Lúa úng, hàng ngàn hộ trắng tay

Thứ hai, ngày 16/04/2012 08:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau nhiều ngày mưa lớn hồi cuối tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua, gần 1.200ha lúa nước tại 3 xã Đăk Liêng, Buôn Triết, Buôn Tría (đều thuộc huyện Lăk, Đăk Lăk) đã ngập úng và mất trắng. Thống kê ban đầu đã có khoảng 3.000 hộ dân thiệt hại nặng.
Bình luận 0

Nguy cơ thiếu đói lan rộng

Dọc theo sông Krông Ana, trên con đường vào các xã Buôn Tría, Buôn Triết, Đăk Liêng, đâu đâu cũng nồng nặc mùi lúa úng bốc lên từ những đống lúa xám xịt.

img
Hàng ngàn ha lúa của huyện Lăk sẽ được “cứu” nếu Nhà nước đầu tư cho dân thêm 30 tỷ đồng.

Dẫn đường cho chúng tôi, ông Tri Công Nghĩa - Trưởng thôn Tân Cường, xã Buôn Triết, cho biết, tại xã của ông có ít nhất 750ha lúa bị ngập úng, và gần như mất trắng hoàn toàn; 800 hộ dân của xã đang đối mặt với cái đói. Ngay bản thân ông Nghĩa mất gần chục tấn lúa. Tiếc của, gia đình ông đã lội lụt vớt lúa. Nhưng thứ lúa mà ông thu được đen ngòm, lại rất hôi.

“Tiếc thì thu vậy chứ cho lợn chưa chắc nó đã ăn”- ông Nghĩa rầu rĩ. Rồi ông tự an ủi: “Nhưng dù sao tôi vẫn còn may mắn. Nhiều hộ có thu được hạt nào đâu”. Chỉ vào một ngôi nhà đóng cửa im ỉm, ông Nghĩa cho biết: “Vợ chồng nhà này mới cưới nhau, vay tiền mua được 5 sào lúa. Lúa mất trắng, chủ nợ đòi rát quá, chúng bỏ đi mấy ngày nay rồi”.

Cũng ở thôn của ông Nghĩa, bà Phạm Thị Tích đã vay gần 20 triệu đồng ở ngân hàng để đầu tư làm hơn 1ha lúa. Lúa đang trổ bông thì bị ngập thối rục. Cả năm chỉ nhờ mỗi vụ lúa này, giờ trắng tay bà Tích chưa biết phải chạy đi đâu để kiếm tiền trả nợ và đầu tư vào vụ tới.

Ông Nguyễn Đăng Trọng - Chủ tịch xã Buôn Triết, cho hay nếu người dân không được hỗ trợ kịp thời thì nguy cơ thiếu đói trên diện rộng sẽ xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Chiến -Phó phòng NNPTNT huyện Lăk cũng khẳng định: “Sẽ có hàng ngàn hộ dân thiếu đói. Thống kê ngày 5.4, toàn huyện có 1.280ha lúa bị mất trắng, tổng mức thiệt hại ước khoảng 53 tỷ đồng, ảnh hưởng đến khoảng 3.000 hộ dân; tuy nhiên khả năng thiệt hại còn tăng lên rất nhiều. Đây là vụ lúa chính và gần như mọi thu nhập của người dân đều phụ thuộc vào nó. Điều đáng quan tâm nữa là hầu hết người dân đều vay tiền ngân hàng để đầu tư.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người vay ít nhất là 15 triệu đồng, người vay nhiều lên đến 200 triệu đồng và thế chấp gần như toàn bộ tài sản họ có được. Mất vụ lúa dân coi như cụt vốn đầu tư”.

Cần 30 tỷ đồng để “cứu” dân

Nhận định ban đầu của Phòng NNPTNT huyện Lăk, dẫn đến cơ sự này là do 32m đê tại suối Cụt (thuộc xã Đăk Liêng) bị vỡ do đợt lũ hồi tháng 10 năm 2011. Do không được đắp lại kịp thời nên nước lũ đã dễ dàng tràn vào vựa lúa của huyện. Ông Chiến cho biết, người dân cũng như Phòng đã kiến nghị huyện cấp kinh phí để đắp lại đoạn đê vỡ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Ông Đỗ Quốc Hương - Chủ tịch UBND huyện Lăk cho biết, huyện đã thành lập đoàn thống kê thiệt hại từng hộ dân và sẽ dùng quỹ dự phòng của huyện để hỗ trợ kịp thời cho những hộ thiếu đói. Cùng với đó, huyện sẽ đề nghị với tỉnh có kế hoạch hỗ trợ để người dân không bị thiếu đói; đề nghị ngân hàng dãn nợ cho dân.

Trả lời NTNN về việc này, chủ tịch UBND huyện Lăk cho biết, thực ra kinh phí để sửa chữa đoạn đê nói trên không nhiều, chỉ khoảng 500-600 triệu đồng. Huyện không làm vì việc xử lý cục bộ này sẽ gây thiệt hại cho hơn 200ha lúa tại xã Đăk Liêng do lũ bị chặn dòng tràn vào. Hơn nữa, khi có lũ lớn thì đê cũng bị vỡ. Vì thế, huyện đã tính đến đến phương án sẽ làm đê dọc sông Krông Na. Tuy nhiên kinh phí để làm đê dọc bờ sông khá lớn khoảng 30 tỷ đồng. Do vậy huyện đang lập phương án trình tỉnh giải quyết. “Nếu có 30 tỷ đồng, hàng ngàn hộ dân của huyện sẽ sống yên”- ông Hương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem