Mặc kệ ai xui tăng đàn, vì sao nông dân nuôi gà, nuôi lợn ở tỉnh này vẫn nuôi ít đi?
Mặc kệ ai nuôi nhiều, vì sao nông dân nuôi gà, nuôi lợn ở tỉnh này vẫn nuôi ít đi?
Thứ bảy, ngày 29/10/2022 05:52 AM (GMT+7)
Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Long An rục rịch tái đàn để phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm. Tuy nhiên, giá thức ăn gia súc, gia cầm tăng cao cùng với nguy cơ dịch bệnh khiến người chăn nuôi lo ngại, dè chừng khi tái đàn.
Gắn bó với nghề nuôi gà đã nhiều năm, năm nào ông Trần Văn Tuấn (ấp Thuận Nam, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cũng nuôi gần 5.000 con gà thịt để phục vụ thị trường tết.
Tuy nhiên, năm nay ông chỉ nuôi 3.500 con gà thịt, giảm gần 1.500 con so với những năm trước. Theo ông Tuấn, mặc dù hiện nay giá đầu ra khá tốt nhưng ông không dám tăng đàn do giá thức ăn cho gà tăng cao, hiện ở mức trên 350.000 đồng/bao, tăng gần 80.000 đồng/bao so với trước.
Trong khi đó, đàn gà của ông được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn hỗn hợp, không ăn độn các loại thức ăn khác, thời gian nuôi gần 4 tháng nên chi phí tăng lên khá cao. Hiện, trung bình 1kg gà, ông Tuấn phải đầu tư khoảng 65.000-70.000 đồng.
“Với giá gà thịt của thị trường từ 55.000-60.000 đồng/kg như hiện nay thì người chăn nuôi rất khó có lãi, thậm chí có thể thua lỗ nếu không bảo đảm được đầu con. Hy vọng dịp cuối năm giá gà sẽ tăng lên thêm 5.000-10.000 đồng/kg thì may ra người nuôi mới có lãi” - ông Tuấn nhẩm tính.
Không riêng gì các hộ chăn nuôi gà, các hộ chăn nuôi heo cũng đang rất dè dặt trong việc tái đàn, tăng đàn phục vụ thị trường cuối năm.
Theo các hộ chăn nuôi heo, giá heo hơi hiện đang ở mức 60.000-62.000 đồng/kg và người nuôi có lãi nhưng do tâm lý lo sợ giá cả bấp bênh và dịch bệnh, nhiều người vẫn chưa dám tăng đàn trở lại.
Ông Lê Văn Cường (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ) cho biết, lứa heo tết này ông cũng không dám tăng đàn như mọi năm mà chỉ nuôi 12 con để duy trì, thay vì 30 hay 50 con như những năm trước.
“Mặc dù với giá heo hơi hiện nay người chăn nuôi đã có lãi khoảng 1-1,2 triệu đồng/con nhưng nếu thời gian tới giá heo giảm, người chăn nuôi sẽ nắm chắc thua lỗ bởi hiện nay giá thức ăn chăn nuôi khó có chiều hướng giảm nên chúng tôi không dám mạo hiểm” - ông Cường nói thêm.
Ông Trần Văn Tuấn (xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long an) nuôi 3.500 con gà thịt để phục vụ thị trường tết
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh Long An hiện có 907 cơ sở chăn nuôi tập trung, trong đó, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ chiếm đa số với hơn 77%.
Đồng thời, toàn tỉnh Long An cũng có 15 hợp tác xã chăn nuôi và 4 chuỗi cung ứng thực phẩm chăn nuôi an toàn. Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát tốt, đàn heo và đàn gia cầm toàn tỉnh tiếp tục trên đà hồi phục.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng, hiện đang là thời điểm người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chuẩn bị con giống để chăn nuôi cho vụ tết.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thời tiết diễn biến bất lợi, sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm dễ cho các loại vi-rút “tấn công”. Do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng phòng, chống dịch bệnh.
Thực tế những năm trước cho thấy, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi, dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6,... thường xảy ra vào những dịp cuối năm, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, nhất là ở những huyện có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn như Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ,...
Chi cục đang rà soát lại số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn, để có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để bảo đảm chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm 2022.
“Để bảo đảm tái đàn hiệu quả và giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi cần cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi.
Ngoài nhập con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi.
Ngoài ra, Chi cục cũng khuyến khích người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, chú trọng bảo đảm chất lượng và phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ” - bà Huỳnh Thị Kim Phượng khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.