Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Không giống như vụ máy bay Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi vào tháng 11.2015, thổi bùng lên căng thẳng giữa Moscow và Ankara một thời gian, các nhà lãnh đạo Nga và Israel đã tìm cách xoa dịu sự việc trinh sát cơ Nga Il-20 bị bắn hạ trong một cuộc không kích của Israel vào Syria tối 17.9.
Trước đó, Nga đã cáo buộc tiêm kích F-16 của Israel cố tình dùng chiến thuật "núp bóng" để gài bẫy trinh sát cơ Nga khi không kích mục tiêu ở Syria, khiến chiếc Il-20 rơi vào tầm ngắm của tên lửa phòng không S-200 Syria và bị bắn hạ.
Phía Israel thì khăng khăng đổ lỗi cho phòng không Syria và nhấn mạnh rằng, F-16 đã trở lại không phận Israelrồi trinh sát cơ Nga mới bị bắn hạ đồng thời họ đã cảnh báo trước với Nga về cuộc không kích vào các mục tiêu ở Syria.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng, Israel chỉ thông báo về vụ không kích 1 phút trước khi khai hỏa.
Theo BBC, người Nga rõ ràng đã tức giận. Họ đã mất một chiếc máy bay và phi hành đoàn 15 người. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố với người đồng cấp Israel Avigdor Lieberman rằng, Israel "phải chịu trách nhiệm hoàn toàn" cho vụ việc và rằng Nga có quyền trả đũa, nhiều người đã quan ngại căng thẳng giữa 2 nước sẽ bùng lên.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã nhanh chóng lên tiếng xóa tan quan ngại trên với tuyên bố rằng, vụ việc là "một chuỗi các tình huống bi thảm, ngẫu nhiên" - động thái phản ánh việc nhà lãnh đạo Nga không muốn biến vụ việc thành một tình huống căng thẳng với Israel.
Theo bình luận viên Tom Rogan của Washington Examiner, về mặt chiến thuật, ông Putin hiểu rất rõ rằng Israel không phải là bên duy nhất có lỗi trong vụ Il-20 bị bắn rơi và vụ việc cho thấy Nga còn rất nhiều việc phải làm để củng cố năng lực phòng không cho đồng minh Syria.
Theo các chuyên gia phân tích, rõ ràng khả năng nhận diện kẻ thù và đồng minh của các chỉ huy tên lửa Syria còn nhiều hạn chế, dẫn đến quyết định sai lầm. Đáng lẽ khi nhận thấy đốm sáng chỉ thị mục tiêu trên màn hình radar lớn bất thường, chỉ huy khẩu đội phải nhận ra đây không phải là tiêm kích F-16, vốn có tiết diện radar nhỏ hơn nhiều. Tuy nhiên, quả tên lửa S-200 vẫn rời bệ phóng và lao thẳng vào chiếc Il-20 Nga.
Hơn nữa Israel và Nga vốn duy trì mối quan hệ chặt chẽ đáng kể và nhà lãnh đạo của hai nước cũng có mối thân tình đặc biệt. Hồi tháng 5, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới Moscow đã tới dự lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga trong khi các lãnh đạo phương Tây đều khước từ lời mời từ Điện Kremlin.
Vì mối quan hệ tối đẹp, Moscow lâu nay cũng không can thiệp vào các hoạt động quân sự của Tev Avil ở Syria dù các máy bay Israel nhiều lần không kích các mục tiêu của các lực lượng Syria mà Nga đang dốc sức hậu thuẫn.
Tổng thống Nga cũng biết rõ rằng Israel có mục tiêu chiến lược là ngăn chặn Iran củng cố lực lượng và hiện diện quân sự lâu dài trên lãnh thổ Syria. Để chống lại mối đe dọa từ Iran, Israel không còn cách nào khác ngoài việc thu thập thông tin tình báo và tiến hành các cuộc không kích trên lãnh thổ Syria.
Nga vốn đã chấp nhận các lợi ích chiến lược của Israel ở Trung Đông và theo đó, giới phân tích nhận định, ông Putinsẽ không đánh đổi mối quan hệ mang tính chiến lược này để gây căng thẳng với Tel Aviv sau sự cố. Moscow rõ ràng không muốn mạo hiểm xen vào giữa "cuộc chiến ngầm" tranh giành ảnh hưởng đang diễn ra giữa Israel và Iran.
"Nga sẽ không cản trở hoạt động của Israel ngằm ngăn chặn sự bành trướng của Iran ở Syria, bởi họ biết rằng đây là yếu tố mang tính sống còn với Tel Aviv", Jonathan Spyer, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Jerusalem, nói. "Moscow đang tìm cách làm bạn với tất cả, với Assad, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và cả người Kurd, dù điều này có thể gây rắc rối với họ".
Ngoài ra, việc Tel Aviv nhanh chóng giải thích bằng sự nhún nhường, bày tỏ sự hối tiếc khi 15 sĩ quan Nga thiệt mạng ngay sau khi Il-20 bị bắn rơi dường như cũng là một phần lý do khiến Putin dịu giọng, không muốn làm căng với Israel.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.