Ma Văn Kháng - “Kẻ khuấy động” văn đàn

Thứ tư, ngày 25/01/2012 07:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tâm sự về nghề văn, Ma Văn Kháng cho rằng: Viết văn là một công việc quá khó khăn, ở ngoài sự cố gắng, ở trên sức người..., hễ cứ cầm bút viết là lại thấy bồi hồi, run rẩy như trẻ nhỏ tập đi những bước đầu...
Bình luận 0

Nhà văn Ma Văn Kháng có một truyện ngắn nổi tiếng được nhiều người yêu thích: “Seo Ly, kẻ khuấy động tình trường”. Trong truyện, nhan sắc, hương thơm và vẻ đặc biệt ma mị của Seo Ly đã toả ra một từ trường có sức hút ghê gớm, làm náo loạn thế giới đàn ông ở bất cứ nơi nào nàng đặt chân đến. Và tôi muốn mượn tên truyện này để nói về ông.

Người đã đem đến cho văn đàn Việt Nam mấy chục năm qua những dấu ấn đậm nét. Nhiều tác phẩm của ông ngay khi ra đời đã có tiếng vang trong đời sống văn chương và ít bị hao hụt theo thời gian bởi tính nhân văn sâu sắc.

img
Hí họa của Nguyễn Xuân Hoàng

Sự nghiệp sáng tạo của Ma Văn Kháng đã phả ra một trường lực hấp dẫn và nhất quán, bởi giọng điệu riêng ẩn chứa vô vàn những lớp sóng ngầm và một thứ ngôn ngữ nghệ thuật tinh tế. Nếu muốn tìm đến sự phong phú của ngôn ngữ tiếp cận được với đời sống đương đại cần phải đọc Ma Văn Kháng. Dẫu là quen hoặc lạ, chữ nghĩa khi đã qua tay ông là cứ ánh chói lên cái nội lực bên trong của nó.

Đọc Ma Văn Kháng từ lâu, nhưng lần đầu tiên tôi được nhìn thấy ông là tại một cuộc họp ở Viện Văn học vào đầu những năm 1980. Khi đó tôi mới về làm việc ở đây. Cuộc họp hôm đó được tổ chức để thảo luận về cuốn tiểu thuyết “Mưa mùa hạ” của ông. Cuốn sách in xong năm 1982 nhưng chưa được phát hành vì bị cho là “có vấn đề”. Vấn đề - tức là chuyện động đến sự an toàn của xã hội. Tức là khơi quá đậm các mặt tiêu cực khiến cho độc giả nghi ngờ về sự tốt đẹp của chế độ.

Ban đầu cuộc hội thảo khá căng thẳng. Ông ngồi nghe mọi người phát biểu với vẻ điềm đạm. Sau đó thì mọi vướng mắc được giải toả. Phần lớn các ý kiến cho rằng đó là một cuốn sách tốt ở thời điểm đó: Không tránh né những mặt bê bối của hiện thực, dám khẳng định những mặt tích cực; và cho thấy cuộc chiến diễn ra còn rất gian khổ.

img
Nhà văn Ma Văn Kháng.

Nhiều năm sau nhìn lại mới thấy “Mưa mùa hạ”, chính là sự mở đầu cho một chặng đường mới của Ma Văn Kháng - gồm cả tiểu thuyết và truyện ngắn, đó là “Mùa lá rụng trong vườn” (1985), “Ngày đẹp trời” (1986), “Trái chín mùa thu” (1988), rồi “Côi cút giữa cảnh đời” (1989) và “Đám cưới không có giấy giá thú” (1989). Đó là những tác phẩm đã đưa ông vào đội ngũ mấy gương mặt tiêu biểu đóng vai trò mở đường cho công cuộc đổi mới văn học chính thức mở ra từ nửa cuối những năm tám mươi (thế kỷ XX).

Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Ma Văn Kháng đã xuất bản 25 tập truyện ngắn, 15 tiểu thuyết và cuốn hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương”. Trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại, Ma Văn Kháng là một trường hợp điển hình ở nhiều phương diện: Đạt được thành tựu ở cả hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết; có những sáng tác đặc sắc ở cả hai mảng đề tài miền núi và đô thị; là nhà văn khắc họa thành công nhân vật người trí thức trong dòng chảy văn học sau 1975.

Ông được người đọc nhớ đến bằng nhiều tác phẩm nổi tiếng như: “Trăng soi sân nhỏ”, “Móng vuốt của thời gian”, “Một chiều dông gió”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, “Chó Bi, đời lưu lạc”, “Ngược dòng nước lũ”, “Một mình một ngựa”… Ông cũng là nhà văn đã giành được hàng chục giải thưởng văn học trong đó có những giải thưởng cao quý như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

“Viết văn là một công việc quá khó khăn, ở ngoài sự cố gắng, ở trên sức người...”.

Tâm sự về nghề văn, Ma Văn Kháng cho rằng: “Viết văn là một công việc quá khó khăn, ở ngoài sự cố gắng, ở trên sức người. Từ truyện ngắn “Phố Cụt” đầu tay in trên tờ Văn học tháng 3.1961 tới nay đã mấy chục năm trong nghề, vậy mà bây giờ, hễ cứ cầm bút viết là lại thấy bồi hồi, run rẩy như trẻ nhỏ tập đi những bước đầu; thật hoang mang và lo sợ”.

Như vậy mới thấy rằng trong rất nhiều thứ lao động trên đời thì dường như không có lao động nào “khổ sai” bằng lao động nhà văn. Quả tim ông sau 50 năm cầm bút với bao vui buồn trải nghiệm dường như đã quá sức. Mấy năm gần đây, ông phải chung sống với 3 cái stents đặt trong động mạch vành cùng với hàng chục loại thuốc uống mỗi ngày. Nhiều người khuyên ông nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, nhưng ông không thể nghe theo.

Đầu năm 2011, vừa cho ra mắt tiểu thuyết “Bóng đêm”, tiếp sau đó ông đã hoàn thành tiểu thuyết “Bến bờ”, cả hai hợp thành bộ tiểu thuyết về đề tài hình sự. Cuộc đời và sự nghiệp đồ sộ của Ma Văn Kháng như là một minh chứng sinh động cho quan niệm về nghề văn thật là quyết liệt và nghiêm khắc của nhà văn Pháp G. Flaubert: “Nghề văn đòi hỏi người viết ngay chính cuộc đời của anh ta cũng là phương tiện”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem