Nhiều xóm thành một ấp. Có ấp vịnh nên cũng có ấp doi. Doi là do con sông ngoằn ngoèo tùy hứng, bên ấy đất bồi, bãi phù sa đẩy những nếp nhà vào sau biền lá dừa nước.
Đất doi là đất nở nhưng muôn đời thiệt thòi không được chường mặt tiền ra giáp với mặt sông. Và vịnh hay doi đều có một cánh đồng để xóm ấp tựa vào, đồng của vịnh đất thuần đất thục để trồng lúa, phần của doi đất khuất đất rẻo để trồng rẫy trồng màu.
Cuối cùng mùa thu hoạch cũng đã đến.
Xóm thuộc về sông lớn nên quanh năm có gió lướt dài, mùa khô vẫn ít khi đứng gió. Nhìn mặt sông có thể biết lịch âm thuộc thời điểm nào. Mùa khô nước bạc, thủy triều ngày hai bận lớn ròng, bông lục bình vừa trôi vừa nở thoang thoảng cả một vùng. Mùa mưa nước ngầu, thủy triều vẫn vậy nhưng nước sông lên dần gọi là nước về, nước lụt, khi nước cao đỉnh điểm giữa tháng 9 thì gọi là nước chum.
Có không thời xóm ấp thanh bình? Ký ức cân nhắc và ký ức đóng đinh thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Nhà giàu sụ có người Tây học chuộng khuôn rào kiểu Pháp, cây xanh cắt tỉa đàng hoàng ôm lấy nếp nhà khang trang, ngói đỏ. Nhà ít giàu hơn cũng khuôn rào bằng dâm bụt nhưng chăm sóc vừa vừa, sau hàng rào là những vuông sân lót gạch Tàu ngăn nắp.
Nhà trung nông thường trồng mẫu đơn thâm thấp ngăn sân kiểng với đường đi của dân xóm, bên trong là nếp nhà lá dừa nước công phu trên khuôn nền bằng gạch xếp. Xen kex không thể không có những nhà nghèo nền đất mái lá xập xệ theo quy luật, ở đâu cũng có người nghèo lẫn với người giàu.
Sự yên bình nằm trong triết lý sống được cầm trịch bởi những lão nông. Nhà được tiếng là giàu ấy luôn có người tri điền, bởi làm ăn giỏi nên họ mới giàu, thế hệ này truyền cái giỏi cho thế hệ sau, ruộng thêm vườn rộng. Họ được kính trọng, như những bóng cây, làm cho xóm ấp tĩnh lặng, bao bọc.
Không có rượu chè bê tha, không có đánh bạc, càng không có cà phê đèn đóm xập xình. Người lớn làm lụng, trẻ con đến trường, nam thanh nữ tú lớn lên lấy vợ lấy chồng, đám cưới vui chung, đám giỗ ai có gì mang đến góp thứ ấy, đoàn kết và thanh sạch.
Con người dành nhiều thời gian cho vườn tược và nhà cửa vào mùa khô. Những đội vần công không chính thức hình thành. Nhà nào muốn lợp muốn xây phải lên lịch. Lá dừa nước mua về xé ra phơi kín cả đường đi. Và ngày thay lá cho ngôi nhà ấy bắt đầu bằng tiếng cười đàn bà đàn ông gần nửa xóm.
Chỉ một ngày mái lợp xong và vài ba ngày tiếp theo, các bức vách cũng xong. Những liếp vườn cũng được tranh thủ bồi bổ, người chở đất phù sa bên doi về bán từng ghe một, người đưa đất vào liếp bằng ghe nhỏ qua hệ thống mương và việc trang đất vào từng gốc cây thuộc về gia chủ.
Mùa mưa bắt đầu, cả xóm gặp nhau trên cánh đồng mà bên kia bờ ngàn là hậu của một xóm khác. Cày vỡ, làm cỏ bờ, chờ mưa đủ thì gieo sạ rồi giặm vá. Những ngày mưa dầm cả xóm như được điều khiển bởi nhịp nghỉ ngơi chung. Đàn ông đi kiếm cá sông cá đồng, đàn bà làm bánh làm trái chuyền cho nhau bằng lũ liên lạc trẻ con.
