Thoát khỏi cái bóng trào lưu phim làm lại
Hiện điện ảnh Hollywood đang sa đà vào trào lưu của những bộ phim remake (làm lại), reboot (tái khởi động), sequel (phần tiếp theo) hay prequel (tiền truyện).
Mad Max vẫn tiếp tục chứng tỏ sức "khủng" trường tồn sau 3 thập kỷ.
Những tác phẩm này đều dựa trên thương hiệu có sẵn nhằm thu hút sự quan tâm của người hâm mộ. Thế nhưng, cách làm được coi là “ăn sổi ở thì” này thường khiến khán giả cảm thấy ngao ngán bởi phần sau bao giờ cũng dở hơn phần trước.
Ngay cả thương hiệu Star Wars cũng không tránh khỏi số phận nghiệt ngã khi George Lucas thực hiện ba phần tiền truyện đều thất thu và khiến những “mọt phim” của siêu phẩm này thất vọng.
Với Mad Max: Furry Road/Max Điên 3D lần này lại khác. Đây là phần phim nối tiếp bộ ba bom tấn ra đời từ hơn ba thập niên, gồm những tên tuổi như Mad Max (1979), Mad Max 2 (1981) và Mad Max Beyond Thunderdome (1985).
Theo đó, phần đầu tiên thành công vang dội nhất, đã được ghi vào lịch sử điện ảnh thế giới như một trong những bộ phim có chất lượng và có lợi nhuận cao nhất mọi thời đại. Phần này có tên trong kỷ lục Guinness cho tác phẩm điện ảnh có lãi nhất trong thập kỷ bởi phim đầu tư 400 nghìn đô la Úc (gần 6 tỉ đồng) và mang về 5,3 triệu đô la Úc (gần 91 tỉ đồng).
Các phần tiếp theo tiếp tục được các nhà phê bình tung hô và ngợi khen hết lời, được đánh giá là những bom tấn hay nhất và đáng xem nhất ở thời kỳ đó.
Bộ phim lấy bối cảnh thế giới thời kỳ hậu tận thế. Nhiều cuộc chiến tranh hạt nhân đã hủy hoại trái đất và biến địa cầu thành một hoang mạc khổng lồ, nền văn minh nhân loại gần như bị xóa sổ. Những người còn sống sót tập trung lại thành các bộ lạc hoang dã.
Tại đây, loài người sẵn sàng giết chóc vì nguồn nước, thức ăn và xăng dầu. Phim mở đầu bằng sự kiện nhân vật Max Điên bị bộ lạc của Joe Bất tử cầm tù, trong lúc nữ chiến binh Furiosa tìm cách chạy trốn khỏi tên bạo chúa. Max Điên may mắn trốn khỏi vùng đất của Joe bất tử để đi tìm miền đất xanh, trên đường trốn chạy anh đã cứu giúp nhiều người cùng hoàn cảnh và chống trả lại cả đội quân hung bạo.
Cả thế giới ngả mũ
Sau khi Max Điên 3D được công chiếu, giới phê bình ngợi khen đây là một tác phẩm điện ảnh bom tấn hành động mẫu mực trong thời buổi Hollywood đang rệu rã và cạn kiệt đề tài. Điều này thực sự là một bất ngờ lớn đối với những người từng hoài khi vào sự tái xuất của Max Điên.
Poster của Max Điên tại Việt Nam.
Bộ phim không chỉ càn quét các rạp chiếu toàn cầu và thành công vang dội về khía cạnh thương mại. Khán giả hâm mộ trên trang Rotten Tomatoes không ngần ngại chấm 9/10 điểm cho phim, được đánh giá tích cực 97% và 35 bài bình luận. Cây viết Robbie Collin của tờ The Daily Telegraph đã cho bộ phim đầy đủ năm sao và ca ngợi diễn xuất, kịch bản, hành động, sự hài hước và gọi bộ phim là "phần tiếp theo thần thánh" và "phun trào của những sự điên loạn”.
Trong khi đó, ký giả Scott Mendelson của tạp chí Forbes cũng chấm điểm bộ phim 10/10 kèm lời đánh giá đầy thiện cảm: "Max Điên là một phim hành động phi thường và đặc biệt xuất sắc, không chỉ là một trong những bộ phim hành động tuyệt vời của thời đại chúng ta mà còn là một bộ phim hợp thời nhất trong giai đoạn hiện nay".
Một cảnh trong phim.
