Đầu tiên là vụ tranh chấp tác quyền bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” giữa nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và anh bộ đội Ngô Xuân Phúc. Tiếp đó là vụ tập thơ “Sẹo độc lập” của nhà thơ Phan Huyền Thư đã chính thức bị Hội Nhà văn Hà Nội rút giải thưởng.
Hai nữ nhà thơ Phan Huyền Thư và Nguyễn Phan Quế Mai
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai cho biết sẽ khởi kiện người tranh chấp ra tòa vì tội vu khống. Tuy nhiên, ngày 20.10 vừa qua, nhà thơ này tuyên bố không khởi kiện nữa, đồng thời khẳng định “Tổ quốc gọi tên mình” là tác phẩm của mình. Tuy nhiên, trước đó, đã xuất hiện hàng loạt nhân chứng cho biết đã từng đọc tác phẩm này trên mạng với tên tác giả không phải là Quế Mai.
Nhà thơ Phan Huyền Thư, ngày 20.10 cũng gửi thư đến Hội Nhà văn Hà Nội tuyên bố không nhận giải thưởng, đồng thời hứa sẽ trưng ra bằng chứng chứng minh bài thơ “Bạch lộ” đã từng viết vào năm 1996 và đăng ở nước ngoài. Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan- tác giả bài thơ “Buổi sáng” thì bày tỏ sự bức xúc vì qua tuyên bố này, chị trở thành người đạo thơ của Phan Huyền Thư.
Có người đã bình luận chua chát rằng, chỉ qua những vụ lùm xùm tranh cãi này mới thấy thơ văn bây giờ… có giá. Người người bàn về đạo thơ, lên án chuyện đạo thơ, đòi phải phân tỏ trắng đen để lấy lại giá trị cao quý của thơ.
Những nghi án văn chương từ trước đến nay đã có và sẽ vẫn có, nếu như chính những người viết đã thành danh không giữ được bản lĩnh và sự tự trọng của mình. Với những người viết đã thành danh mà vẫn dính vào nghi án văn chương, chỉ có thể giải thích dưới góc độ tâm lý. Đó là một diễn biến tâm lý phức tạp mà chỉ có chính họ mới lý giải nổi.
Vậy thì có lẽ cũng nên khép lại những câu chuyện buồn như thế ở đây, bởi chắc chắn những người trong cuộc đã tự nhận được cho mình những bài học quý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.