Ngay trong đêm ngày 11.5, khi những bức ảnh đầu tiên của Xuyến bị hắt dầu luyn bê bết khắp người, khắp phản thịt, nhìn những cảnh tượng đó, cả đêm đó, tôi không sao chợp mắt nổi.
Bỏ qua những giận dữ, uất hận khi nhìn những hình ảnh bê bết luyn của chị Xuyến, chúng tôi nghĩ: Phải làm gì đó cho Xuyến.
Hình ảnh chị Xuyến bị hắt dầu luyn gây phẫn nộ dư luận.
Gần như lập tức, chúng tôi đã kết nối ngay với Xuyến và Xuyến cũng thật thà: Em còn tổng cộng 7 con với gần 1 tấn lợn thịt nữa đang tồn mà bí quá. Giờ tự mổ tự bán rất khó vì em sợ lại bị người ta lại “khủng bố”.
Chúng tôi đã động viên Xuyến và ngay lập tức gọi điện tới một vài doanh nghiệp vốn hưởng ứng Chương trình kết nối giải cứu người chăn nuôi và thật may mắn đã có cam kết đầu tiên ngay trong ngày 12.5: đơn vị sẽ đi khảo sát và mua ngay toàn bộ lợn cho chị Xuyến, dành làm công tác xã hội.
Nghe chúng tôi thông báo qua điện thoại, Xuyến mừng rỡ thậm chí quên cả tắt điện thoại, khoe với gia đình mà vang vang trong loa thoại: Cả nhà ơi, Báo NTNN/Dân Việt đã kết nối mua hết lợn cho gia đình ta rồi!
Thế rồi, cứ vài tiếng đồng hồ, Xuyến lại gọi điện, nhắn tin về số đường dây nóng của Chương trình để hỏi xem khi nào doanh nghiệp xuống xem lợn.
Toàn bộ lợn của chị Xuyến đã được một doanh nghiệp mua hết
Xuyến lo: Lợn nhà em không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đâu. Nhưng em nuôi chủ yếu bằng rau, cơm thừa, nước vo gạo, không biết có đạt yêu cầu của đơn vị thu mua không.
Chúng tôi động viên Xuyến: Không sao đâu em. Đơn vị thu mua họ nói rõ là mua để làm công tác xã hội chứ không “buôn bán” gì cả.
Sáng ngày 13.5, Xuyến lại gọi và bảo: Cả đêm qua em không sao chợp mắt được vì sung sướng. Em đã nghĩ sau sự việc đó (bị hắt luyn, dầu nhớt), em sẽ bị các cô chú liên ngành cấm bán nhưng không phải, các cô các chú chỉ tới trò chuyện, hỏi han một chốc rồi đi. Rất nhiều người động viên em.
Còn nhớ khi tâm điểm giá lợn giảm kỷ lục vừa qua, chúng tôi những người làm báo với sứ mệnh “Sát cánh với người nông dân” đã đau đáu cùng chung suy nghĩ: Không bàn nữa, phải làm gì đó cho bà con ngay lập tức.
Ngay trong ngày 30.4, với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội, Báo NTNN/Dân Việt đã phát động Chương trình “Kết nối giải cứu người chăn nuôi” trên phạm vi toàn quốc.
Những ngày sau đó, hàng nghìn cuộc gọi của bà con nông dân dồn dập đổ về.
Có những cuộc gọi xen lẫn tiếng khóc, hoang mang, tuyệt vọng.
Có những cuộc gọi mang tính trách móc hồn nhiên rằng “sao các anh để giá rớt thế này” khi nhầm tưởng chúng tôi là cơ quan quản lý chuyên ngành.
Đã có đôi lúc chúng tôi bất chợt thấy buồn, hơi nản chí xen lẫn bất lực.
Thế rồi, chúng tôi đã không đơn độc. Những cuộc gọi của các doanh nghiệp, mạnh thường quân muốn mua tiêu thụ giúp cho bà con nông dân, làm từ thiện... đã ngày một dày thêm.
Thông tin mới nhất là giá lợn đã tăng trở lại.
Thương lái đã thu mua.
Bà con không còn bán tháo.
Những lo lắng, băn khoăn và cả nỗi tuyệt vọng trên gương mặt của nhiều nông dân cũng phần nào được xua tan.
Và còn rất nhiều nông dân đang chờ được giải cứu.
Thế rồi, khi cả nước đang đợi chờ những tin vui đó thì tại Hải Phòng, hành vi đổ dầu luyn lên chị Xuyến đã cho thấy một thực tế buồn.
Ấy là thân phận thất thế của người nông dân trước những “con buôn” đang tìm mọi cách lăm le, bắt chẹt một lần nữa được khẳng định.
Ấy là sự phân biệt “đẳng cấp”, coi thường tính mạng, sức khỏe và tài sản của người nông dân đã án ngữ bấy lâu nay trong không ít suy nghĩ của những kẻ “có quyền”, “nắm đầu chuôi” của hoạt động giao thương hàng ngày.
Người nông dân chăm một con lợn để đạt trọng lượng đủ xuất chuồng (trên 100kg) chí ít cũng mất 4-5 tháng trời.
Với giá bán thấp điểm nhất của cuộc khủng hoảng giá lợn vừa qua là 15.000 đồng/kg hơi tại chuồng thì giá bán ra tại các cửa hàng ở chợ vẫn tới cả trăm nghìn đồng/kg.
Một người bạn tôi đầy kinh nghiệm trong kinh doanh thực phẩm sạch tính toán “độ lãi” của khâu trung gian trong mặt hàng thịt lợn: “Ngày thường, giả sử một kg lợn hơi là 35.000 đồng, mỗi con lợn nặng 100kg thì tính cả công giết mổ, pha lóc, vận chuyển, thuốc thú y..v.v.. tổng cộng khoảng 4,2 triệu đồng.
Cứ một con lợn hơi loại này đạt 75kg móc hàm. Giá mỗi kg thịt lợn móc hàm đúng giá trị là 56.000 đồng (nếu mua với giá 35.000 đồng/kg tại chuồng).
Trong khi đó, giá thịt lợn ngoài chợ là 80.000 đồng. Tức khâu trung gian đã lãi 24.000 đồng/kg.
Thế nhưng, thời gian qua, nhiều tỉnh thành, thương lái chỉ mua với giá 15.000 đồng/kg thịt lợn hơi thì mức độ lãi nơi khâu trung gian sẽ khủng khiếp cỡ nào”.
Câu hỏi mà anh này đặt ra là ai cũng trông thấy điều phi lý đó nhưng sao vẫn để nó tồn tại?
Đó là câu chuyện căn cơ, mấu chốt vấn đề giải quyết khủng hoảng giá lợn hiện nay.
Sáng ngày 14.5, Xuyến gọi cho tôi và khoe: Toàn bộ số lợn của em đã được thu mua. Em tha thứ cho bà Dung và chị Hoa (2 người hắt luyn vào Xuyến). Em nghĩ 2 người cũng vì miếng cơm manh áo cả thôi. Em không muốn ai bị bắt giam cả. Em mong các cơ quan pháp luật châm chước cho hành vi của bà Dung và chị Hoa.
Vậy đấy, bản tính của người nông dân ta vốn thế: chân chất, đôn hậu, thật thà. Sau những sự việc tưởng chừng như khó có thể hoá giải, xoa dịu, họ vẫn hiền hậu, vị tha đến mức khó có thể lý giải.
Âu đó cũng là một trong những đức tính tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.