Lý Liên Anh và con đường trở thành thái giám quyền lực, giàu có nhất triều Thanh

PV Thứ hai, ngày 26/02/2024 22:14 PM (GMT+7)
Theo đánh giá của sử sách Trung Quốc, Lý Liên Anh là người quyền lực nhất, giàu có bậc nhất và thời gian lộng hành dài nhất trong các thái giám của triều Thanh.
Bình luận 0

Lý Liên Anh và con đường trở thành thái giám quyền lực, giàu có nhất triều Thanh

Lý Liên Anh (1848-1911) tên thật là Lý Tiến Hỉ, từ năm 9 tuổi đã nhập cung làm thái giám và phụng sự hậu cung Thanh triều suốt 4 đời vua (từ thời Hàm Phong đến đời Phổ Nghi). Ông là cánh tay phải đắc lực của Từ Hi Thái hậu và đã theo hầu hạ bà suốt 50 năm trời. Chỉ sau khi Từ Hy qua đời, Lý Liên Anh mới rời chốn hoàng cung sống mai danh ẩn tích và qua đời một cách lặng lẽ.

Theo đánh giá của sử sách Trung Quốc, đại thái giám này là người quyền lực nhất, giàu có bậc nhất và thời gian lộng hành dài nhất trong các thái giám của triều Thanh. Cuộc đời Lý Liên Anh để lại cho hậu thế đầy rẫy những câu chuyện nghi hoặc. Không ai tỏ tường phát tích của ông, càng không đếm xuể số gia sản thực sự mà vị thái giám này sở hữu. Riêng cái chết của Lý Liên Anh vẫn còn là ẩn số với hậu thế.

11 hoạn quan quyền lực và

Lý Liên Anh (khoanh tròn bên phải). Ảnh: Sohu.

Vào cung từ rất sớm, Lý Liên Anh nhanh chóng trở thành sủng thần của Từ Hi thái hậu nhờ xảo kế "cứu chúa". Tương truyền, vua Hàm Phong tiên liệu Từ Hi sẽ trở thành tai họa cho triều đình nhà Thanh về sau, nên trước lúc băng hà, ông để lại di chúc bảo phải giết đi. Lý Liên Anh bèn bẩm báo việc này với Từ Hi rồi cùng bà bàn mưu hủy di chúc. Từ đó, ông trở thành "cánh tay phải" của Thái hậu.

Vì Lý Liên Anh rất thạo việc, nên dù đổi tới vài đời thái giám thân cận, Từ Hi thái hậu vẫn không một lần rũ bỏ ông. Theo ghi chép của "Vãn Thanh cung đình sinh hoạt kiến văn", ba bữa cơm mỗi ngày của Từ Hi đều do đại thái giám Lý Liên Anh phục vụ. Ông luôn là người nếm trước hương vị của từng món rồi chọn ra những thực phẩm hợp khẩu vị để Từ Hi thưởng thức. Khi thái hậu buồn bực, Lý Liên Anh đích thân tháp tùng bà ra ngoài đi dạo, thậm chí trò chuyện tới tận đêm khuya. Hoạn quan này luôn tỏ rõ là kẻ thông minh và chịu nghe lời. Ông nghĩ trăm phương ngàn kế để chủ nhân được thỏa lòng.

Theo nhiều tài liệu, khi thao túng quyền lực, Lý Liên Anh ngang nhiên ức hiếp cả Quang Tự hoàng đế. Sau vụ Mậu Tuất chính biến, vị vua này bị tống vào ngục, phải chịu cảnh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, phần nhiều là do chủ ý của đại thái giám này. Thậm chí, có quan điểm cho rằng, chính Lý Liên Anh là kẻ đẩy Trân phi - vợ yêu của Quang Tự - xuống giếng.

Vì đã phụng sự hậu cung nhà Thanh qua 4 đời vua, lại là thân tín đắc lực của Từ Hi Thái hậu, vậy nên cũng có thể coi Lý Liên Anh là "nguyên lão tứ triều". Từng đảm nhiệm Đại Tổng quản nội cung, chức vị của Lý Liên Anh cũng không phải chỉ là hư danh. Sinh thời, vị thái giám nổi tiếng "lắm mưu nhiều kế" vốn có năng khiếu thiên bẩm trong việc quản lý mọi việc chốn hậu cung.

