Thu nhập bình quân của lao động ở Hà Nội chỉ 6,5 triệu đồng/tháng
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Hà Nội, năm 2023, trên 90% các doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở tại Hà Nội đã triển khai thực hiện quy định về mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người lao động mới đạt mức 6,5 triệu đồng/người/tháng, vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.Hà Nội cho biết, hiện nay, LĐLĐ Thành phố đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với tổng số 9.200 Công đoàn cơ sở và 700.000 đoàn viên.
Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế trong nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng, giải thể, thu hẹp sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của công nhân lao động. Quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ở một số nơi còn bị vi phạm.
Theo LĐLĐ Thành phố, năm 2023, trên địa bàn Thành phố có hơn 87.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền nợ trên 5.500 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 940.859 người lao động. Trong đó, số nợ đọng của các đơn vị, doanh nghiệp đã đóng cửa, ngừng giao dịch là 1.654,8 tỷ đồng, chiếm 31% tổng số tiền nợ đọng. Đặc biệt, thời gian nợ đọng bảo hiểm xã hội của một số doanh nghiệp kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi, gây bức xúc đối với người lao động.
Thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, theo báo cáo của các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đã có trên 90% các doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở triển khai thực hiện quy định về mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người lao động mới đạt mức 6,5 triệu đồng/người/tháng, vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động.
Khảo sát mới đây (tháng 11/2023) của Viện Công nhân và công đoàn thực hiện trên 3.100 lao động ở nhiều ngành nghề ở 10 tỉnh thành cho thấy, có 21,4% người lao động cho biết mức lương tối thiểu hiện nay và của những năm trước là không có ý nghĩa gì so với tốc độ trượt giá; 26,8% cho rằng mức lương tối thiểu là quá thấp, không phản ánh mức chi trả thực tế của thị trường lao động và 10,1% cho rằng mức lương như hiện nay không tạo ra động lực cho người lao động phấn đấu.
Đáng chú ý, khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cũng cho thấy tiền lương tối thiểu hiện tại chỉ đáp ứng 1/3 hoặc 1/4 chi tiêu của gia đình người lao động; 75,5% người trả lời cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu, trong đó thấp nhất chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu; 52,3% người lao động phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Cải cách tiền lương xóa bỏ ranh giới tiền lương khu vực công và tư
Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, tại cuộc tiếp xúc cử tri Hải Phòng mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho hay, Quốc hội đã “chốt” từ ngày 1/7/2024 cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Ba đối tượng gồm khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khu vực hưu trí, người có công và các đối tượng chính sách xã hội liên quan.
Đối với khu vực doanh nghiệp, để đồng bộ với cải cách tiền lương khu vực công sẽ có các giải pháp thực hiện thống nhất từ ngày 1/7/2024. Theo đó, Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp, nhưng Nhà nước có trách nhiệm đưa “bàn tay” của mình để đảm bảo mức lương tối thiểu làm căn cứ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động thương thảo, không thấp hơn mức lương tối thiểu này. Cùng với đó, Hội đồng lương Quốc gia cũng đã thống nhất đề xuất với Chính phủ sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng khoảng 6% trong năm 2024.
Nếu Chính phủ quyết định mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là 6% thì mức tăng cụ thể sẽ là từ: 200-280 nghìn đồng/tháng, tùy từng vùng.
Cụ thể, vùng 1, tăng lên 4.960 nghìn đồng (tăng 280 nghìn đồng); vùng II, tăng lên 4.410 nghìn đồng (tăng 250 nghìn đồng); vùng II tăng lên 3.860 nghìn đồng (tăng thêm 220 nghìn đồng); vùng IV tăng lên 3.450 nghìn đồng (tăng thêm 200 nghìn đồng).
Tương tự tiền lương tối thiểu vùng theo giờ cũng tăng lên. Cụ thể: Vùng I tăng thêm 4.680 đồng; vùng II là 4.160 đồng; vùng III là 3.640 đồng; vùng IV là 3.250 đồng.
Bình luận về vấn đề này, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, lương tối thiểu vùng có thể tăng nhưng thu nhập của lao động sẽ không tăng, bởi thực tế tiền lương thực trả mà các doanh nghiệp trả cho người lao động đang cao hơn mức này. Chỉ một bộ phận doanh nghiệp đang trả thấp hơn mức này mới phải điều chỉnh. Tuy nhiên, dù tăng lương tối thiểu vùng thì với thu nhập bình quân vào khoảng 6,5 triệu đồng/người (cao hơn gần 1,5 triệu đồng) như tại Hà Nội thì lao động vẫn không đủ sống, không đủ nuôi con cái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.