Lý do vợ chủ tịch UBND tỉnh 'lọt lưới' vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang

Anh Phương (tổng hợp) Thứ hai, ngày 21/10/2019 22:07 PM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Nga (đảng viên, chuyên viên Sở Tài chính , vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang) nhắn tin xin nâng điểm cho người thân nhưng không nằm trong danh sách cán bộ bị xử lý. Cơ quan chức năng tỉnh vừa cho biết nguyên dân là do "trước đây chưa phát hiện ra”.
Bình luận 0

Theo báo Thanh Niên, ngày 21.10, một cán bộ có trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết đã nắm được việc bà Nguyễn Thị Nga, vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhắn tin xin nâng điểm cho người thân. Theo quy định, bà Nga là đảng viên nên việc “nhắn tin xin nâng điểm” nêu trên là vi phạm vào những điều đảng viên không được làm nên phải kiểm điểm và tùy theo mức độ, tính chất mà bị xử lý kỷ luật.

“Trường hợp bà Nga không nằm trong danh sách 151 cán bộ đảng viên liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT năm 2018 bị xử lý mà tỉnh đã công bố là do trước đây chưa phát hiện ra”, vị này giải thích và cho biết, mới đây, khi cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang tổ chức kiểm điểm đối với bị cáo Triệu Thị Chính, cựu Phó đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Giang, thì mới phát hiện ra trường hợp bà Nguyễn Thị Nga.

“Đây được coi là tình tiết mới và chúng tôi sẽ bổ sung vào để xử lý cùng với danh sách mà tỉnh đã xử lý”, vị cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho hay.

Trước đó, tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT 2018 tại tỉnh Hà Giang vừa qua, Viện KSND tỉnh Hà Giang đã công bố hàng loạt tin nhắn từ phụ huynh, người nhà thí sinh gửi đến máy điện thoại cá nhân của bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT, nhờ giúp đỡ. Một trong những người nhiều lần nhắn tin cho bị cáo Chính có tên là Nga, Sở Tài chính. Cụ thể, chiều 29.6.2018, bà Nga sử dụng số điện thoại có 3 số cuối 888 nhắn: “Bạn à, mình là Nga ở Sở Tài chính, mình có đứa cháu vừa thi 12. Bạn giúp mình với nhé”.

img

Bị cáo Triệu Thị Chính. Ảnh: Infonet

Tin nhắn tiếp theo của bà Nga gửi là tên, số báo danh, phòng thi, môn thi của thí sinh, số chứng minh thư... Tiếp đó, chiều cùng ngày, bà Nga nhắn: “Bạn thông cảm nhé mình biết đang chấm thi căng thẳng nên không dám gọi điện, chỉ dám nhắn tin. Cảm ơn bạn nhiều”. Sau đó bị cáo Triệu Thị Chính nhắn lại: “Hôm nay em mới đọc tin nhắn. Vâng chị ơi em đang làm thi, tối cũng phải ăn cơm cùng đoàn thanh tra Bộ... Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận. Khó khăn lắm chị ạ. Thương các cháu Hà Giang mình. Nhưng quy chế chặt, thanh tra giám sát liên tục, lại chấm bằng máy nữa... có gì chị thông cảm cho em nhé”. Đến 8 giờ 54 phút ngày 1.7.2018, bà Nga tiếp tục gửi tin: “Chị cám ơn nhé. Em cứ xem xét, giúp được đến đâu hay đến đó. Chị biết mà” và bị cáo Chính nhắn trả lời: “Dạ em cảm ơn chị. Em sẽ cố gắng trong khả năng”.

Cơ quan công tố tỉnh Hà Giang khẳng định, các tin nhắn đến và đi nêu trên được cung cấp bởi Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) và được giám định bởi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thể hiện rõ là “nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm”. Theo thông tin của Viện KSND tỉnh Hà Giang, bà Nga là người đầu tiên và cũng là người nhắn tin nhiều nhất đến số điện thoại của bị cáo Chính nhờ giúp đỡ.

Tuy nhiên, dù có trong hồ sơ tố tụng, nhưng người tên là “bà Nga” không nằm trong danh sách hàng trăm người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được TAND tỉnh Hà Giang triệu tập phục vụ phiên xét xử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem