Trồng chanh công nghệ cao hái hàng trăm tấn bán sang châu Âu, nông dân Long An khá giả.
Long An: Trồng chanh công nghệ cao, hái hàng tấn trái bán sang châu Âu
Thứ hai, ngày 19/04/2021 13:02 PM (GMT+7)
Ngoài phát triển mạnh công nghiệp, huyện Bến Lức còn là nơi có vùng trồng cây chanh lớn của tỉnh Long An. Những năm qua, cây chanh mang lại giá trị, lợi nhuận cao cho nông dân.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, phục vụ xuất khẩu, huyện Bến Lức (tỉnh Long An) quyết tâm phát triển vùng trồng chanh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), hướng tới tăng số lượng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu
Khác với các xã phát triển công nghiệp với những khu, cụm công nghiệp, dân cư mọc lên san sát, tấp nập công nhân, lao động, về các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức, Lương Bình lại cho thấy là vùng thuần nông. Hai bên đường được phủ xanh bởi những cánh đồng trồng chanh bạt ngàn.
Diện tích trồng chanh toàn huyện Bến Lức 7.137ha, trong đó chanh không hạt hơn 6.564ha, xuất khẩu gần 90% sang các nước trong khu vực, chủ yếu thị trường Trung Đông.
Cây chanh ở huyện được trồng và tăng nhanh tập trung ở Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức. Những năm qua, chanh mang lại lợi nhuận cao và khá ổn định cho nông dân.
“Giá chanh tùy từng năm và chất lượng, năng suất cũng còn dựa trên độ tuổi của cây chanh nhưng bình quân mỗi năm, 1ha chanh cho lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Nhờ trồng chanh mà ở vùng đất “heo hút” của huyện như Thạnh Hòa, Thạnh Lợi đã có những người trở thành “đại gia”, xây nhà lớn” - ông Nguyễn Văn Phương - một hộ trồng chanh ở xã Thạnh Hòa, cho biết.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Lý, ngụ xã Thạnh Lợi, có 2ha trồng chanh kể, trước đây ở địa bàn, diện tích trồng mía chiếm tỷ lệ cao. Thế nhưng, do nhiều yếu tố khó khăn đầu ra, giá thấp nên nông dân trồng mía thua lỗ liên miên.
Để nâng cao giá trị, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, xuất khẩu, nông dân sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh. Qua 3 năm triển khai, thực hiện, đến nay, huyện có 1.200ha chanh ứng dụng công nghệ sản xuất theo hướng GAP. Sản phẩm thu hoạch đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Trước tình cảnh đó, những năm gần đây, đa số nông dân đã chuyển đổi đất trồng mía sang trồng chanh. Mong muốn Nhà nước có những cơ chế, chính sách để cây chanh có đầu ra ổn định, mang lại giá trị cao chứ nông dân rất sợ cái cảnh được mùa - mất giá hoặc sản phẩm không có đầu ra dẫn đến lại loay hoay tính chuyện trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả cao.
Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao được bố trí vốn hỗ trợ hàng năm và huyện giao ngành Nông nghiệp triển khai, thực hiện.
Cụ thể, ở huyện có 318ha trồng chanh được hỗ trợ giống với kinh phí gần 1,7 tỉ đồng; thực hiện 10 cánh đồng phòng trừ tổng hợp sâu, bệnh trên cây chanh với 160ha liền kề 6 xã với kinh phí gần 1,6 tỉ đồng; thực hiện 27 mô hình hệ thống tưới tiết kiệm với kinh phí 748 triệu đồng.
10 mô hình trồng chanh phòng trừ tổng hợp được hỗ trợ về phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học, tiền công cắt tỉa cành và trang bị kiến thức quản lý dịch hại tổng hợp, kỹ thuật canh tác trong khâu chăm sóc.
Kết quả mô hình trồng chnah giảm số lần phun thuốc hóa học, tiết kiệm được phân bón, năng suất và lợi nhuận cao hơn so với ruộng đối chứng của nông dân. Tổ chức tập huấn, đào tạo cho nông dân với kinh phí gần 700 triệu đồng.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam cho biết: “Tổng kinh phí bố trí vốn của huyện thực hiện đến nay hơn 4,4 tỉ đồng. Riêng đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ vùng trồng chanh như nạo vét hệ thống kênh, mương nội đồng; duy tu, sửa chữa cầu, đường phục vụ sản xuất với kinh phí gần 38 tỉ đồng từ nguồn vốn trung hạn của tỉnh, huyện. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và vận chuyển hàng hóa nông sản”.
Đến năm 2025, huyện có 2.700ha trồng chanh ứng dụng công nghệ cao
Bến Lức xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh là hướng đi tất yếu (đã được chứng nhận khoảng 200ha). Theo đó, huyện phối hợp Sở Khoa học Công nghệ đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với chanh Bến Lức và chỉ đạo sản xuất bảo đảm các điều kiện xuất khẩu, hội nhập thị trường thế giới.
Qua thời gian thực hiện cho thấy, các định hướng của các Công ty xuất khẩu chanh rõ ràng trong việc xây dựng thương hiệu.
Từ nhiều năm qua đã trực tiếp hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng trọt, thay đổi cách sản xuất truyền thống, hầu hết chanh đạt chuẩn GlobalGAp hoặc theo hướng GAP đủ điều kiện xuất sang thị trường châu Âu.
Giá chanh trồng theo mô hình ứng dụng công nghệ cao được thu mua cao hơn bên ngoài từ 3.000-5.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, việc xuất khẩu chanh vẫn còn gặp một số khó khăn. Đó là thị trường thu mua chanh sản xuất ứng dụng công nghệ cao mở rộng hàng năm chưa nhiều; chưa có hợp đồng được ký giữa người thu mua với người sản xuất nên chưa hưởng được hỗ trợ trong chính sách liên kết sản xuất theo quyết định của UBND tỉnh Long An.
Ngoài ra, biến đổi khí hậu, hạn, mặn, thiếu nước làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Đơn cử như năm 2020, hạn, mặn kéo dài làm thiệt hại, ảnh hưởng từ 30-70% gần 2.000ha, trong đó có nhiều ha trồng chanh ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào vùng trồng chanh để hợp đồng bao tiêu, chế biến.
Theo đó, phần lớn là bán trái chanh tươi, giá trị gia tăng chưa cao. Các tổ hợp tác, hợp tác xã đa phần hoạt động chưa đạt hiệu quả, chưa đồng đều do thiếu định hướng, thiếu vốn và năng lực bộ máy chưa đáp ứng yêu cầu.
Mặt khác, Nhà nước hỗ trợ sản xuất ứng dụng công nghệ cao từ nhiều nguồn như giống chanh, hệ thống tưới tiết kiệm nhưng chỉ dừng lại một số mô hình. Việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu của Công ty Chanh Hà Lan mở rộng cũng chưa nhiều, nếu thuận lợi mới đạt khoảng 200ha mỗi năm; giá bán chanh ứng dụng công nghệ cao hiện cao hơn bên ngoài nhưng thực ra chưa có những hợp đồng bao tiêu thu mua.
Để vùng sản xuất chanh ở huyện mang lại giá trị cao hơn, huyện kiến nghị các sở, ngành sớm triển khai chính sách hỗ trợ về cấp mã vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng chanh phục vụ sản xuất nông nghiệp chương trình ứng dụng công nghệ cao.
Song song đó, huyện kiến nghị tỉnh xem xét có kế hoạch, giải pháp lớn để hỗ trợ nông dân ứng phó lâu dài với biến đổi khí hậu, không làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Tỉnh sớm triển khai thi công đối với các công trình thủy lợi, cấp nước đã được xác định, phân bổ vốn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến chanh sau thu hoạch, làm gia tăng giá trị cao hơn cho nông dân.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Nam, hiện huyện có 1.200ha chanh ứng dụng công nghệ cao. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bến Lức khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện phấn đấu đến năm 2025 có thêm 1.500ha chanh sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Trong thực hiện, huyện xác định phát triển cây chanh sản xuất ứng dụng công nghệ cao chủ yếu từ 2 nguồn chính là Công ty Chanh Hà Lan và các mô hình do ngành Nông nghiệp thực hiện. Về kinh phí hỗ trợ thực hiện là lồng ghép các nguồn vốn trên nền dự án phát triển chanh bền vững do Công ty Chanh Hà Lan tài trợ, vốn hỗ trợ tỉnh, huyện, vốn của dự án và các nguồn vốn khác./.
Để nâng cao giá trị, chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh, nông dân sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh. Qua 3 năm triển khai, thực hiện, đến nay, huyện Bến Lức (tỉnh Long An) có 1.200ha trồng chanh ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo hướng GAP. Sản phẩm thu hoạch đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.