Mưa làm cách trở nhưng không vì vậy mà người ta không vui, người ta không có cách hưởng thụ. Mưa miền Tây không dầm dề như mưa Huế. Mưa miền Tây vừa đủ để thấy những mái lá có công của cả xóm là ấm lòng, giá trị xiết bao. Mưa cho cá về dày hơn, mưa cho mùi sình đậm lên trong từng số phận con người và mưa cho nhà nông thấm thía nhịp sinh học của vùng đất mà cha ông đã không bõ công tìm đến nó thời gươm chèo mở cõi.
Cuối cùng mùa thu hoạch cũng đã đến. Nhà nhà ra đồng, từ sớm đến tối mịt. Trâu được lùa đi, thành từng tổ, chở lúa cho nhà này rồi nhà khác. Trẻ con ngồi cộ, trẻ con đùa giỡn với trâu và đùa giỡn với rơm rạ thơm nồng.
Hàng tháng trời cánh đồng mới trơ ra cuống rạ, những cánh đồng vạm vỡ, nức tiếng và chất chứa bao nhiêu mồ hôi nước mắt của những người đã cả gan đến đây phá tràm, lật gốc, làm thành sự phồn thực mà trẻ con luôn tưởng là có sẵn. Giê lúa, đóng bao và cho vào bồ, đó là việc của mỗi nhà, không vần đổi công gì nữa, lặng lẽ, thấm mệt nhưng tràn đầy, trọn vẹn.
Năm nào cũng Tết nhưng năm nào cũng bận rộn nỗi bận rộn ngọt ngào không ai muốn nhẹ đi. Một tuần để cho chợ búa, bán mua nông sản.
Một tuần dành cho bánh trái và tỉa tót nhà cửa, sân bến. Các lão nông biếu nhau những chai rượu tự cất tự ngâm. Đàn bà phân công nhau các món mứt để đổi cho nhau đỡ phải làm trùng. Và các cô gái bấm nhau làm những món dưa món bánh mới học lỏm được từ đâu đó. Các chàng trai thì riêng tư với lân với trống, kéo theo sau là lũ trẻ trai bao giờ cũng bóc xóc, lăng xăng.
Thời đó không mất hẳn mà sao giờ tìm thấy nó cũng không thể. Tất cả như bị tạm ngưng cho một cuộc đổi thay hay là một cuộc chờ đợi trở về.
|
Vào một ngày nào đó, sẽ có cảnh người của xóm này đi bộ sang với xóm trong, bên kia cánh đồng. Xóm của ngoại, hay xóm của bên vợ, bên chồng. Xóm của một vị đông y hay xóm của một người thầy đã mất.
Đi trong lúc nông nhàn và đi trong không khí tết nhất thật rộn ràng, thật khác. Buổi sớm, rạ cọ vào gan bàn châm ram ráp, buổi tối ai đó đã kịp đốt lên những đống lửa rơm để lấy ánh sáng và lấy mùi thơm. Tưng bừng, đặc biệt và thật là khó quên những buổi tối đẫm mùi khói rơm khói rạ ấy.
Thời đó không mất hẳn mà sao giờ tìm thấy nó cũng không thể. Tất cả như bị tạm ngưng cho một cuộc đổi thay hay là một cuộc chờ đợi trở về. Giờ con trai con gái hăm hở với chân trời và góc biển. Giờ người già ôm vườn tạp ôm đất ruộng bỏ không thui thủi trong những nếp nhà không có tiếng cười.
Xóm vẫn nguyên mà nội dung đã khác, lòng người cũng đã khác.
Hy vọng thời thế sẽ đặt mọi thứ vào đúng chỗ, thanh tịnh, thanh bình, từ đó mà sẽ có thanh cao, mãi mãi tinh thần và hồn cốt Việt.
Dạ Ngân (Dạ Ngân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.