Mặc gió mưa, bão táp, nông dân miền Bắc vẫn "gánh" cả kho ngọc trời về nhà
Mặc gió mưa, bão táp, nông dân miền Bắc vẫn "gánh" cả kho ngọc trời về nhà
Minh Ngọc
Thứ năm, ngày 11/11/2021 19:00 PM (GMT+7)
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 và điều kiện thời tiết bất thuận nhưng sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc đã thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị.
Vụ đông xuân 2020-2021, tổng diện tích gieo cấy vụ lúa tại các tỉnh phía Bắc ước đạt 1,087 triệu ha, giảm khoảng 10.000ha so với vụ cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo cấy giảm do chuyển đổi sang các loại cây rau màu và mục đích phi nông nghiệp.
Năng suất lúa vụ đông xuân 2020-2021 ước đạt khoảng 64,2 tạ/ha (tăng 1,6 tạ/ha so với vụ đông xuân 2019-2020); về sản lượng lúa toàn miền Bắc vụ đông xuân 2020-2021 ước đạt 6,983 triệu tấn (tăng khoảng 104.000 tấn so với cùng kỳ năm trước).
Chia sẻ tại hội nghị "Đánh giá kết quả sản xuất năm 2021, triển khai sản xuất vụ đông xuân 2021-2022 các tỉnh phía Bắc", ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sản xuất lúa vụ đông xuân 2020 - 2021 các tỉnh phía Bắc là một vụ sản xuất thắng lợi, đạt về năng suất, giá trị và lợi nhuận do diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng được mở rộng, ngoài ra chi phí đầu vào sản xuất năm nay giảm hơn so với năm trước (do giảm chi phí về bảo vệ thực vật, giảm chi phí công lao động do tăng cường áp dụng cơ giới hóa).
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương cần chỉ đạo thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống phù hợp với tình hình thời tiết, diễn biến thị trường; đảm bảo tính tích hợp theo chuỗi với lúa mùa sớm và vụ đông; tập trung mọi nguồn lực để gieo trồng hết diện tích theo kế hoạch; sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước...
Đối với sản xuất lúa vụ hè thu, vụ mùa 2021, diện tích gieo cấy lúa tại các tỉnh phía Bắc ước đạt 1,217 triệu ha (giảm khoảng 8.000ha so với năm 2020); năng suất trung bình ước đạt 52,9 tạ/ha (tăng 1,4 tạ/ha); sản lượng đạt 6,435 triệu tấn (tăng 129.000 tấn).
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, vụ hè thu, mùa 2021, diện tích gieo cấy lúa giảm khoảng 8.000ha, nguyên nhân do một số diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang cây rau màu, cây ăn quả lâu năm có hiệu quả kinh tế cao hơn và một phần diện tích đã chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp.
"Vụ hè thu, mùa 2021 các địa phương đã ứng dụng tốt các biện pháp kỹ thuật như giống mới, biện pháp canh tác tổng hợp và công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời… đã làm năng suất lúa ở các trà, các vùng đều tăng so với cùng kỳ năm 2020" - ông Cường cho biết.
Ông Cường đánh giá, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 và điều kiện thời tiết bất thuận nhưng sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc đạt thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị.
Theo đó, năm 2021 toàn miền Bắc gieo cấy ước đạt 2,3 triệu ha; năng suất lúa trung bình cả năm của các tỉnh phía Bắc ước đạt 58,2 tạ/ha (tăng 1,5 tạ/ha so với năm 2020); sản lượng lúa năm 2021 các tỉnh phía Bắc ước đạt 13,418 triệu tấn (tăng 233.000 tấn so với năm 2020).
Sớm xây dựng kế hoạch vụ đông xuân 2021-2022
Vụ đông xuân 2021 - 2022, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy 1,081 triệu ha, giảm khoảng 6.000ha so với lúa vụ đông xuân 2020 - 2021; năng suất trung bình đạt 64,4 tạ/ha tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm trước, sản lượng ước đạt khoảng 6,965 triệu tấn, giảm khoảng 18.200 tấn.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng ENSO trong trạng thái La Nina sẽ tiếp tục duy trì cường độ yếu cho đến hết năm 2021 với xác suất khoảng 70%; những tháng đầu năm 2022, nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng dần nhưng vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm và ENSO vẫn trong trạng thái La Nina yếu.
Đặc biệt, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, đặc biệt nguồn nước tới các hồ chứa lớn trên thượng lưu lưu vực sông Hồng tiếp tục xảy ra từ tháng 11/2021-4/2022.
Để vụ đông xuân 2021 – 2022 đạt hiệu quả, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương sớm xây dựng kế hoạch sản xuất lúa, màu vụ đông xuân 2021 - 2022 và vụ hè thu, vụ đông của cả năm 2022.
"Vụ đông xuân là vụ có năng suất cao nhất, quan trọng nhất trong năm nên phải ưu tiên bố trí thời vụ tối ưu nhất" - ông Doanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các địa phương chỉ đạo sản xuất trà xuân muộn là chủ lực, tăng diện tích lúa chất lượng, giống chống chịu tốt với sâu bệnh và điều kiện bất thuận; khuyến khích sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chỉ bố trí giống lúa dài ngày trên các chân đất đặc thù.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao và bền vững; làm tốt thủy lợi nội đồng, chủ động tưới tiêu, chỉ đạo chặt chẽ dự tính dự báo sâu bệnh hại, đặc biệt các bệnh nguy hại như đạo ôn, lùn sọc đen, phương châm phòng là chính; tăng cường dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời các đối tượng dịch hại trên cây trồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.