“Lột xác” ngành hồ tiêu: Giá chập chờn, thông tin nhiễu loạn (Bài 2)

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 26/06/2020 14:51 PM (GMT+7)
Những ngày cuối tháng 5/2020, giá tiêu tại khu vực Tây Nguyên, miền Nam bỗng tăng vọt lên hơn 60.000 đồng/kg, nhưng ngay sau đó lại quay đầu giảm mạnh. Giá tiêu chập chờn cùng những thông tin nhiễu loạn không khiến bà con trồng tiêu vui mừng mà còn lo thêm.
Bình luận 0

Nông dân có găm hàng?

Cuối tháng 5, giá tiêu nguyên liệu tại thị trường trong nước tăng từ mức dưới 40.000 đồng/kg lên 60.000 - 62.000 đồng/kg. Việc giá tăng hơn 50% chỉ trong 2 tuần là điều vô cùng hiếm thấy kể từ năm 2016 đến nay. 

Tuy nhiên, ngay sau phiên tăng sốc, giá tiêu lại lao dốc mạnh về mốc 50.000 đồng/kg, rồi ổn định ở mức 51.000-53.000 đồng/kg cho đến giờ.

“Lột xác” ngành hồ tiêu  - Ảnh 1.

Vườn tiêu của ông Điểu Pré ở thôn Bù Bưng, xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) có hơn 4.000 trụ tiêu thì có hơn 2.000 trụ bị nhiễm bệnh chết. TTXVN

Lúc giá tiêu "nhảy múa" cũng đã xuất hiện hàng loạt thông tin nhiễu loạn khác nhau, khiến người theo dõi thị trường không khỏi lúng túng. Nhiều thương lái ở các vùng nguyên liệu lớn tung tin bên xuất khẩu đang cần hàng, giá tiêu sẽ còn lên tới mức 70.000 - 80.000 đồng/kg. Thậm chí tại khu vực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều người dự đoán giá tiêu có thể lên tới 100.000 đồng/kg.

Các thương nhân nhận định, giá tiêu có dấu hiệu bị nâng khống chứ thực chất, số lượng giao dịch không đáng kể. Chỉ có vài thương lái, đại lý và người dân mua bán với nhau. Điều này khiến nông dân găm hàng, giữ tiêu, chờ giá cao hơn nữa. Các công ty chưa mua vào vì mức giá này đang cao hơn giá xuất khẩu.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng, tình hình cung cầu tiêu trên thế giới không thay đổi nên giá tiêu trên thị trường thế giới không tăng. Giá tiêu trong nước bị ảnh hưởng bởi những tin đồn, tạo ra cơn sốt giá ảo. Người dân thấy giá tăng nên găm hàng và hạn chế bán ra để chờ giá tăng hơn nữa.

Phản ứng lại điều này, ông Đỗ Bá Thịnh - nông dân trồng tiêu ở Bình Phước cho rằng, không nên đổ thừa cho nông dân găm hàng. Nhiều người trồng đang điêu đứng vì vay vốn ngân hàng, nợ nần chồng chất. "Chỉ có một số đầu cơ mua hoặc ai dư giả mới mua bán theo kiểu "lướt sóng" để kiếm lời. Những hộ khó khăn đã phải bán để lo trang trải nợ nần" - ông Thịnh cho biết.

Đồng tình, bà Nguyễn Thị Phượng - hộ trồng tiêu ở huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, lượng tiêu hàng hóa bây giờ còn trong dân rất ít. Công ty thiếu hàng để giao thì phải tăng giá để mua cho đủ số lượng giao theo thời hạn hợp đồng. Khi đã mua đủ số lượng rồi thì giá hạ xuống là chuyện bình thường.

“Lột xác” ngành hồ tiêu: Giá chập chờn, thông tin nhiễu loạn (Bài 2) - Ảnh 2.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tình hình cung cầu tiêu trên thế giới không thay đổi nên giá tiêu trên thị trường thế giới không tăng.