Đặc biệt, việc bài trí vật phẩm cũng như thứ tự chuẩn bị lễ vật luôn được thái giám họ Lý ấy nằm lòng. Những hoạn quan khác mỗi khi gặp phải việc gì khó khăn vẫn thường phải nhờ đến sự chỉ giáo của Lý Tổng quản. Những dịp trong hậu cung có việc lớn, tài năng của Lý Liên Anh lại có "đất dụng võ". Nhờ vậy mà mọi bữa tiệc trong hậu cung được an bài dưới bàn tay ông đều diễn ra một cách thuận lợi.

Trong suốt những năm phục tùng Từ Hi, Lý Liên Anh luôn biết tận dụng thời cơ và mưu trí hơn người để tích cóp gia tài. Tuy nhiên, sự thực về số tài sản của đại thái giám lại không được ghi chép chính xác trong sử sách bấy giờ. Có lời đồn, Lý Liên Anh từng nhận 20 vạn lượng bạc hối lộ của Viên Thế Khải. Thậm chí, trong những năm cuối thời vua Quang Tự, chỉ tính riêng số bạc của Lý tại chốn kinh thành đã lên tới hơn 1.600 vạn lượng. Ngoài ra, hoạn quan này cũng tích trữ vô vàn địa sản và châu báu ngọc ngà.

Tháng 10 năm 1908, Quang Tự Đế và Từ Hi thái hậu lần lượt qua đời. Lý Liên Anh cảm thấy mất đi chỗ dựa vững chắc, cộng thêm tuổi già sức yếu nên đã chủ động rút lui, nhường lại địa vị Tổng quản thái giám cho Tiểu Đức Trương. Tương truyền rằng, trước khi rời cung, Lý Liên Anh còn làm một việc vô cùng thức thời. Ông đã đem những trân bảo năm xưa Từ Hi ban thưởng cho mình để dâng tặng cho Long Dụ thái hậu.

Khi ấy, Lý Liên Anh thưa rằng:

"Đây vốn là đồ của hoàng gia, không nên truyền vào dân gian, nô tài thay hoàng thất cẩn thận giữ gìn mấy thập niên, giờ đây tuổi già sức yếu, cũng nên rời cung đình, nguyện đem tất cả những vật này gửi lại cho chủ tử".

Việc làm ấy khiến Long Dụ hết sức hài lòng. Cũng nhờ vậy mà sau khi Lý Liên Anh qua đời, vị Thái hậu này còn theo quy chế dành cho đại thần, phát cho nhà ông 2000 lượng bạc làm chi phí lo mai táng.

Được biết, sau khi trở về cố hương, Lý Liên Anh ngày đêm ăn chay niệm Phật, không màng thế sự. Trước khi qua đời, Lý Liên Anh đã để lại toàn bộ tài sản của mình cho người thân. Tất cả số ruộng đất ông từng sở hữu được chia làm 5 phần cho 5 huynh đệ, ước chừng khoảng 370 mảnh. Tiền bạc, ngân phiếu chia làm 7 phần, ngoài 5 người anh em trai còn có phần của 2 người em gái. Tương truyền rằng, hai em gái của Lý Liên Anh mỗi người được thừa hưởng 17 vạn lượng bạc, ngoài ra còn có 7 hộp trang sức đựng đầy châu báu.

Trong thời kỳ ẩn cư, Lý Liên Anh từng nhiều lần nhắc nhở cháu trai của mình rằng: "Tiền tài nhiều thì họa cũng lớn". Chỉ tiếc người cháu của ông chẳng để trong lòng, hoang phí bạt mạng. Sống trong hoàng cung đã mấy chục năm, thái giám họ Lý khó tránh khỏi bị cuốn vào vòng xoáy quyền lực khốc liệt ở nơi này, tham quyền, nhận hối lộ cũng là điều khó tránh. Dù vậy, vị Tổng quản này vẫn giữ những nguyên tắc làm người ít nhiều đáng khen ngợi. Điều này đủ để thấy ông vốn không phải là người bị tiền tài và quyền lực làm cho mờ mắt.

Lý Liên Anh cả đời cúc cung tận tụy cho hoàng cung Thanh triều. Năm 1911, ông qua đời ở tuổi 63. Trùng hợp thay, năm ấy cũng chính là cột mốc đánh dấu sự tuyệt diệt của Đại Thanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem