Mách bạn: Chữa bệnh, làm đẹp từ các loài hoa Tết

Thứ bảy, ngày 02/02/2013 07:23 AM (GMT+7)
Dân Việt - Hoa không chỉ là những thứ để tô điểm, là sứ giả của tình yêu mà còn có thể làm thức ăn, làm thuốc để chữa bệnh. Đặc biệt, những loài hoa Tết như đào, cúc, mai, lan, hồng đều có công dụng chữa bệnh, làm đẹp rất hữu hiệu
Bình luận 0

1. Hoa đào – Nhan sắc rực rỡ

img

Hoa đào là một dược phẩm và mỹ phẩm độc đáo của nền y học cổ truyền. Hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc đi vào các kinh Tâm, Can và Vị. Có công dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được người xưa dùng để chữa các chứng bệnh như thủy thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, kinh bế, tâm phúc thống (đau vùng tim), mụn nhọt…

Chính vì vậy mà từ xa xưa, sau dịp Tết Nguyên đán, người ta thường thu hái hoa đào đem phơi khô trong bóng râm (phơi âm can) và bảo quản nơi cao ráo để làm thuốc dùng dần, mà đặc biệt là làm đẹp.

Chẳng hạn để thân hình thon thả, ưa nhìn với những phụ nữ quá béo, trong “sách Thiên kim yếu phương” khuyên nên uống bột hoa đào mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1g vào lúc đói. Hay trị các vết rám đen ở mặt, người ta dùng hoa đào 4 phần, bạch dương bì 2 phần và bạch quả tử nhân 5 phần, tất cả đem sấy khô, tán thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g ngay sau bữa ăn.

Phụ nữ muốn có được làn da trắng trẻo, nhu nhuận, mịn màng có thể dùng phương thuốc có tên gọi là “Ngọc nhan tán”, gồm hoa đào 200g, đông qua nhân (nhân hạt bí đao) 250g, và bạch dương bì (vỏ cây bạch dương) 100g. Các vị đều sấy hoặc phơi khô, tán bột, trộn thêm một chút đường trắng rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê sau bữa ăn….

2. Hoa Cúc – tăng cường tuổi thọ

img

Đông y cũng cho rằng cúc hoa là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, làm sáng mắt nếu dùng lâu ngày, làm tăng vẻ đẹp dung nhan, chống lại sự lão hóa khiến người được mãi xuân. Theo kinh nghiệm nếu sử dụng hoa cúc tươi thì kết quả tác dụng còn mĩ mãn hơn nhiều. Trong tài liệu còn nói nếu cao lỏng cúc hoa lại trộn cùng mật ong trắng mà cô đặc lại thì kết quả còn tăng lên gấp bội lần.

Nghĩa là nhờ cúc hoa và mật ong trắng kết hợp với nhau sẽ làm da trắng trẻo hồng hào, tóc đen mượt, làm chậm quá trình lão hóa tế bào khiến cơ thể trở nên cường tráng và trẻ mãi, kéo dài thêm tuổi thọ. Bởi vậy, ngày xưa các thái y trứ danh qua nhiều thử nghiệm đúc kết thấy quả là tuyệt nên đệ trình phương thuốc quý này lên Từ Hi Thái Hậu, đã được bà chấp thuận, ưng dùng và bà rất yêu thích dùng cao cúc hoa diên niên này.

Sau đây xin giới thiệu phương thuốc mà Từ Hi Thái Hậu đã sử dụng được lưu giữ trong bí phương của cung đình Trung Hoa, trích trong: “Từ Hy, Quang Tự y phương tuyển nghi” đó là phương: CÚC HOA DIÊN LINH CAO. Tác dụng của phương: “Cúc hoa diên linh cao” làm cho làn da trở nên hồng hào, tươi mịn, dung nhan bất suy và trường thọ. Thành phần là những cánh hoa cúc tươi, lượng đủ để nấu thành cao lỏng. Cho cánh hoa cúc vào nồi đổ nước vừa đủ, khi nấu thành nước quánh, thì vớt bỏ bã, rồi cho mật ong vào nấu tiếp thành cao, cất trong lọ dùng dần. Ngày dùng 1 – 2 lần, mỗi lần 12 – 15g, uống cùng nước sôi nguội.

3. Hoa thủy tiên – chống viêm

img

Thủy tiên là loài cây thuộc họ tỏi, có hai loại hoa đơn và hoa kép. Vì hoa thủy tiên nở trong chậu men đầy nước, mềm mại óng nuột như tiên nữ bay lượn trên mặt hồ cho nên còn gọi là “lăng ba tiên tử”. Theo dược học cổ truyền, hoa thủy tiên vị đạm, tính mát; rễ cây hoa vị cay đắng, tính lạnh; có công dụng khứ phong thanh nhiệt, hoạt huyết điều kinh, tiêu thũng giải độc; được dùng để chữa các chứng bệnh như kinh nguyệt không đều, phụ nữ ngũ tâm phiền nhiệt (nóng lòng bàn tay, bàn chân và vùng giữa ngực), mụn nhọt, viêm loét, viêm tuyến vú, quai bị, viêm hạch…

Y thư cổ Bản thảo cương mục cho rằng, hoa thủy tiên có công năng “khứ phong khí”. Thường được dùng dưới dạng tươi hoặc khô, uống trong với liều từ 3 - 6g, dùng ngoài giã nát đắp hoặc nấu nước rửa. Củ cây thủy tiên có tác dụng giảm đau rất tốt. Lấy củ giã nát đắp vào chỗ đau, có thể chữa được mụn nhọt, đinh độc. Trong dân gian thường dùng củ thủy tiên để chữa ung thư tuyến vú. Tuy nhiên, vì có độc, củ thủy tiên chỉ được dùng ngoài.

4. Hoa hồng – chữa ho

img

Trong y học, hoa hồng đã được đề cập đến từ rất lâu. Người Trung Quốc còn gọi hoa hồng là Nguyệt quế hoa, tên khoa học là Rosa odonata sweet. Hoa hồng được dùng làm thuốc chữa nhọt, làm tan máu tụ và tiêu sưng bạt độc (bằng cách: giã nhuyễn rồi đắp lên chỗ sưng). Hoa hồng trắng hấp với đường phèn chữa trị ho rất hay.

5. Hoa thu hải đường – chữa sưng tấy

img

Đun sôi loại hoa này trong nước cùng với một chút quế sẽ tạo thành dung dịch có ích trong việc loại thải chất độc trong máu và làm sạch gan. Hỗn hợp đặc sệt được làm từ hoa thu hải đường có thể dùng để thoa lên những chỗ da bị bỏng, sưng tấy và viêm đau.

6. Hoa Cẩm chướng – vị mát

img

Đông y cho rằng cẩm chướng có vị đắng, tính hàn, tác dụng lợi tiểu, thông lâm, hoạt huyết, thông kinh, chữa đái buốt, đái dắt, đái ra máu, đái ra sỏi, tiểu tiện không thông, bế kinh, phù thũng, trừ giun, lá dùng chữa tắc ruột. Không dùng cho phụ nữ có thai vì cẩm chướng có tác dụng gây sẩy thai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem