Tiền lương không đủ… tiền xăng
Tốt nghiệp bằng ưu khoa Sử Trường ĐH KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh, cô Phạm Thị Vinh (Quỳnh Hải, Quỳnh Phụ, Thái Bình) phải mất 2 năm mới xin được vào dạy hợp đồng không lương cho Trường Bổ túc cấp 3 của huyện.
Cô Vinh cho biết: “Mỗi tuần 10 tiết lên lớp, mỗi tiết 15.000 đồng. Cả tháng làm đầy đủ không kể các ngày nghỉ lễ, nghỉ đột xuất cũng chỉ được 600.000 đồng tiền lương, không đủ tiền xăng xe đi lại. Nhiều lúc nghĩ thấy nản quá. Ra trường 2 năm mà vẫn phải “ăm bám” bố mẹ, không dám chi tiêu, mua sắm và cũng phải hạn chế gặp gỡ bạn bè”. Sau một năm cố gắng bám trụ, hiện tại cô Vinh đã quay lại TP. Hồ Chí Minh, vừa đi bán hàng theo ca tại siêu thị vừa ôn thi để học lên cao học vào tháng 10 tới.
Tâm sự với tôi, cô Vinh chua chát: “Nhiều bạn ra trường cùng khoá không thể “bon chen” được một suất hợp đồng tại các trường đành bỏ nghề hoặc “gác nghề” tìm kiếm công việc khác. Lương quá thấp là một phần, phần khác vì cơ hội cho giáo viên hợp đồng trụ lại ở các trường nông thôn còn quá hẹp, cánh cửa hẹp ấy chỉ có thể “lọt”… con ông cháu cha. Học cao học cũng chỉ là một phương án “chống cháy”, nhưng cũng hi vọng sau 2 năm, mọi việc sẽ khá hơn”.
Không bế tắc như cô Vinh, cô Lê Thị Nhung từng là giáo viên dạy Văn Trường THPT Lê Viết Tạo, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội với văn bằng giỏi, sau một năm thử việc với mức lương hợp đồng hơn 600.000 đồng/tháng cô đành bỏ nghề dù cô rất yêu nghề. Giờ cô Nhung đã trở thành một nhà báo của một tờ báo lớn, thu nhập hàng tháng gấp cả chục lần lương của một cô giáo hợp đồng.
Phấn đấu bởi cái… danh
Biết là lương thấp, sẽ phải bươn trải và lăn lộn làm thêm để kiếm sống nhưng rất nhiều người vẫn cố bám lấy cái nghề này, bằng mọi cách “kiếm” được cái biên chế. Một phần vì sinh viên sư phạm ra trường khó nhảy sang ngành khác, mặt khác vì nghề giáo ở nông thôn vẫn là nghề được coi là … nghề sang trọng.
Cô Phạm Thị Vinh
Trò chuyện với nhiều giáo viên hợp đồng mới thấy, sự bất mãn của các thầy cô về chế độ lương bổng chỉ có thể là tiếng thở dài ngao ngán và… yên phận. Thực tế cho thấy, giáo viên hợp đồng đang gặp quá nhiều thiệt thòi.
Về thu nhập, giáo viên hợp đồng cũng đảm trách công việc như giáo viên biên chế nhưng mức lương chỉ bằng 1/3 - 1/5, tức là khoảng 300.000 – 600.000 đồng/tháng, không có khoản thu nào khác.
Ngược lại, giáo viên hợp đồng thường hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy, đứng lớp và chủ nhiệm tốt hơn giáo viên biên chế vì họ đang trong giai đoạn phấn đấu. Ngoài ra, lúc nào họ cũng phải “nhấp nhổm” với nỗi lo thi biên chế.
Ngược lại với mong chờ của các giáo viên hợp đồng, chỉ tiêu vào biên chế hàng năm thường không nhiều, vì vậy thi công chức giáo viên trở thành “cuộc chiến không cân sức”. Bà Đinh Thị Nam – cán bộ phòng Nội Vụ huyện Yên Khánh, Ninh Bình cho biết: “Hàng năm, chỉ tiêu biên chế cho giáo viên rót xuống cho các tỉnh, huyện thường rất ít.
Giáo viên hợp đồng thường phải thi tuyển với tỷ lệ “chọi” rất cao nên trượt công chức, viên chức là chuyện rất dễ hiểu. Nhiều giáo viên phải đợi rất lâu để đến đợt tuyển khác. Như đợt tuyển viên chức tới đây, toàn huyện có 9 chỉ tiêu giáo viên tiếng Anh thì sau ngày thứ nhất lượng hồ sơ dự tuyển đã là 54 hồ sơ (tỷ lệ 1 “chọi” 6), giáo viên thể dục 5 chỉ tiêu thì đã có tỷ lệ 1 “chọi” 7 rồi”.
Bà Nam cho biết thêm, mỗi năm số giáo viên các năm trước chưa vào được biên chế tồn lại tính đến hàng trăm mà chỉ tiêu chỉ là một con số, nên việc giáo viên hợp đồng phải bỏ nghề, làm trái nghề hoặc nhiều nghề để sinh nhai là chuyện đương nhiên không thể khác.
GS.Nguyễn Viết Thịnh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội thì cho rằng: Nếu giáo viên hợp đồng phải làm việc nhiều năm trong tình trạng không “tương lai” thì khó có những nhà giáo thực sự tốt. Vì vậy cần có chế độ hợp lý cho lượng giáo viên “nguồn” này để giữ họ với nghề.
Thiên Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.