|
Mận hậu được người dân bày bán ngay trước cửa nhà. Kiều Thiện |
Chỉ những cây mận hậu sai trĩu quả, anh Nguyễn Văn Hoà ở tiểu khu Ta Láng, xã Chiềng Sơn, Mộc Châu, cho biết: “Cách đây 5-6 năm tôi đã đốn bỏ hàng chục cây to hơn thế này để lấy đất trồng ngô, nhãn. Nhưng bây giờ thì trái mận hậu đã có lối thoát rồi. Mận năm nay được giá, vùng nào không dính mưa đá ít nhất cũng thu được 40-50 triệu đồng/ha”.
Lối thoát bên "bờ vực thẳm"
Thực hiện phong trào "san hộ giãn bản" và xoá bỏ cây thuốc phiện trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, mận hậu đã trở thành cây mũi nhọn của ND Sơn La, nhất là vùng Mộc Châu và thị xã Sơn La (TP.Sơn La hiện nay - PV) với tổng diện tích hàng ngàn ha. Nhưng sau khoảng chục năm, mận hậu đã rơi vào tình trạng thách thức đầu ra.
Độ chua trong quả tăng lên, tiêu thụ bế tắc; giá mận hậu năm 2004 chỉ còn 400-500 đồng/kg. Nhiều hộ bỏ mận không thu hoạch, một số ND đã chặt phá hoặc sử dụng cây mận hậu theo kiểu "vận dụng làm cọc giàn", tán che sương muối cho cây su su, mướp, rau, hoa và những cây ăn quả mới được đầu tư phát triển.
Tôi cứ ngồi ngay cổng nhà bán lẻ cũng thu được vài trăm ngàn một ngày. Chỉ một bao tải mận là đủ tiền mua sách vở, thức ăn cho con cái trong ngày.
Chị Lò Thị Inh
Ông Kiều Liêm - nguyên Chủ tịch UBND xã Chiềng Ve, tâm sự: “Nếu không có anh Mai Đức Thịnh (nay là Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp 19-5, thị trấn Nông trường Mộc Châu -PV) tìm ra giải pháp chế biến rượu mận vào năm 2006 thì chắc hẳn cây mận hậu sẽ bị ND xoá sổ”.
Tuy sản lượng tiêu thụ quả mận cho chế biến rượu mận Mộc Châu chưa cao nhưng ở thời điểm ấy nó giúp ND giải quyết được vấn đề tư tưởng, tạo niềm tin và giảm sức ép tiêu thụ trong thời điểm mận chín rộ. Vì thế, trong vài năm đầu, người ta đã dừng phá vườn mận và duy trì ở mức chăm sóc thấp, lấy sản lượng ít để bán lẻ, đợi thời cơ...
Không lo mận ế
Là một trong những ND Mông dám mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế trang trại với diện tích cây mận hậu là chủ yếu, anh Hạng A Dế ở bản Chiềng Đi, xã Vân Hồ (Mộc Châu, Sơn La), phấn khởi: “Mới vào vụ nhưng nhờ giá mận năm nay lên tới hơn 4.000 đồng/kg, tôi đã thu về trên 20 triệu đồng.
Đầu vụ bán lẻ thì tiền thu rải rác, bây giờ cứ 5 ngày hái một lần, lái buôn từ các tỉnh Bắc Giang, Hà Nam, Hà Nội... đến tận nhà mua, mình chỉ mất công thu hái chứ chẳng phải bốc vác, đóng bao gì cả. Họ bảo mận Sơn La là mận sạch, chất lượng ngon, người miền xuôi và cả bên Trung Quốc rất thích nên có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu”.
Lý giải về bí quyết làm cho quả mận thêm ngon, anh Dế cho hay: Ngày trước do bà con trồng cây lâu năm mà không chịu bón thêm vôi, kali... nên hỏng chất đất, làm quả mận chua. Còn bây giờ thì ai cũng biết cách chữa rồi, mận ngọt và giòn, róc hạt, bán rất được giá.
Trồng mận hậu mà biết cách tạo ra những vụ mận trái mùa, cho quả chín sớm hơn hoặc muộn hơn so với vụ chính thì mỗi ha có thể cho thu tới cả trăm triệu đồng vì giá mận trái mùa lên tới 10.000-15.000 đồng/kg. Một số ND ở đây đã biết cách làm ra mận trái mùa. Tháng 2, tháng 3 đã có mận chín; tháng 9 vẫn còn mận tươi...
Trở về TP.Sơn La, đến với những vườn mận đỏ rực bên xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ... tôi cảm nhận rõ thêm niềm vui của người trồng mận trong ngày thu hoạch. Chị Lò Thị Inh ở xã Chiềng Đen cho biết: “Trước đây mận cho chả ai muốn lấy, nhìn vườn mận mà thấy giận mình đã trồng. Nay thì cứ ngồi ngay cổng nhà bán lẻ cũng thu được vài trăm ngàn một ngày. Nhà tôi đang trồng thêm gần trăm gốc mận trên vườn nhãn sau nhà. Chỉ 3 năm sau là cho quả đấy”.
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.