Luật sư “xúi giục” người khác khai báo gian dối có thể bị phạt tới 40 triệu đồng
Luật sư “xúi giục” người khác khai báo gian dối có thể bị phạt tới 40 triệu đồng
X.A
Thứ ba, ngày 10/05/2022 08:35 AM (GMT+7)
Dự thảo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng mới đưa vào quy định xử phạt luật sư nếu họ tiết lộ bí mật điều tra hoặc mua chuộc, cưỡng ép hay xúi giục người khác khai báo gian dối.
Tòa án Nhân dân Tối cao đang lấy ý kiến Dự thảo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo gồm 4 chương, 27 điều quy định về các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính cũng như mức xử phạt.
Mức phạt tiền cao nhất theo Dự thảo, từ 20 - 40 triệu đồng được áp dụng cho luật sư hoặc người bào chữa khác nếu họ: "Mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người tham gia tố tụng khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật".
Các luật sư nếu tiết lộ bí mật điều tra dù được yêu cầu phải giữ kín sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng và còn có thể bị "tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn" hoặc đình chỉ hoạt động. Hành vi này nếu do người khác thực hiện sẽ bị phạt thấp hơn, từ 1 - 10 triệu đồng.
Tại các phiên tòa, người không chấp hành kiểm tra an ninh hoặc có hành vi ăn uống, hút thuốc, mặc trang phục không nghiêm túc, sử dụng điện thoại gây mất trật tự… sẽ bị phạt từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Những ai không đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án, khi tuyên án hoặc tự "trình bày ý kiến" khi không được phép cũng có thể bị phạt theo mức này.
Mức phạt từ 1 đến 5 triệu đồng được áp dụng với người có hành vi lôi kéo, xúi giục, kích động người khác gây mất trật tự tại phòng xử án; mang đồ vật cấm lưu hành, truyền đơn, khẩu hiệu và tài liệu, đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa vào phòng xử án.
Dự thảo đưa vào quy định, nhà báo nếu ghi âm lời nói, chụp ảnh của Hội đồng xét xử hoặc người trong phiên tòa mà không được sự đồng ý của họ có thể bị phạt từ 1 - 5 triệu đồng.
Hành vi xâm hại sức khỏe, gây thương tích cho người tiến hành tố tụng, những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của tòa án nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Mức phạt này còn áp dụng với người có hành vi đe dọa, gửi thư, tin nhắn "tác động" thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật.
Cũng theo Dự thảo: "Nhà báo hoặc người khác tham gia phiên tòa đưa tin sai sự thật nhằm cản trở tòa giải quyết vụ án" sẽ bị xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng".
Nhóm hành vi mang vũ khí, hung khí, chất nổ… vào phòng xử; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên… tại phiên tòa có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng, theo Dự thảo.
Trong hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, những ai khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc hủy hoại chứng cứ quan trọng có thể bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Người có hành vi "lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực" nhằm ngăn cản người làm chứng hoặc buộc người khác làm chứng gian dối sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Trong Dự thảo, mức phạt này còn áp dụng cho người phiên dịch nếu "cố ý dịch sai sự thật".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.