Mad Điên còn cho thấy khả năng đáng gờm của nhiều đối thủ nặng ký khác ở nhiều giải thưởng điện ảnh danh giá thế giới. Trước đó, tác phẩm từng lọt Top 10 phim hay nhất 2015 do Viện phim Mỹ (AFI) bình chọn.
Phim còn nằm trong top 3 phim hay nhất năm 2015 do IMDb bình chọn dựa trên sự quan tâm của khán giả, đứng đầu danh sách phim hay nhất năm trên The New York Times, được National Board of Review bình chọn là Bộ phim xuất sắc nhất năm.
Tại các lễ trao giải, Max Điên cũng là cái tên ầm ĩ nhất tại Critics’ Choice Award với 13 đề cử, trong đó 2 diễn viên chính là Charlize Theron và Tom Hardy “ẵm” hai đề cử danh giá cùng các hạng mục quan trọng khác như Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc (George Miller), Hiệu ứng hành động xuất sắc, Phim hành động xuất sắc… Tổng cộng bộ phim đã giành 9/10 đề cử.
Vợ chồng Miller tại Oscar và khoảnh khắc bà xã Margaret Sixel nhận giải cho Biên kịch phim xuất sắc.
Thiết kế sản xuất Colin Gibson (áo vest) cùng Lisa Thompson (ảnh trái) nhận giải Thiết kế và Jenny Beavan (phải) giải Thiết kế trang phục.
Còn tại Oscar lần thứ 88 năm nay, Mad Max: Fury Road có tới 10 đề cử và thắng đậm với 6 tượng vàng gồm Giải Biên tập xuất sắc (Margaret Sixel), giải Thiết kế sản xuất (Colin Gibson và Lisa Thompson), Làm tóc và trang điểm (Lesley Vanderwalt, Elka Wardega và Damien Martin),Thiết kế trang phục (Jenny Beavan), Biên tập phim xuất sắc nhất, Biên tập âm thanh xuất sắc nhất và Hòa âm âm thanh xuất sắc nhất.
“Cơn lốc hành động” kinh điển
Đầu tiên là thế giới kỳ lạ mà Fury Road tạo ra. Tất cả chỉ là những hoang mạc chạy dài tưởng như đến vô tận. Song, đạo diễn George Miller biến sự cằn cỗi và chết chóc trở nên đẹp kỳ lạ. Thay vì quê nhà Australia như kế hoạch ban đầu, ông thực hiện hầu hết bộ phim tại các sa mạc của đất nước Namibia nằm ở phía Tây Nam châu Phi.
Tom Hardy trong phim.
Thế giới và các nhân vật của Max Điên vốn dị thường từ các tập phim trước những ở phần phim mới lại là sự nâng cấp ở mức độ cao hơn. Các bộ lạc man rợ dù vẫn sử dụng xe máy, ôtô nhưng đã được chế lại thành những cỗ máy chiến hầm hố chết người và tàn bạo nhất.
Đạo diễn George Miller từng nói rằng, ông thực hiện bộ phim với tư tưởng cả bộ phim là một cảnh hành động dài hơi.
Thực tế, bộ phim cũng đã cho thấy, có đến 80% thời lượng phim là những cuộc truy đuổi không ngừng nghỉ. Ngay khi phim mở màn đã khiến người xem dù muốn đi té vẫn cố nhịn để không lỡ một cảnh hành động gay cấn, những pha cháy nổ và va chạm dữ dội diễn ra liên tục trên màn ảnh.
George Miller (trái) chỉ đạo diễn xuất.
Đây chính là lý do khiến Mad Điên được ca ngợi là “cơn lốc hành động” với những cảnh rượt đuổi ngoạn mục, các pha đâm xe, cháy nổ, những cảnh hành động cân não, thót tim, những pha nhào lộn dữ dội và khốc liệt. Tất cả những nhân vật trong phim, bao gồm nam và nữ chính đều là những con người hành động và hành động.
Điều khiến Mad Điên trở nên tuyệt vời là các pha hành động diễn ra không bị rối mắt. Đội ngũ biên tập hình ảnh đã hoà trộn tinh tế giữa thực tế và công nghệ CGI của Jason Ballantine và Margaret Sixel dù Miller hạn chế sử dụng kỹ xảo máy tính. Ông chủ trương thực hiện toàn bộ các pha hành động bằng đồ thật và diễn viên đóng thế. Cũng bởi vậy, hàng loạt phương tiện thiết kế riêng cho phim đều trở thành “sắt vụn” sau khi tác phẩm đóng máy.
