Hôm nay (14.9), phiên xử Hà Văn Thắm và 50 đồng phạm tiếp tục diễn ra sau 2 ngày tòa nghỉ. Dự kiến trước khi vào phần tranh luận giữa các bên, cơ quan giữ quyền công tố tại tòa sẽ luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo liên quan đến đại án Oceanbank.
Phiên tòa dự kiến cũng sẽ rất “nóng” ở phần tranh luận về những vấn đề chưa được làm sáng tỏ trong phần xét hỏi.
Trong một động thái mới, ngày 13.9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) theo Điều 280 - Bộ luật Hình sự; đồng thời khởi tố bổ sung vụ án hình sự và khởi tố bổ sung bị can đối với Ninh Văn Quỳnh, nguyên Phó tổng giám đốc PVN, cũng với tội danh trên.
Theo tài liệu điều tra, quá trình thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Hà Văn Thắm về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống OceanBank; trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31.11.2014, tổng số tiền ngân hàng này đã chi trả lãi ngoài cho các khách gửi tiền là hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó chi cho VSP hơn 24 tỷ đồng; BSR hơn 19 tỷ đồng và PVEP hơn 76 tỷ đồng.
Nhìn lại diễn biến 11 ngày xét xử sơ thẩm đại án kinh tế đối với Hà Văn Thắm và đồng phạm cho thấy một “luật ngầm” dường như đã được thực thi và OceanBank là “sân sau” của PVN.
Có những số liệu mà chỉ tại phiên toà xét xử đại án OceanBank thì người dân, cổ đông, nhà đầu tư mới biết được. Những số liệu này đã cho thấy “mặt kia” của bức tranh chi lãi ngoài tại OceanBank.
Với 500.000 tỷ đồng của PVN và các công ty con thuộc PVN đã gửi vào OceanBank từ năm 2008 đến thời điểm bị kiểm soát đặc biệt và 246 tỷ đồng tiền “lại quả” dưới hình thức “chăm sóc khách hàng” đã dấy lên nghi vấn: Có hay không hình thức nhân danh cổ đông lớn, lãnh đạo PVN và các công ty con thuộc PVN hô biến tiền của dân đút vào túi riêng?
Nhớ lại giai đoạn 2011 - 2012, khi lạm phát ở mức rất cao, khoảng 18,58% trong năm 2011 (số liệu của Tổng cục thống kê), nhiều ngân hàng cũng huy động vượt trần lãi suất 14%/năm, tuy nhiên, điều này chỉ diễn ra từng thời điểm, còn ở OceanBank lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Nguyễn Xuân Sơn (đứng) trả lời thẩm vấn của tòa.
Trong thời gian Nguyễn Xuân Sơn giữ chức vụ Tổng Giám đốc OceanBank, Sơn đã thống nhất với Hà Văn Thắm việc chi “chăm sóc khách hàng” (thực chất là chi lãi ngoài huy động vốn) cho nhóm khách hàng Dầu khí từ năm 2009 và được thực hiện liên tục.
Kể cả khi Nguyễn Xuân Sơn quay về PVN làm Phó Tổng Giám đốc, chủ trương này vẫn được tiếp tục thực hiện. Việc thực hiện chi lãi ngoài vẫn được Hà Văn Thắm chỉ đạo thực hiện trên toàn hệ thống.
Thông qua số vốn góp 800 tỷ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ, PVN và các công ty con thuộc PVN đã biến OceanBank thành “sân sau” của mình. Theo đó, PVN và các công ty con thuộc PVN đều mở tài khoản tại OceanBank.
Đối tượng Hà Văn Thắm
Theo lời khai của Hà Văn Thắm và ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng giám đốc, nguyên kế toán trưởng PVN, trung bình PVN gửi khoảng 20.000 tỷ đồng vào OceanBank, có thời điểm lên tới 25.000 tỷ đồng.