Theo bà Phượng, doanh nghiệp ký hợp đồng giá thấp rồi cứ bảo người dân không nên ôm. Trong khi với giá đó, nông dân chưa đủ tiền thuê công, phân bón thì lấy đâu ra tài chính để đầu cơ. "Giá bán phải 70.000 đồng/kg may ra người làm nông mới có lãi" - bà Phượng nói.

Giá tiêu không bền vững

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, từ sau năm 2010, diện tích hồ tiêu trên cả nước tăng rất nhanh, vượt định hướng phát triển trên 100.000ha. Do từ năm 2015, giá tiêu tăng cao kỷ lục, nông dân đổ xô trồng, sản lượng tăng dẫn tới tình trạng cung vượt cầu. 

Hệ quả là 5 năm qua, giá hồ tiêu sụt giảm khắp thế giới, không riêng gì trong nước. Câu hỏi đặt ra là giá hồ tiêu sẽ còn tăng, giảm bao nhiêu nữa; mức giá nào là bền vững thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

“Lột xác” ngành hồ tiêu: Giá chập chờn, thông tin nhiễu loạn (Bài 2) - Ảnh 3.

So với 5 năm trước, khi tiêu giá tiêu hơn 200.000 đồng/kg, giá hiện nay dù có nhích lên cũng chỉ mới bằng khoảng 1/4. Còn so với mức chạm đáy 35.000 đồng/kg của vụ tiêu vừa kết thúc, ông Đỗ Bá Thịnh cho rằng, giá này chỉ để an ủi tinh thần chứ không mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người trồng.  

Giá tiêu bền vững hay không là phụ thuộc vào cung cầu. Muốn giá tiêu bền vững phải tổ chức lại từ khâu sản xuất. Giá trị chuỗi liên kết từ sản xuất đến người dùng cuối cùng được thông suốt thì họa may ngành tiêu mới bền vững".

Ông Thái Như Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp

Đi thăm nhiều vùng tiêu trong nước, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) ước tính, có trên 50% các vườn tiêu hiện rất tệ. Nguyên nhân do mấy năm qua, giá tiêu xuống thấp, nhiều hộ trồng đã kiệt sức, không còn khả năng đầu tư chăm sóc vườn tiêu.

Nhưng khi giá tiêu đã xuống đến đáy, theo quy luật sẽ quay đầu tăng lên. Ông Bính hi vọng, một mặt bằng giá mới cho hạt tiêu sẽ hình thành, khó giảm hơn được nữa.

Ông Lâm Ngọc Nhâm – Giám đốc HTX tiêu Bầu Mây ở Bà Rịa-Vũng Tàu thì không tin vào điều đó. Mức giá hiện nay chỉ tăng ngắn hạn chứ không cho thấy sự hồi phục của giá tiêu. "Cơ bản là lượng cung hạt tiêu toàn cầu vẫn còn khá dồi dào. Giá hồ tiêu chỉ tăng một cách bền vững khi nguồn cung bị sụt giảm mạnh từ việc giảm diện tích" - ông Nhâm nói.

Còn theo ông Thái Như Hiệp – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai), để giá tiêu quay đầu phải 2-3 năm nữa, khi người trồng không còn nghĩ tới tiêu nữa. Theo ông Hiệp, cách làm hồ tiêu trong nước không bền vững do không kiểm soát được vùng trồng, giá cả và cung cầu. Nhiều nông dân cứ thấy có giá là trồng, không ai kiểm soát. Tiêu được giá thì mua đất, cất nhà, sắm xe hơi; đến khi rớt giá thì bỏ của chạy lấy người.

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, nhiều nông dân trong vùng đã chặt bỏ cây tiêu chuyển sang trồng chuối xuất khẩu vì càng trồng càng lỗ. Gia đình bà cũng đã 3 năm trữ lại tiêu không bán vì giá thấp. "Vụ thu hoạch vừa qua, tôi buộc phải bán ra vì không còn cầm cự thêm được nữa" - bà Phượng nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem