Lúa vụ 3 “dính” lũ do chủ quan và dự báo kém

Thứ hai, ngày 10/10/2011 12:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần đây nhiều ý kiến quanh việc có nên đẩy mạnh sản xuất lúa vụ thu đông (vụ 3) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên thành vụ chính hay không. NTNN đã phỏng vấn TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL.
Bình luận 0

Từ quan điểm của một nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều năm về lúa ở ĐBSCL, theo ông thời vụ ở khu vực này bố trí thêm một vụ nữa là vụ 3 đã phù hợp chưa?

- Ở ĐBSCL, thường mỗi năm bà con nông dân làm 2 vụ chính, trong đó vụ đông xuân diện tích khoảng 1,5 triệu ha, vụ hè thu trên 1,6 triệu ha và vụ 3 (tức thu đông) thường mỗi năm trên dưới 500.000ha. Riêng năm nay, diện tích nhiều hơn là trên 600.000ha.

img
Nông dân ở Đồng Tháp gặt lúa tránh lũ.

Sở dĩ nhiều hơn là vì, ngành nông nghiệp cũng có khuyến cáo cho bà con nông dân ở những nơi nào có khả năng tăng vụ thì cứ làm và đa số diện tích bị hư hại do lũ lần này nằm ở trong các vùng có đê bao khép kín. Như ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang mọi năm đều làm được vụ thu đông, sau khi đã thu hoạch vụ hè thu, bà con vẫn tiếp tục xuống giống.

Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp là những nơi có lũ đầu nguồn, vậy vì sao ngành nông nghiệp vẫn khuyến cáo bà con xuống giống thêm tới 70.000-80.000ha ở đây?

- Để có điều kiện tăng vụ, ở ĐBSCL trong 5-7 năm trở lại đây đã làm đê bao khép kín, đây là điều rất tốt. Diện tích năm nay nhiều hơn 500.000ha không phải chỉ do Bộ NNPTNT khuyến cáo tăng sản lượng, mà vấn đề nằm ở chỗ bà con nông dân mình thấy lúa được giá, hấp dẫn, nên cũng muốn tăng vụ, để tăng thêm thu nhập.

Một lý do nữa là, trong gần 10 năm nay ở ĐBSCL không có lũ lớn, do đó bà con cũng chủ quan, năm trước cũng không có lũ, nên bà con cứ tăng vụ thôi. Một phần trách nhiệm ở đây là thuộc về ngành dự báo khí tượng thủy văn đã chưa dự báo kịp thời, chưa đúng, chưa rõ, dẫn đến bà con nông dân bất ngờ về lũ, dẫn đến chủ quan không gia cố đê bao và bị thiệt hại.

Có nhiều ý kiến tranh luận trong thời gian gần đây là, có nên đưa vụ thu đông thành vụ chính ở ĐBSCL hay không, vì nếu đưa thành vụ chính, có nghĩa là chúng ta sẽ phải đầu tư rất nhiều vào hệ thống đê bao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo tôi, nếu có quy hoạch, chuẩn bị kỹ thì đưa thành vụ chính cũng không có vấn đề gì cả. Bởi vì, đối với bà con nông dân không thể ép họ làm nhiều hơn hay ít hơn, mà bà con thường rất linh động, nơi nào thuận tiện thì làm.

Thông thường, trước đây chỉ có các tỉnh ven biển mới làm vụ thu đông do lũ về chậm hơn các tỉnh có lũ đầu nguồn như ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, họ làm rất tốt vụ thu đông. Gần đây, thay vì bỏ hoang ruộng, các tỉnh đã đầu tư hệ thống đê bao khép kín để làm vụ thu đông, như vậy chỉ cần hệ thống đê bao tốt là hoàn toàn có thể làm được vụ này.

Như ông đã biết, ở ĐBSCL là phải có lũ, vì lũ sẽ làm tăng hàm lượng phù sa cho ruộng đồng, đồng thời hạn chế sâu bệnh, nay nếu vì tăng sản lượng, mà chúng ta đẩy từ 2 vụ lên 3 vụ sản xuất, đến một lúc đất sẽ bị vắt kiệt?

- Đúng là có vấn đề này và chúng tôi cũng có nghiên cứu. Nhưng đối với bà con nông dân, họ cũng rất thông minh, một mặt họ làm theo ý kiến của ngành nông nghiệp khuyến cáo, một mặt họ cũng tự giác điều chỉnh sản xuất.

Tức là trong vòng 3 năm, họ sẽ làm năm thứ nhất, thứ 2, đến năm thứ 3 thì cho xả lũ, hay nói cho dễ hiểu là làm 3 năm, thì một năm bỏ vụ, bởi đúng là nếu lạm dụng đê bao, sẽ khai thác cạn kiệt đất. Ở đây vẫn là vấn đề của ngành dự báo, nếu chúng ta có dự báo tốt, trong năm nay, thay vì làm vụ 3, bà con để xả lũ, thì đã không có vấn đề gì.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, nhiều bà con ở các vùng có lúa bị ngập do lũ đã phản ánh, chính họ đã bị chính quyền địa phương xui, rồi ép dân làm lúa vụ 3. Phải chăng nhiều địa phương đã tự phát trong việc chỉ đạo nông dân làm lúa vụ 3?

- Việc đó thì phải kiểm tra. Nhưng thực tế phải hiểu rằng, trước đây có mấy giống lúa bị bệnh như IR 50404, chúng tôi đã khuyến cáo bà con nông dân không trồng, nhưng bà con cứ thích trồng, nên mới bị sâu bệnh. Còn bây giờ, nói bảo mình xui được họ làm thế này, thế nọ thì không được đâu.

Chỉ có điều, khi có đê bao, bà con đã nghĩ rằng là chắc ăn, vì có đê bao coi như sản xuất lúa ở trong nhà sẽ không việc gì, không sợ lũ, thêm vào đó cũng một phần do ảnh hưởng bởi tâm lý phong trào, vì xung quanh có nhiều hộ làm, các hộ khác cũng không yên tâm, phải làm theo.

Ở đây là hoàn toàn do bà con nông dân tự nguyện, tự giác, chứ còn nói chính quyền xui, rồi ép dân làm là không đúng, vì có bảo ngưng, bảo giảm, họ cũng không chịu đâu. Nông dân ở đây, ít nghe theo lời khuyến cáo lắm.

Hơn nữa, đối với bà con nông dân vùng trồng lúa, không trồng lúa, thì trồng gì. Vấn đề là mình phải khuyến cáo bà con vùng nào trồng được, vùng nào không trồng được, chỗ nào nguy hiểm (lũ, nhiễm mặn), để bà con theo dõi cẩn thận và làm cho chắc ăn.

Khi quyết định tăng thêm 100.000ha lúa vụ 3, Bộ NNPTNT đã có văn bản đề xuất với Chính phủ hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL 200 tỷ đồng để làm đê bao, hỗ trợ hệ thống bơm tiêu, tiền mua giống, nhưng cuối cùng các tỉnh ĐBSCL chỉ được hỗ trợ chưa đầy 100 tỷ đồng. Do đó, đã dẫn đến việc thiếu vốn để làm đê bao, đến khi lũ về, Chính phủ mới cấp ứng 170 tỷ đồng. Nếu được cấp đầy đủ 200 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ NNPTNT ngay từ đầu, thì các địa phương đã có thể chủ động làm đê bao tốt hơn.

Rõ ràng như ông vừa nói, vụ thu đông ở ĐBSCL mỗi năm thường chỉ làm trong khoảng 500.000ha. Năm nay, đột nhiên tăng thêm 100.000ha là có vấn đề?

- Như đã biết, trong hơn 10 năm nay, ở ĐBSCL đều làm như vậy, còn riêng năm nay tăng thêm 100.000ha, thực ra cũng không việc gì. Bởi ở vùng đó, người ta trồng mà có đê bao đảm bảo, thì làm được. Năm nay, thiệt hại do vỡ đê, nếu không vỡ đê đã không có thiệt hại.

Do đó, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không nên trồng ở những vùng nhiễm mặn, những vùng lũ đầu nguồn thì phải có đê bao, có quy hoạch. Sự thật là, nếu ngoài đê bao, bà con lại tự ý thức được khi trồng lúa ngắn ngày và trồng sớm để thu hoạch trước khi có lũ về.

Chúng ta thiệt hại là ở chính những vùng có đê bao, vì bà con cứ yên tâm là có đê rồi, nên đã nảy sinh sự chủ quan không đề phòng đến tình huống vỡ đê. Tóm lại, nếu dự báo, dự đoán đúng thì không có vấn đề gì quá nghiêm trọng cả.

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói, ông đã từng cảnh báo là tăng thêm 100.000ha sẽ rất nguy hiểm nếu làm ẩu, làm không có tính toán. Vì sao lời cảnh bảo này vẫn không được ngành nông nghiệp chú ý?

- Theo tôi, đối với ĐBSCL, sản xuất thêm 100.000ha không phải là lớn và có thể làm được. Nhưng vấn đề là phải tính toán làm ở những vùng trong quy hoạch, có đê bao đảm bảo chịu được mực nước cao hơn đỉnh lũ năm 2000. Vấn đề, vùng nào trồng phải đảm bảo, chứ không phải trồng ở đâu cũng được.

Song theo tôi, để làm được, chúng ta phải quan tâm đến dự báo lũ. Còn các địa phương, phải chú ý đến đê bao hơn như trước khi lũ về phải tiến hành gia cố đê cho chắc chắn, thì mới tránh được thiệt hại.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem