Nuôi cá trê vàng ở vùng Đồng Tháp Mười của Long An, một nhà bắt bán 6 tấn, tiền lời rủng rỉnh
Nuôi cá trê vàng ở vùng Đồng Tháp Mười của Long An, một nông dân bắt bán 6 tấn, tiền lời rủng rỉnh
Thứ hai, ngày 04/09/2023 05:12 AM (GMT+7)
Anh Lương Văn Nghiệp, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, (vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An) - thành viên HTX Mỹ Thạnh Tây, nói: “Được sự hỗ trợ của HTX, tôi nuôi cá trê vàng đạt hiệu quả, có lợi nhuận tốt. Với 1.000m2 mặt nước, sau gần 4 tháng thả nuôi cá giống, tôi vừa thu hoạch gần 6 tấn cá trê vàng thương phẩm.
Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Báo Long An vừa khảo sát và đánh giá mô hình Nhân rộng mô hình ương giống và nuôi thương phẩm cá trê vàng tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An do Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Thủy sản xã Mỹ Thạnh Tây (gọi tắt HTX Mỹ Thạnh Tây) là đơn vị chủ trì triển khai, thực hiện.
Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thủy sản xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, (trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An) thu hoạch cá trê vàng.
Đây là mô hình được triển khai theo chính sách nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND, ngày 18/6/2021 của UBND tỉnh) từ kết quả của đề tài nghiên cứu KH&CN Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trê vàng tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An - một trong những đề tài nghiên cứu khoa học đã được Sở KH&CN nghiệm thu năm 2015.
Mô hình nuôi cá trê vàng được chuyển giao bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên tham gia, tạo thêm cá thương phẩm phục vụ thị trường tiêu dùng.
HTX Mỹ Thạnh Tây có 5 hộ được chọn làm điểm để nuôi cá trê vàng tại 6 ao nuôi, diện tích 1ha mặt nước. Giám đốc HTX Mỹ Thạnh Tây - Lê Văn Thông cho biết: Đây là mô hình ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN để khai thác tiềm năng diện tích mặt nước các ao nuôi thủy sản tại huyện Đức Huệ. Mô hình này có thể nhân rộng trên địa bàn xã Mỹ Thạnh Tây, phù hợp vùng đất nhiễm phèn.
Để nuôi cá trê vàng đạt hiệu quả, HTX tổ chức tập huấn, tham quan học hỏi thực tế để người nuôi tiếp cận, nắm quy trình và ứng dụng vào các ao nuôi. Từ lúc ương cá bột đến lúc thành cá giống khoảng 1 tháng 20 ngày. Từ cá giống nuôi đến cá thương phẩm từ 3,5-4 tháng là thu hoạch.
Để nuôi cá hiệu quả, người nuôi cần tuân thủ nghiêm quy trình cải tạo ao, lấy nước vào ao và phòng trừ dịch bệnh.
Đây là một trong những đề tài ứng dụng KH&CN vào đời sống, tổng kinh phí thực hiện 1,868 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn sự nghiệp khoa học hỗ trợ 585 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ các thành viên HTX Mỹ Thạnh Tây.
Theo đó, HTX tiến hành ương cá trê giống trên diện tích 3.000m2 mặt nước từ trên 1,5 triệu con cá bột được thả nuôi, mật độ thả 500 con cá bột/m2.
Sau 1 tháng 20 ngày, cá bột thành con giống. Năm thành viên của HTX thả cá trê giống trên diện tích 1ha mặt nước với 6 ao nuôi, mật độ thả nuôi 30 con/m2.
Anh Lương Văn Nghiệp (ấp Mỹ Lợi) - thành viên HTX Mỹ Thạnh Tây, (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của HTX, bước đầu, tôi nuôi cá trê vàng đạt hiệu quả, có lợi nhuận tốt. Theo đó, với 1.000m2 mặt nước, sau gần 4 tháng thả nuôi cá trê giống, tôi vừa thu hoạch gần 6 tấn cá thương phẩm. Hiện thương lái mua với giá 40.000 đồng/kg.
Chi phí nuôi cá trê vàng trên 1.000m2 khoảng 130 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, người nuôi có lợi nhuận khoảng 70-80 triệu đồng/1.000m2”.
Ông Lê Văn Thông cho biết thêm: Hiện 2/6 ao nuôi đã thu hoạch cá trê vàng. Theo ước tính, tổng sản lượng cá thu hoạch tại 6 ao nuôi với diện tích 1ha mặt nước sẽ từ 42-45 tấn.
Sau khi trừ chi phí, người nuôi cá trê vàng có lợi nhuận 70-80 triệu đồng/1.000m2. Từ kết quả này, HTX tiếp tục thả nuôi các vụ sau và nhân rộng cho các hộ lân cận nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân vùng biên giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.