Trước bối cảnh mới của đất nước, dự thảo Báo cáo chính trị (BCCT) trình Đại hội XII của Đảng có những điểm nhấn nào đáng chú ý, theo ý kiến cá nhân của GS?
- Theo tôi, dự thảo BCCT đã thể hiện được tinh thần mới. Chúng ta luôn hiểu rằng Đảng phải có trách nhiệm trước đại hội, phải bao quát tất cả các vấn đề quốc tế và quốc gia. Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh mới: Đó là chủ quyền của đất nước, lợi ích của quốc gia đang có nguy cơ bị xâm hại. Chính vì thế, những tư tưởng nói về lợi ích dân tộc, nói về quyền lợi quốc gia đã được thể hiện rõ ràng trong dự thảo BCCT.
Quốc kỳ và Đảng kỳ được long trọng rước qua lễ đài trên quảng trường Ba Đình trong Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Quốc khánh 2.9. Ảnh: LHT
Tôi cho rằng, với bối cảnh mới của đất nước và thế giới, dự thảo BCCT của Đảng lần này đã thấy toát lên vấn đề lợi ích dân tộc. Vấn đề này được coi là quan trọng hàng đầu, là một trong những nguyên tắc đầu tiên của Đảng.
Bên cạnh đó, dự thảo BCCT lần này được xây dựng dựa trên các nhiệm vụ quan trọng, ví dụ như vấn đề giáo dục đào tạo phải đổi mới thế nào, vấn đề phát huy vai trò của khoa học công nghệ trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa ra sao?... Những nội dung liên quan các vấn đề trên được thể hiện rất rõ trong dự thảo BCCT lần này. Trước đây, có thể những lĩnh vực đó thường rơi vào tình trạng chỉ đạo chung chung, có thể không sai nhưng cũng không có gì đột phá để định hướng cho phát triển. Còn dự thảo BCTC lần này đã đưa ra những nội dung rõ ràng, mạch lạc.
Thưa GS, Đảng ta từng chỉ ra 4 nguy cơ (tụt hậu, chệch hướng, tham nhũng, diễn biến hòa bình), đến nay những nguy cơ đó vẫn còn, hiện lại thêm nguy cơ từ tình hình bất ổn trên Biển Đông. Vậy những vấn đề này cần phải được quan tâm ra sao?
- Trước hết, những nguy cơ đất nước ta phải đối diện được nêu ra từ Đại hội lần thứ IX và vẫn không thay đổi nhiều. Tức là những nhận định đó vẫn đúng. Nhưng rõ ràng với cách nhìn rất thực tế, luôn luôn đối mặt với tình huống mà đất nước ta phải đương đầu, phải vượt qua, Đảng ta đã nêu ra nguy cơ từ tình hình bất ổn trên Biển Đông. Vấn đề này liên quan đến lợi ích quốc gia, chủ quyền của dân tộc. Chúng ta phải tập trung trí tuệ, sức lực và các mối quan hệ để xử lý tốt vấn đề này. Hơn thế nữa vấn đề Biển Đông gắn với những vấn đề phức tạp hơn. Đó là quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, trong đó có những nước láng giềng có quan hệ truyền thống, quan hệ với các siêu cường… Đây là "đại vấn đề".
Đại hội lần thứ XII cũng là dịp chúng ta tổng kết 30 năm đổi mới đất nước. Bài học lớn rút ra từ quá trình này để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển là gì?
