Luật sư phân tích hành vi mua bán hoá đơn của đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát ở Hải Phòng

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 10/09/2020 13:48 PM (GMT+7)
Luật sư cho rằng, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại, đại gia xăng dầu Hải Phòng Ngô Văn Phát sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, trước đó, Công an TP. Hải Phòng cho biết, từ ngày 4/9 đến ngày 7/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thủy Nguyên đã ra Quyết định khởi tố vụ án về "Tội mua bán bán trái phép hóa đơn" và các Quyết định khởi tố bị can đối với 7 đối tượng.

Một trong số 7 bị can bị khởi tố có ông Ngô Văn Phát, sinh năm 1964, ở quận Hồng Bàng, Hải Phòng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xăng dầu Phát.

Ông Phát là một đại gia có tiếng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam khi là Chủ tịch HĐQT Công ty CP TM Xăng Dầu Phát - Petraco kiêm chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phú Thành.

Đại gia này cũng là người sở hữu nhiều tòa biệt thự có giá trị hàng trăm tỉ đồng tại TP.Hải Phòng và quê nhà Thái Bình. Ông Phát đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình.

Luật sư phân tích hành vi mua bán hoá đơn của đại gia xăng dầu ở Hải Phòng mới bị bắt - Ảnh 1.

Biệt thự của đại gia xăng dầu Ngô Văn Phát.

Doanh nghiệp mua bán hoá đơn khống nhằm trốn thuế

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, theo quy định, hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Hóa đơn gồm các loại như hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng; hóa đơn khác gồm: tem; vé; thẻ; phiếu thu tiền bảo hiểm; phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng...

Hóa đơn được thể hiện bằng các hình thức như hóa đơn tự in; hóa đơn điện tử; hóa đơn đặt in. Đối với cả doanh nghiệp và nhà nước thì hóa đơn có vai trò vô cùng quan trọng.

Ngoài việc đáp ứng quản lý nhà nước về thuế thì hóa đơn có vai trò là chứng từ ghi nhận doanh thu chi phí. Hóa đơn là cơ sở để kê khai các loại thuế, quyết toán, hạch toán thuế. Thuế là nguồn thu chính, chủ yếu của ngân sách nhà nước.

Do đó việc quản lý hóa đơn nhằm đảm bảo việc quản lý thuế, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.

Luật sư phân tích hành vi mua bán hoá đơn của đại gia xăng dầu ở Hải Phòng mới bị bắt - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn Phòng Luật sư Chính Pháp.

Một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế là bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

Luật sư Cường cho hay, thời gian qua có không ít tổ chức, cá nhân mua bán hóa đơn khống nhằm trốn thuế hay ẩn giấu tài sản, tình trạng của doanh nghiệp mình hoặc để tăng chi phí. Từ đó sẽ được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân của doanh nghiệp.

"Hành vi này không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Ngoài ra, đây cũng là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi trên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Cường nói.

Sau vụ việc cơ quan chức năng phát hiện và khởi tố vụ án về "Tội mua bán bán trái phép hóa đơn" có thể thấy, việc mua bán hóa đơn giá trị gia tăng khống của các doanh nghiệp thông thường thể hiện qua các hành vi lập khống các hóa đơn các giao dịch không có thật trên thực tế hoặc có giao dịch những nội dung của các hóa đơn không có thực toàn bộ hoặc một phần. Việc làm này nhằm mục đích để gian lận trốn thuế hoặc không kê khai số thuế phải nộp.

Khi các doanh nghiệp có các hành vi bán các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ mà không ghi đúng, đầy đủ nội dung bắt buộc mà làm sai lệch về các giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc có các hành vi dùng hóa đơn của các sản phẩm hàng hóa này sử dụng để lập cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ khác dẫn đến sự sai lệch các nội dung bắt buộc giữa các liên của hóa đơn khi hạch toán, kê khai thuế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có hành vi sử dụng các hóa đơn, chứng từ của cơ quan thuế hoặc của các cơ quan có thẩm quyền, chức năng kết luận là hóa đơn bất hợp pháp để bán cho các cá nhân, tổ chức khác khi bán hàng, cung cấp dịch vụ không đúng quy định.

Đại gia xăng dầu Hải Phòng có bị phạt tù?

Theo luật sư Cường, theo thông tin báo chí thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thủy Nguyên đã ra Quyết định khởi tố vụ án về "Tội mua bán bán trái phép hóa đơn" theo điều 203 Bộ Luật hình sự năm 2015 bổ sung, sửa đổi năm 2017 và các Quyết định khởi tố bị can đối với ông Ngô Văn Phát, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP TM Xăng Dầu Phát – Petraco cùng 6 đối tượng khác.

Tội mua bán trái phép hóa đơn được quy định tại điều 203 Bộ luật hình sự 2015. Mức phạt có thể là phạt tiền lên đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù với mức thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là 5 năm tù.

Với trường hợp ông Ngô Văn Phát cùng 6 đối tượng vừa bị khởi tố về tội "Mua bán trái phép hóa đơn", cơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức, thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng và số tiền thu lợi bất chính. 

Tuỳ theo mức độ vi phạm, ông Phát cùng với 6 đối tượng có thể sẽ phải đối mặt mức phạt tù từ 1 đến 5 năm tù.

Ngoài ra cơ quan điều tra có thể mở rộng điều tra vụ án, xác định có hành vi vi phạm khác như trốn thuế hay vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Công ty CP TM Xăng Dầu Phát – Petraco hay không để xử lý theo quy định pháp luật.

Điều 203 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về ội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước như sau:

"1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem