Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức lên 30%, từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7.
Cụ thể, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Theo tính toán của Bộ Tài chính khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 thì mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%.
Bên cạnh đó, trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành; đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý. Đối với một số bộ, ngành đang đề xuất có chế độ phụ cấp theo nghề, cần tiếp tục làm rõ các yếu tố về chính sách ưu đãi và điều kiện lao động để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc điều chỉnh mức lương cơ sở lên 30% là mức tăng cao nhất từ khi thành lập nước đến nay; góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách gắn với lương cơ sở; đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội; đóng góp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, việc giữ nguyên phụ cấp như hiện nay cũng là để đảm bảo quyền lợi cho công chức, viên chức, người lao động; đặc biệt là với giáo viên và một số ít ngành đang hưởng phụ cấp thâm niên nghề và một số phụ cấp đặc thù khác thì vẫn tiếp tục được hưởng như quy định hiện hành.
Trước thông tin này, nhiều giáo viên bày tỏ vui mừng. Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Nguyễn Thị Ngân Hà, giáo viên Trường Tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cho hay: "Tôi rất vui khi nghe tin sắp tới tăng lương cơ sở lên 30%. Thời gian qua nghe ngóng thông tin, người thì vui vì tăng lương, người thì buồn vì bị giảm khiến giáo viên chúng tôi hoang mang".
"Nhà nước chuẩn bị tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7 tới đây là bước đi cần thiết trong bối cảnh lương giáo viên nhìn chung còn thấp so với mặt bằng chung.
Dù vậy, thầy cô luôn kỳ vọng về cải cách tiền lương thực sự, Nhà nước trả lương theo vị trí việc làm để giáo viên yên tâm công tác. Giáo dục là quốc sách hàng đầu thì thang bảng lương cũng nên điều chỉnh phù hợp với cống hiến của nhà giáo nhằm thu hút người tài, giữ chân giáo viên", cô Nguyễn Thị Hải Hằng Hiệu trưởng Trường THCS Phú Cường, huyện Ba Vì, Hà Nội, bày tỏ.
Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường THCS Tân Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đánh giá: "Lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng là một tín hiệu tích cực cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các ban ngành tới đời sống nhà giáo. Nguyện vọng giáo viên sống được nhờ tiền lương đang từng bước được hiện thực hoá - điều mà nhiều thế hệ nhà giáo luôn trăn trở.
Thời gian qua, nhiều giáo viên đề xuất tăng lương cơ sở và giữ nguyên phụ cấp thâm niên. Các cấp lãnh đạo đã có sự lắng nghe, tiếp nhận kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo và từ đó đưa ra quyết định phù hợp, mang tính công bằng. Chỉ khi được tạo động lực làm việc thì thầy cô mới yên tâm gắn bó với nghề giáo".
Ông Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu quan điểm: "Cải cách tiền lương là việc lớn, cần nhiều thời gian, công sức. Về bản chất, tăng lương chưa phải là cải cách toàn diện tiền lương nhưng tăng lương cơ sở thêm 30% là một bước đi để điều chỉnh tiền lương cho cán bộ viên chức và người lao động sau này. Việc tăng lương lần này nhằm đảm bảo ai cũng được tăng lương, không ai không được điều chỉnh, không bị tụt lương.
Nếu áp tiền lương theo vị trí việc làm ngay, có thể sẽ có những người không được nâng lương phải giữ nguyên mức tiền lương - giữ nguyên mức tiền lương cũng là tụt lương.
Tôi cho rằng ở thời điểm này, việc Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Lý do là bởi chúng ta chưa xác định được vị trí việc làm - đây là công việc rất khó, chưa từng có trong tiền lệ. Vì thế không thể nôn nóng, cần phải có lộ trình phù hợp để cải cách tiền lương trong thời gian tiếp theo".
Ông Lợi cũng cho rằng: "Việc chưa bỏ các khoản phụ cấp hiện thời là hoàn toàn chính xác. Các khoản phụ cấp trước đây đã thành tiền lệ, nếu chưa có căn cứ để điều chỉnh thì dừng điều chỉnh. Trước đây chúng ta có tới 18 khoản phụ cấp, giờ ép xuống 9 loại phụ cấp là chưa đúng, vì thế giữ nguyên các khoản phụ cấp khi nâng lương cơ sở là chính xác. Nếu Chính phủ tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng nhưng lại bỏ khoản phụ cấp đi thì cũng bằng hòa".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.