Đây là số tiền rất lớn, đủ để chi phối hoạt động của OceanBank. 25.000 tỷ đồng tiền gửi của PVN chiếm hơn một nửa vốn huy động của OceanBank thời điểm 2010 - 2012, một tỷ lệ đủ để quyết định sự "sống - chết" của cả một ngân hàng.
Đặt trong bối cảnh năm 2011-2012 lạm phát cao, các “cơn sốt nóng, lạnh” vàng, ngoại tệ xảy ra, mặt bằng lãi suất cả huy động lẫn cho vay tăng vọt, Ngân hàng Nhà nước phải áp trần tiền gửi 14%/năm mới thấy tầm quan trọng của số tiền gửi của PVN ở OceanBank khủng khiếp cỡ nào.
Không chỉ dừng ở đấy, PVN còn ban hành văn bản ngày 22.6.2009 do Tổng Giám đốc PVN ký ban hành có đề nghị các công ty, tổng công ty giao dịch với OceanBank.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các đơn vị từ Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí, VietsovPetro, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí, Tổng Công ty Phân bón hóa chất dầu khí, Công ty Phân bón dầu khí Tây Nam bộ, Tổng Công ty Bảo hiểm PVI... cho đến những đơn vị thiên về hành chính sự nghiệp như Viện Dầu khí Việt Nam, Đại học Dầu khí... đều mở tài khoản và gửi tiền ở OceanBank.
Kể từ năm 2008, dòng tiền PVN đã đi qua đây trên 500.000 tỷ đồng. Có thời điểm, số dư tiền gửi của PVN tại OceanBank lên tới 25.000 tỷ đồng; riêng Liên doanh Việt - Nga VietsovPetro gửi khoảng 100 triệu USD, khoảng 1.000 tỷ đồng...Do OceanBank bị kiểm soát đặc biệt, cho đến bây giờ PVN vẫn còn bị kẹt ở đây gần 10.000 tỷ đồng (bao gồm cả khoản tiền 70 triệu USD của Viet - Nga VietsovPetro).
Đổi lại khoản tiền gửi đó là khoản tiền 246 tỷ đồng đưa về PVN và hàng trăm tỷ đồng đưa trực tiếp cho các đơn vị thành viên của PVN này được chi dưới hình thức “chăm sóc khách hàng”.
Điều đáng nói, số tiền này không chảy vào tài khoản doanh nghiệp mà chảy vào túi của các cá nhân.
Mới qua 11 ngày xét xử, đã có 11 người bị tòa triệu tập đến vì có liên quan đến việc nhận tiền chi lãi ngoài của OceanBank.
Hiện có ông Ninh Văn Quỳnh khai đã nhận khoảng 20 tỷ đồng của OceanBank. Còn những người khác hiện vẫn cho rằng lời khai đó không đúng và họ không nhận tiền chi lãi ngoài của OceanBank.
Với việc OceanBank bị mua 0 đồng, ngân sách bị mất 800 tỷ đồng, lãnh đạo OceanBank và 35 cán bộ lãnh đạo chi nhánh khác đang hầu tòa với tội danh “Cố ý làm trái”.
Rõ ràng, việc góp vốn vào OceanBank là tiền từ của Nhà nước, nhưng những cá nhân lại lợi dụng khoản tiền này để tư lợi, chảy vào túi cá nhân.
Dư luận đặt nghi vấn: Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Hà Văn Thắm làm sao dựng được “kịch bản” hoàn hảo này, chắc hẳn còn những cá nhân khác hoặc chỉ đạo, đồng lõa hoặc đắc lực tiếp tay.
Vì số tiền mà các cá nhân nhận ngoài sổ sách đều là tiền của Nhà nước, của nhân dân nên dư luận trông đợi việc cơ quan thực thi pháp luật tiếp tục “lôi” ra ánh sáng thêm những quan chức của PVN và nguyên là quan chức của PVN ăn chia số tiền này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.