Long An phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 10/09/2023 18:17 PM (GMT+7)
Thời gian qua, bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Long An còn thực hiện những biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường bền vững.
Bình luận 0

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Long An phối hợp UBND huyện Vĩnh Hưng, Tổ chức WWF - Việt Nam tổ chức Lễ khởi động thí điểm phân loại rác tại nguồn tại huyện Vĩnh Hưng. Sở TN-MT tỉnh Long An đánh giá, việc phân loại rác tại nguồn trong giai đoạn hiện nay và sắp tới hết sức cần thiết, cấp bách khi lượng chất thải trên địa bàn tỉnh tăng qua hàng năm.

Long An phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững - Ảnh 1.

Trang bị thùng ủ compost cộng đồng để phân loại rác tại nguồn ở xã Thái Trị (huyện Vĩnh Hưng) nhằm bảo vệ môi trường. Ảnh: T.Đ

Phát triển kinh tế đi đôi bảo vệ môi trường bền vững

Hiện, mô hình phân loại rác tại nguồn tại huyện Vĩnh Hưng có 648 hộ gia đình và 17 giám sát viên tham gia. Đây là những hộ dân sống tại các cụm, tuyến dân cư như tuyến dân cư Hưng Điền – Bàu Nâu, cụm dân cư ấp Thái Quang; chợ và trường học; dọc sông Long Khốt; dọc kênh Thái Kỳ; đường lộ ấp Thái Vĩnh.

UBND xã Thái Trị, địa phương thực hiện mô hình cho biết, chính quyền đã hỗ trợ mỗi hộ gia đình tham gia mô hình 1 thùng đựng rác sau khi phân loại, tổ chức tập huấn và phát thùng ủ compost tại nhà cho 200 hộ để xử lý rác hữu cơ sinh hoạt. Riêng ở cụm dân cư Thái Quang, xã lắp đặt 3 thùng ủ compost cộng đồng nhằm vận động người dân trong cụm bỏ rác hữu cơ vào thùng. 

Ông Trần Đình Tuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Trị chia sẻ, mô hình thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng và xử lý rác một cách hiệu quả hơn. Thời gian tới, xã tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình, góp phần bảo vệ môi trường xung quanh sạch, đẹp cũng như giúp địa phương sớm về đích nông thôn mới.

Theo thống kê, mỗi ngày, trên địa bàn huyện Vĩnh Hưng phát sinh gần 20 tấn rác sinh hoạt. Công tác thu gom rác được Công ty Cổ phần Cấp nước và Dịch vụ đô thị xử lý, tuy nhiên, việc phân loại rác thải vô cùng khó khăn do cơ sở thiếu các loại máy móc chuyên dụng.

Được biết, phân loại rác tại nguồn tại huyện Vĩnh Hưng là mô hình mở rộng từ hiệu quả của mô hình phân loại rác tại nguồn đã thực hiện thí điểm tại phường 3 (TP.Tân An), nhằm thực hiện đúng quy định về phân loại rác thải tại nguồn, nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo đảm sức khỏe người dân và chất lượng cuộc sống cộng đồng.

Theo Sở TN-MT tỉnh Long An, bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Long An phát sinh khoảng 850-870 tấn rác. Tỉnh tiếp tục phối hợp Tổ chức WWF - Việt Nam hoàn thiện mô hình phân loại rác tại nguồn cho khu vực đô thị và triển khai mô hình ở nông thôn.

Không chỉ thực hiện tốt xử lý rác sinh hoạt, tỉnh Long An còn đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường tại khu, cụm công nghiệp theo Nghị quyết số 26/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp (K-CCN).

Theo đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành tỉnh, các địa phương phải quán triệt nghiêm túc, thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, thời gian qua, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý khí thải, nước thải theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; tiến hành lắp đặt trạm quan trắc liên tục chất lượng nước thải để kiểm soát và từng bước hạn chế ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường;...

Hiện, trên địa bàn tỉnh Long An có 18 khu công nghiệp và 22 cụm, công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%. Các khu, cụm công nghiệp khi đi vào hoạt động cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn yêu cầu quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. 

Các doanh nghiệp thứ cấp hoạt động trong khu, cụm công nghiệp, tùy theo lĩnh vực, ngành nghề tuân thủ nghiêm các quy định, đầu tư các công trình thu gom, xử lý khí thải, đầu tư khu vực thu gom rác thải rắn, chất thải nguy hại.

Tỉnh Long An đã yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn hoàn thành việc xây dựng hố gas và giám sát nước thải ngoài hàng rào doanh nghiệp thứ cấp và ngoài hàng rào trạm xử lý nước thải tập trung.

Long An phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững - Ảnh 3.

Tỉnh Long An xác định phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững. Ảnh: T.Đ

Thời gian qua, toàn tỉnh Long An có 37 khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhà máy đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động và 11 nhà máy đã lắp đặt trạm quan trắc khí thải tự động.

Ngoài ra, Sở TN-MT còn xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra và kiểm soát ô nhiễm tại khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Thắt chặt bảo vệ môi trường khu công nghiệp

Về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Long An, theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tỉnh công bố, đến năm 2030, tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%; có 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; bảo đảm 100% nước thải được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn tương đương với chất lượng nước thải thải ra nguồn tiếp nhận dùng cho mục đích sinh hoạt. Bảo đảm 100% các khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có diện tích cây xanh hợp lý; các khu, cụm công nghiệp vả các cơ sở có lưu lượng xá nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên thực hiện giám sát, quan trắc tự động nước thải đầu ra theo quy định. Bên cạnh đó, đối với các khu, cụm công nghiệp yêu cầu sử dụng hệ thống thoát nước riêng

Về phương án phát triển các khu xử lý chất thải rắn, tỉnh Long An sẽ xây dựng khu xử lý chất thải rắn tại huyện Thủ Thừa, xử lý chất thải rắn thông thường cho tỉnh Long An, TP.HCM và xử lý chất thải nguy hại cho các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp. Xây dựng 3 khu xử lý chất thải rắn tập trung tại các huyện Đức Huệ, Vĩnh Hưng và Cần Giuộc quy mô tối thiểu 30ha/khu. Xây dựng các trạm trung chuyển chất thải rắn tại tất cả các khu đô thị; bố trí trạm trung chuyển chất thải rắn cỡ nhỏ tại các khu đô thị. Riêng với chất thải được phân loại tại nguồn, công nghệ xử lý bao gồm tái sử dụng - tận thu, ủ phân, thiêu đốt chất thải không tái chế được (đốt rác phát điện), chôn lấp.

Long An phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững - Ảnh 4.

Đến năm 2030, tỷ lệ khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Long An có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100%. Ảnh: T.Đ

Tỉnh Long An định hướng, các khu xử lý chất thải phải được bố trí ngoài khu vực đô thị, đảm bảo khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường theo các quy chuẩn hiện hành, không gần khu vực đầu nguồn nước, đầu hướng gió; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và thu gom xử lý nước rỉ rác triệt để; sử dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại.

Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Long An sẽ thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ môi trường; áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường; phát triển, ứng dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên đối với tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; tích cực hợp tác với các địa phương trong nước và quốc tế về bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem