đất cho dự án khu công nghiệp. Đổi lại, nông dân sẽ được đền bù 200 triệu đồng/công đất và mỗi cây mai vàng từ 280.000 - 550.000 đồng. Nhiều nông dân đã nhận tiền đền bù của dự án nên giờ phải bứng mai chuyển sang đất thuê mới.
Tại xã Hậu Thạnh, hơn 150ha mai vàng ở đây đang được dọn sạch để nhường đất cho dự án khu công nghiệp. Ông Trần Tứ Vương có 7ha mai vàng tại đây cho biết, riêng tiền đền bù mai vàng, ông nhận được khoảng chục tỷ đồng. “Tôi trồng mai vàng chục năm nay là làm kinh tế. Nhưng nhiều người thì đúng là tổ chức trồng mai trên đất để đón đầu dự án đền bù. Một số người từ nơi khác cũng đến đây thuê đất trồng mai” - ông Vương nói.
Ông Mai Văn To - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Lức nói, việc nông dân đang đổ xô trồng mai vàng đón đầu đền bù của dự án quy hoạch là tình hình thực tế.
“Rất nhiều diện tích mai vàng đang được trồng tại các xã Bắc Bến Lức. Lâu nay vùng này cây mía là chủ lực. Mấy năm nay mía mất giá liên tục nên nông dân tìm cây trồng mới hiệu quả kinh tế tốt hơn. Việc chuyển sang trồng mai trước mắt để đón đầu dự án quy hoạch, nhưng nếu không quy hoạch nữa thì nông dân cũng còn cây mai để bán” - ông To bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.