Lương tăng, năng suất lao động giảm

Thứ sáu, ngày 06/06/2014 06:40 AM (GMT+7)
Đây là ý kiến đáng chú ý tại tọa đàm lần 3 về quan hệ lao động liên quan tới phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu.
Bình luận 0
Chương trình được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức sáng 5.6.

DN thủy sản, dệt may, da giày chịu tác động lớn

Theo tính toán hiện nay, bình quân mức lương tối thiểu vùng đang tăng nhanh đều. Theo đó, mức tăng đạt 9,9% năm 2010 và tăng đột biến tới 30,1% vào năm 2012 và 15,2% (dự kiến) trong năm 2014. Theo VCCI, tốc độ tăng lương tối thiểu vùng ngang bằng với tốc độ tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong giai đoạn 2010-2011 nhưng lại cao gấp 3 lần tăng trưởng CPI kể từ 2012 tới nay.

Năng suất LĐ của Việt Nam từ lâu đã không hề tăng mà còn có xu hướng giảm.
Năng suất LĐ của Việt Nam từ lâu đã không hề tăng mà còn có xu hướng giảm.

Theo một điều tra cỡ lớn tại các doanh nghiệp (DN) của VCCI thời gian gần đây, việc điều chỉnh lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành dệt may, da giày và đặc biệt là thủy sản, bởi đây là nhóm ngành sử dụng nhiều lao động nhất.

“Cần phải đặt vấn đề tăng lương tối thiểu dựa trên bối cảnh chung khi mà các DN sẽ phải đối mặt với những khó khăn do khoản tăng đóng BHXH, thực thi Luật Dạy nghề, tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động… trong thời gian tới. Điều này sẽ khiến chi phí của DN tăng lên” - ông Phillip Hazelton - cố vấn trưởng Dự án Quan hệ lao động của ILO Việt Nam nói.

Bà Vi Thị Hồng Minh – Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho rằng: “Mức độ tăng lương tối thiểu sẽ tác động rất lớn tới mức tăng của các loại phụ cấp và các khoản chế độ chính sách liên quan, do đó khi tăng lương tối thiểu thêm 10% có thể làm tổng quỹ lương mà DN phải chi trả cho người lao động tăng thêm hơn 17%”.

“Mức tăng lương tối thiểu dựa vào 2 chỉ số quan trọng là GDP và CPI. Theo đó, nếu GDP tăng 1% thì lương tăng 0,9%. Như vậy nếu GDP tăng 5% thì mức lương tối thiểu sẽ tăng khoảng 4,5%. GDP này cộng với chỉ số CPI để tính mức lương tối thiểu. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015 cần được cân nhắc ở mức phù hợp vừa đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” - ông Phùng Quang Huy - Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) nói.

Cần cân nhắc ở mức phù hợp

Theo VCCI, mục tiêu điều chỉnh mức lương tối thiểu áp dụng cho năm 2015 cần được cân nhắc ở mức phù hợp, vừa đảm bảo tiền lương thực tế cho người lao động, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Đại diện ILO đề nghị ngoài việc tính toán mức tăng lương tối thiểu vùng dựa trên chỉ số GDP và CPI cũng cần phải tính toán và cung cấp thông tin về thu nhập và mức chi tiêu của lao động và hộ gia đình.

Chính vì vậy, hiện VCCI đang tích cực tìm kiếm số liệu thống kê đáng tin cậy và những phân tích dữ liệu chính xác, tính đến cả các tiêu chí xã hội và có liên quan nhằm phục vụ cho việc thảo luận tại Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Theo bà Vi Thị Hồng Minh, có thể do mức lương tối thiểu của Việt Nam đi lên từ xuất phát điểm quá thấp (30 USD/ tháng) nên năm nào cũng phải tăng lương để chạy theo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, điều đó không phù hợp khi tăng lương không đi đôi với tăng năng suất lao động. Sự thật là năng suất lao động của Việt Nam từ lâu đã không hề tăng mà còn có xu hướng giảm. Nếu mức tăng năng suất lao động năm 2005 - 2007 tăng 5,5%, thì từ năm 2008 đến nay mức tăng này chỉ còn 3,3%.

“Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, lượng việc làm mới tạo ra chưa nhiều, đặc biệt thời gian qua một số sự kiện gây rối khiến hàng nghìn lao động mất việc đang trở thành gánh nặng cho DN và Quỹ BHXH, BHTN thì vấn đề tăng lương tối thiểu vùng càng phải được cân nhắc” – ông Phùng Quang Huy - Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) nói.

Minh Nguyệt (Minh Nguyệt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem