Trong Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê, vườn được hiểu là “Khu đất thường ở sát cạnh nhà, được rào kín xung quanh để trồng rau, hoa hay cây ăn quả”. Theo Vi.wikipedia.org thì vườn là “khu đất để trồng trọt, có tính ổn định, thường được rào giậu”. Như vậy, nhìn chung, vườn được hiểu theo một cách thống nhất. Với tư cách là bộ phận của nhà, bản thân vườn cũng là một hệ thống gồm nhiều yếu tố như cây cối (rau, cây ăn quả, hoa...), đất để trồng cây, hàng rào bao quanh.
Sự khác nhau của mỗi khu vườn phụ thuộc vào đặc điểm của mỗi ngôi nhà và chủ nhân của ngôi nhà đó… Nhìn chung, vườn Việt Nam thường là sự thể hiện lại nét tự nhiên của thiên nhiên mộc mạc. Đặc biệt, vườn cảnh thường được Việt hóa để tạo nên nét riêng và phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai, văn hóa và lịch sử... từ đó khiến vườn Việt Nam có những đặc điểm riêng.
Đặc biệt, trong vườn cảnh Việt Nam ở mỗi miền lại thường có những ngôi nhà mang đậm nét đặc trưng như: nhà ba gian, hai chái ở những vườn cảnh ở Bắc bộ; nhà rường trong những nhà vườn Huế; hoặc được làm đẹp bằng những kiểu nhà sàn của dân tộc thiểu số vùng cao. Ở Nam bộ, trong vườn thường có thêm những cây cầu bằng tre vắt vẻo qua các mương nước như thách thức du khách đến chơi vườn...
Hình ảnh vườn gắn với nhiều tên gọi phong phú, độc đáo như:, vườn tược, vườn không nhà trống, cây nhà lá vườn, nhà vườn, miệt vườn, khuôn viên, điền trang, điền viên, vườn ươm, vườn bách thảo, vườn bách thú, vườn địa đàng, vườn quốc gia, vườn trẻ, vườn trường. Nhiều khi khái niệm vườn lại được gắn với yếu tố chỉ đặc điểm riêng như: Vườn cau, vườn xuân, vườn hồng, vườn đào, vườn liễu, vườn cúc, vườn chiều, vườn khuya... Ngay từ tên gọi vườn này đã phản ánh những đặc điểm nổi bật của một khu vườn vùng nhiệt đới. Những tên gọi này xuất hiện nhiều trong ca dao:
Bây giờ mận mới hỏi đào/Vườn hồng đã có ai vào hay chưa.
Hay: Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Tuy nhiên, với cách hiểu vườn là “Khu đất thường ở sát cạnh nhà, được rào kín xung quanh để trồng rau, hoa hay cây ăn quả” (Hoàng Phê), tên gọi vườn địa đàng, vườn bách thú, vườn bách thảo, vườn trẻ, vườn trường dường như không phù hợp.
Trong tiếng Việt khái niệm vườn còn được gắn với yếu tố chỉ thời gian. Đây là những tên gọi xuất hiện khá nhiều trong thơ ca như: vườn xuân, vườn khuya, vườn chiều.
Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya
(Trịnh Công Sơn)
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
(Nguyễn Du)
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa
(Tế Hanh)
Vườn còn gắn với chủ sở hữu của vườn như vườn ai, vườn mẹ, vườn của bé, vườn tôi, vườn anh. Nhóm tên gọi này cũng xuất hiện rất nhiều trong thơ ca. Đến với xứ Huế mộng mơ, chúng ta sẽ bị ám ảnh mãi bởi những khu vườn thôn Vĩ Dạ xanh mướt, trong lành trong thơ Hàn Mạc Tử. Ở đây biểu tượng vườn mang sắc thái địa phương, màu sắc dân tộc và dấu ấn văn hóa – lịch sử sâu sắc.
Sao anh không về chơi thôn Vỹ/Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/Lá trúc che ngang mặt chữ điền... (Hàn Mặc Tử)
Khu vườn Mẹ ngày xưa thơm ngát/Nào hoa lài, hoa bưởi, hoa chanh. (Thích Nữ Như Minh)
Hình ảnh vườn mang lại cảm giác bình dị, thân thuộc, thân quen vì nó gắn với cuộc sống của con người. Khu vườn ấy thường in dấu bàn tay chăm sóc của bà, của mẹ..., với những trò chơi tuổi thơ của con trẻ. Đó là không gian hẹp, khép kín, chứa đựng cảm xúc của con người, đặc biệt là tình cảm gia đình. Dựa trên nét nghĩa đó, vườn chính là tình cảm gia đình. Từ đó hình thành ý niệm “tình cảm gia đình là vườn”: Tuổi thơ con bao kỷ niệm khu vườn/Được chăm bón, nâng niu chiều chuộng/Mưa nắng cuộc đời Mẹ không nản chí/Sớm lại chiều đôi quang gánh trên vai (Nam Hà)
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua…/Con qua đâu thấy mái lá, cây vườn/Cũng đất nước phơ phơ đầu tóc mẹ… (Bằng Việt)
Trong bài thơ nổi tiếng Từ ấy của nhà thơ Tố Hữu, hình ảnh vườn lại gắn với tâm trạng của con người, gắn với chất men say lý tưởng hừng hực của một người thanh niên đang “băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” đến với sự giác ngộ cách mạng: Hồn tôi là một vườn hoa lá/Rất đậm hương và rộn tiếng chim. (Tố Hữu)
Tìm hiểu các ngữ liệu tiếng Việt gắn với hình ảnh vườn, ta thấy được thế giới tâm hồn, tình cảm và cách tư duy của người Việt. Một mạch ngầm dòng chảy văn hóa ẩn chứa trong đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.