Hình ảnh hậu trường.
Tuy nói là hạn chế nhưng đạo diễn U80 còn vận dụng đến 2.000 cảnh quay cần đến sự can thiệp của CGI vào bối cảnh xung quanh và hiệu ứng cháy nổ, ê-kíp không muốn đi ngược lại các quy tắc vật lý, nên toàn bộ các cảnh hành động tạo dựng tỉ mỉ. Chính vì vậy, khi xem phim, người xem sẽ được chứng kiến những màn hành động thật hơn bất kỳ điều gì. George Miller so sánh Max Điên giống như sự pha trộn giữa “một buổi biểu diễn nhạc rock máu lửa và một vở opera.
Những cảnh hành động trong Max Điên từng được một trang báo chuyên phim ảnh bình chọn là cảnh quay đẹp nhất của năm 2015.
Đội ngũ “siêu nhân” của Hollywood
Bên cạnh đó, George Miller đã thuyết nhà quay phim lừng danh John Seale đã giải nghệ trước đó trở lại phim trường. Nhà quay phim 70 tuổi từng mạo hiểm leo lên đỉnh chiếc xe tải War Rig chỉ đạo diễn xuất. Những hình ảnh qua góc máy tài tình của nhà quay phim gạo cội này luôn có một giá trị và sức hút đặc biệt hơn cả chính nó.
John Seale (trái) trên trường quay.
Sealer đã sử dụng hơn 20 máy quay các loại để ghi lại diễn biến trên trường quay để chọn ra những góc quay ưng ý nhất để “may vá” và cho ra đời một “trang phục” hoàn chính đồ sộ, mãn nhãn người xem.
Seale lại được nhà thiết kế sản xuất Colin Gibson, người được một đề cử BAFTA cho The Adventures of Priscilla, Queen of the Desert (1994) và nhà thiết kế trang phục Jenny Beavan, chủ nhân một Oscar và 8 đề cử khác hỗ trợ với tầm nhìn của những con người vĩ đại ở Hollywood.
Tạo hình Immortan Joe là thành công của đội ngũ hóa trang.
Cả Gibson và Beavan đã cùng đội ngũ hoá trang và trang điểm, đã khiến người xem ấn tượng với từng chi tiết nhỏ nhất trong phim. Chỉ riêng tạo hình của Immortan Joe (Hugh Keays-Byrne) cũng xứng đáng được nhận một giải thưởng riêng.
Thành công của Mad Điên còn đến từ đội ngũ sản xuất âm thanh khi toàn bộ khâu này được phối và kết hợp một cách hoàn hảo qua bàn tay “ma thuật” của Junkie XL, người từng hợp tác với Hans Zimmer đảm trách phần nhạc phim trong The Dark Knight Rises và Inception.
Mark Mangini (trái) và David White nhận giải cho Hòa âm xuất sắc.
Tuy vậy, công lớn nhất giúp mang lại “cơn mưa tượng vàng Oscar” cho phim chính là người vị tổng chỉ huy trưởng – đạo diễnGeorge Miller. Chính vị đạo diễn người Úc đã 14 năm “thai nghén” bộ phim từ một ý tưởng trên chuyến bay, sau đó là 3.500 bản vẽ trên giấy trước khi cho ra một kịch bản hoàn thiện.
Chưa hết, Miller đã “vung” 150 triệu USD cùng hơn 8 tháng quay phim tại những cồn cát khổng lồ Namibia và những hoang mạc mênh mông ở Australia, để cuối cùng một siêu phẩm 114 phút được mong chờ nhất cũng ra rạp trên công sức của 480 giờ miệt mài lao động.
George Miller, người tổng chỉ huy của Max Điên.
Max Điên từng được coi là một trong những biểu tượng của phim hành động thời đại mới. Đến nay có thể coi bộ phim chính là biểu tượng mang tính huyền thoại của dòng phim hành động hiện đại.
Sau 20 năm ngủ yên, người hâm mộ lại thấy sự tái xuất ngoạn mục của Mad Điên trên màn ảnh rộng, không phải làm lại, mà là tiếp nối câu chuyện trong thế giới hậu tận thế của nhân vật Max điên, cùng sức nóng mãnh liệt “điên nhất”, “độc nhất” và “đỉnh nhất”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.