"Làm sao để giữ vững được chủ quyền, giữ vững được độc lập, bảo vệ được lợi ích quốc gia mà không đẩy tình hình căng thẳng thêm. Bài toán để giải quyết thách thức trên không hề nhỏ. Theo tôi đây chính là nội dung rất quan trọng phải được bàn thảo kỹ trong Đại hội lần thứ XII, và chúng ta phải xây dựng một chiến lược lâu dài cho nó. Vì đây là sinh mệnh của dân tộc, cũng là sinh mệnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
GS – TSKH Vũ Minh Giang
|
- Thành công của 30 năm đổi mới, có thể nói ngắn gọn là chúng ta nhận thức được những vấn đề hết sức cơ bản của việc phát triển kinh tế, phát triển đất nước. Đó là làm sao để nền kinh tế có sự linh hoạt, trở lại đúng với tính chất hoạt động của kinh tế. Kinh tế mà bị trói buộc thì nó mất đi hai chữ kinh tế.
Từ đó từng bước, từng bước chúng ta nói đến kinh tế thị trường, nhưng chúng ta còn rụt rè bởi ám ảnh đâu đó là kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản, chúng ta không phải là chủ nghĩa tư bản. Đã đến lúc chúng ta phải có bước chuyển mới về kinh tế, phải nhận thức kinh tế thị trường là hoạt động tự nhiên của con người từ khi con người sản xuất hàng hóa cho đến sau này. Nó đáp ứng nhu cầu mang tính quy luật có cầu có cung, mỗi thời kỳ nó có dấu ấn riêng của thời đó.
Trước kia chúng ta nhận thấy vấn đề về kinh tế, tuy đã có sự năng động nhưng còn rụt rè. Việc đổi mới tới đây phải đẩy nhận thức về kinh tế thị trường lên một tầm cao mới. Chúng ta không phải băn khoăn, lấn cấn bởi những lý luận như thành phần quốc doanh bao nhiêu? Cái đó là hình thức, xơ cứng, không đi đúng thực tiễn của kinh tế. Nhận thức về kinh tế phải thay đổi. Tôi cũng tin Đại hội XII sẽ thảo luận kỹ lưỡng về vấn đề này.
Để thực hiện thành công những mục tiêu đặt ra, vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. GS có suy nghĩ gì trước vấn đề xây dựng con người mà dự thảo BCCT đã đề cập?
- Trong dự thảo BCCT, phần nói về con người viết tương đối kỹ. Đây là câu chuyện rất là quan trọng, bởi tất cả các điều ước nguyện, những chỉ tiêu, kế hoạch có thực hiện được không là do con người. Nhìn từ gốc là làm sao đào tạo ra những con người không chỉ có kiến thức khoa học về một tri thức cụ thể, mà phải là con người biết hy sinh vì cộng đồng, biết hy sinh vì sự nghiệp chung, với những giá trị thiêng liêng phải biết trân trọng.
Liên quan đến bộ phận lãnh đạo, Đảng đã nói nhiều tiêu chí trong lựa chọn cán bộ nhưng theo tôi có 3 điều nhân dân đang trông chờ vào đội ngũ lãnh đạo. Thứ nhất là biết đưa lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Ví dụ như quyết định cho xây khách sạn trên đèo Hải Vân có thể thu lợi về kinh tế nhiều. Nhưng nếu nghĩ đến lợi ích dân tộc, có thể người lãnh đạo sẽ quyết định khác. Lợi ích dân tộc bao gồm cả phải làm giàu cho đất nước chứ không phải giữ bo bo, né tránh những việc có lợi. Thứ hai, chúng ta xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Nhưng hiện nay đang có dấu hiệu chính quyền xa dân, lãnh đạo không gần dân. Cái đó rất nguy hiểm bởi nó liên quan đến vận mệnh của đất nước, chính quyền. Nếu không thở hơi thở của dân, nắm bắt được nguyện vọng của dân để từ đó đưa hơi thở, nguyện vọng đó vào những quyết sách thì sẽ thành chính quyền quan liêu. Thứ ba là sự trung thực trong các quyết định, các quan hệ. Điều này sẽ tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng với chính quyền. Đảng ta có nhiều di sản lớn nhưng có một thứ là báu vật: Đó là lòng tin của nhân dân, vì thế cần phải hết sức giữ gìn.
Xin cảm ơn GS.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.