Lục bát hay lộc - phát

Thứ bảy, ngày 11/09/2010 06:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ năm ngoái (2009), một lễ hội thơ lục bát đã được khởi xướng để tôn vinh thể thơ dân tộc câu sáu câu tám.
Bình luận 0

Những người tổ chức chọn ngày 6 - 8 âm lịch (đọc theo âm Hán Việt là “lục bát” lại có âm hưởng như “lộc phát”) làm ngày lễ hội. Lần đầu tiên tổ chức, lễ hội đã có đông người tham dự, đã có nhiều hình thức giới thiệu và trình diễn thơ lục bát, lại có cả màn “phát lộc” thơ. Năm nay, theo thông báo thì lễ hội sẽ có thêm nghi lễ… dâng hương thơ lục bát với sự tham gia của đội nữ tế, đội nam tế, và thêm nhiều trò khác nữa, hứa hẹn sẽ vẫn vui nhộn và nên thơ.

Đây là một sáng kiến hay. Tôn vinh một thể thơ dân tộc vừa dân dã vừa cao sang, đã có nhiều thành tựu trong quá khứ cũng như hiện tại, đang tiếp tục được các lớp nhà thơ sử dụng, mang nhiều đặc tính Việt Nam trong ngôn ngữ, cảm xúc, vần điệu... là một việc nên làm.

Mà lễ hội là do tự lòng người thấy thích, thấy yêu thì làm, kéo được mọi người đến cùng xem, cùng nghe, cùng chơi, thế là vui. Nghe đâu, người trưởng trò còn định đề nghị tôn lục bát lên làm “quốc thơ” của nước Việt, như là đang bàn luận chuyện “quốc hoa”, “quốc phục”.

Thì cũng chẳng sao, nước nào mà chẳng muốn tìm ra và tạo ra những cái riêng có, riêng biệt của mình. Lục bát Việt Nam là của thừa tự cha ông để lại, là di sản tiếng Việt và tinh thần Việt, đáng được trân trọng bảo tồn và phát triển...

Tôi chỉ băn khoăn cái sự lấy ngày 6-8 âm lịch hàng năm làm ngày lễ hội. Thì như đã nói, vẫn biết là ứng với tên gọi thể thơ lục bát, và lại chơi đồng âm cách đọc trại “lộc phát” cho nó kích thích lòng người.

Đọc thơ, nghe thơ như được lộc, và rồi có lộc, ai chẳng thích. Nhưng sao tôi vẫn nghĩ có chút gì gờn gợn ở đây, nhất nữa là năm nay có màn dâng hương cho thể thơ. Có chút gì bày trò, vẽ chuyện rồi... Sao ta không định ngày lễ hội là ngày 10-8 âm lịch, nhằm ngày mất của Nguyễn Du, đại thi hào dân tộc, tác giả Truyện Kiều - một áng thơ bất hủ lại là một áng lục bát bất tuyệt.

Cứ vào ngày đó ta cung kính làm giỗ Nguyễn Du cũng là dâng hương lên một ông tổ lục bát, và thay vì bài văn tế ta đọc một trích đoạn sáu tám của Cụ cho vang vọng, vang động mỗi tấm lòng con dân nước Việt. Năm 1924, tại tòa nhà hội Khai Trí Tiến Đức bên Hồ Gươm, đúng ngày 10-8 âm lịch, ông Phạm Quỳnh đã tổ chức một lễ giỗ Nguyễn Du, đã đọc một bài diễn văn ca ngợi Cụ và Truyện Kiều, trong đó có một câu bây giờ đã được thừa nhận là sâu sắc: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Mà Truyện Kiều còn thì lục bát còn, văn chương nước Việt còn.

Nên lấy ngày giỗ Nguyễn Du 10-8 âm lịch hàng năm làm ngày lễ hội lục bát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem