Những văn bản pháp quy vừa đưa ra gần đây đều vấp phải sự phản ứng từ dư luận. Cũng có nhiều quan điểm khác nhau quanh vấn đề này, nhưng vẫn phải thừa nhận một điều: Người dân chưa thấy "tâm phục khẩu phục".
Ai cũng hiểu luôn tồn tại một nghịch lý giữa Nhà nước và người dân. Nhà nước muốn quản lý tốt xã hội thì phải có luật lệ, quy định với đối tượng chủ thể hướng tới là người dân. Trong khi đó, người dân lại không muốn Nhà nước có thêm những quy định nào đó bởi có thể nó sẽ tạo ra những rào cản hạn chế bớt sự tự do của mình.
Thêm một quy định mới, sự phản ứng tức thời kể cũng là tự nhiên. Còn nhớ thời Nhà nước mới có quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy ra đường. Ban đầu, người dân và kể cả báo chí đều phản ứng mạnh mẽ. Nhưng cuối cùng, tất cả đều tìm được sự đồng thuận bởi chiếc mũ đó đã bảo vệ mạng sống của nhiều người dân.
Từ đó suy ra, người dân sẽ phản ứng với những quy định họ thấy xa lạ, không liên quan gì đến những quan hệ của cá nhân với xã hội ở khía cạnh tích cực, hay tạo ra một công cụ để bảo vệ người dân. Ví dụ, không thể có một người chồng hay người vợ nào tự tố cáo mình "chì chiết" nhau để móc túi ra nộp phạt, và cũng sẽ không có đủ lực lượng đi kiểm soát chuyện nồng ấm trong từng giường chiếu. Vậy thì, khi quy định đó đi vào cuộc sống, liệu nó có sống được hay không?
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng khó có thể đi học đại học, nhưng vẫn có quy định cộng 2 điểm cho các mẹ, điều này nghe ra không hợp lý cho lắm. Dù những người có trách nhiệm ở các bộ giải thích, bao biện kiểu gì thì dân cũng khó chấp nhận. Ở đây, dân phản ứng không phải vì sợ mất đi sự tự do của mình, mà vì quy định vô lý và thiếu sức sống.
Xét cho cùng, người dân có quyền lên tiếng đồng tình hay không đồng tình, vì họ nộp thuế để trả lương cho đội ngũ biên soạn và ban hành các văn bản pháp quy. Họ “trả lương” và đòi hỏi “nhân viên” phải cho ra những sản phẩm chất lượng, dù có thể hạn chế phần nào sự tự do của họ, nhưng lại tạo ra các quyền lợi khác mà tự do không thể thay thế.
Cũng phải thừa nhận, chất lượng của các văn bản pháp quy đã phản ánh đúng chất lượng của một bộ phận cán bộ công chức chịu trách nhiệm làm luật hiện nay. Nhận thức về pháp luật cũng như kỹ năng xây dựng văn bản pháp luật còn quá xa với đòi hỏi của thực tế và nhu cầu của người dân.
Thế thì, trước khi nói đến dân trí trong việc tiếp nhận các văn bản quy phạm, xin hãy nghiêm túc đánh giá “quan trí” trong việc tạo ra sản phẩm pháp lý.
Chân Tâm ( Chân Tâm)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.